Scor Mu, một họa sĩ tạo hình cho hãng game ở Thành Đô (Trung Quốc), hiểu rằng những nhân vật nữ phải thật “xinh đẹp và quyến rũ” là quy tắc bất thành văn trong ngành. Tuy nhiên, cô gái 28 tuổi này vẫn sốc khi nhận được yêu cầu thiết kế từ công ty đối tác vào năm ngoái.

“Nhân vật nữ mới phải tạo cảm hứng cho nam giới”, SCMP trích văn bản Scor Mu nhận được.

Khi được hỏi liệu cô có gửi đơn khiếu nại về vụ việc trên hay không, Scor cho biết điều đó hoàn toàn vô nghĩa. Những họa sĩ như cô không có cách nào khác ngoài chấp nhận và kiên nhẫn thực hiện công việc.

“Đôi khi bạn phải bỏ qua những điều đó và tự an ủi bản thân rằng ít nhất cấp trên đã đưa ra chỉ thị rõ ràng ngay từ đầu. Tuy nhiên, nó thực sự ảnh hưởng đến tinh thần của tôi trong lúc làm việc”, Scor chia sẻ.

Năm 2019, theo báo cáo của Hiệp hội trò chơi điện tử do chính phủ điều hành (CGIGC), ước tính có 300 triệu người chơi ở Trung Quốc là nữ giới, chiếm 46,2% tổng số game thủ ở nước này.

Tuy nhiên, họ không chi tiêu mạnh tay. Số tiền phái nữ nạp chỉ chiếm chưa đầy 1/4 doanh thu của các công ty game. Điều đó đồng nghĩa rằng sở thích và thị hiếu của cánh đàn ông sẽ quyết định tạo hình và hướng đi của game.

“Vì hầu hết người chơi là nam giới nên những nhà phát triển game chú trọng vào nhu cầu của nhóm đối tượng này”, Tingting Liu, phó giáo sư tại ĐH Tế Nam, nhận định.

Có lẽ vậy, khó có thể tìm thấy một tựa game mà nhân vật nữ được mặc quần áo kín đáo hoặc không bó sát. Dù chiến đấu ở bất kỳ hoàn cảnh nào, những cô gái trong trò chơi điện tử đều mặc những bộ hở bạo và vô cùng “mát mẻ”, thể hiện đường cong hoàn mỹ siêu thực.

phai nu phai ho bao trong game anh 1

Mặc dù thuộc dòng game hành động, các nhân vật nữ thường được thiết kế trang phục "thiếu vải". Ảnh:Tekken 7.

Năm 2018, công ty IMC Games ở Seoul (Hàn Quốc) tiến hành điều tra đối với nữ nhân viên Sung Hye Jin với cáo buộc “chống đối xã hội”. Lý do là cô gái theo dõi vài hội nhóm nữ quyền trên Twitter và có chia sẻ lại một bài đăng, trong đó có sử dụng từ lóng nói về những người đàn ông phân biệt giới.

Ngay lập tức, cánh đàn ông, phần lớn là game thủ, yêu cầu công ty sa thải Hye Jin. Họ gọi cô là “thứ ung nhọt của xã hội” và “theo đuổi hệ tư tưởng sai lệch”.

Mặc dù không bị mất việc làm, trước áp lực dư luận, nữ nhân viên buộc phải xin lỗi về hành động của mình và hứa sẽ bỏ theo dõi các nhóm nữ quyền, theo Straits Times.

Scor Mu và Hye Jin không phải là những người phụ nữ duy nhất gặp rắc rối ở thị trường game online. Đó chỉ là một góc về tình trạng phân biệt giới tính trầm trọng trong ngành công nghiệp trò chơi trên thế giới nói chung và châu Á nói riêng.

Không được tôn trọng

Trên thực tế, trải nghiệm chơi game của phụ nữ không hề được cải thiện trong nhiều năm qua. Vấn nạn quấy rối và phân biệt đối xử tiếp tục phổ biến trong ngành.

Mới đây, tại Trung Quốc, nhiều người chơi nữ bày tỏ sự phẫn nộ trước những bình luận tục tĩu của Feng Ji, CEO của hãng Game Science, đăng trên Weibo.

Sau khi đoạn video giới thiệu của trò chơi sắp ra mắt Black Myth: Wukong được tung ra, vị giám đốc nói rằng anh “cảm thấy áp lực trong quần”.

phai nu phai ho bao trong game anh 2

Phần lớn nữ game thủ không nhận được sự tôn trọng từ nam giới. Ảnh:Cherzinga.

Mặc dù không trực tiếp nhắc đến phụ nữ, nhiều người lên tiếng phản đối và tuyên bố sẽ tẩy chay tựa game vì những bình luận nhạy cảm của Feng. Đồng thời, một cuộc tranh luận về sự bôi nhọ và ngược đãi nữ giới trong ngành công nghiệp trò chơi điện tử đã nổ ra.

“Cách nói của anh ta rõ ràng là không tôn trọng hay để tâm đến các nữ game thủ. Đó là lý do khiến tôi bất bình”, Yishan Jin, một sinh viên kỹ thuật, nói.

Về phần mình, Jin cho biết trong hơn 4 năm chơi Dota 2, những nam game thủ sẽ hỏi nhiều điều kỳ quặc mỗi khi cô bật mic lên. Họ thắc mắc về kích cỡ áo ngực của cô, hoặc có phải vì Jin quá xấu nên chơi game để kiếm người yêu hay không.

Thực tế cho thấy nữ giới thường xuyên bị coi thường và xúc phạm về giới tính. Không ít người chơi nam cho rằng các nữ game thủ chỉ là “vật trang trí” hoặc đóng vai “kỳ đà cản mũi” trong nhóm.

Khi phái nữ giành chiến thắng, cánh đàn ông sẽ cho rằng là do ăn may hoặc đưa ra lời nhận xét có đề cập đến giới tính như “không quá tệ cho một cô gái”, “là phái yếu mà cũng ghê gớm nhỉ”...

Ngược lại, khi một nhóm thua cuộc mà có nữ game thủ trong đội, phần lớn phái mạnh sẽ đổ lỗi cho cô gái ấy và tự nhận mình quá vất vả khi phải “gánh team”.

phai nu phai ho bao trong game anh 3

Số lượng nữ game thủ ngày càng tăng mạnh ở nhiều quốc gia châu Á như Trung Quốc, Hàn Quốc, Singapore, Ấn Độ... và góp mặt trong nhiều giải đấu quốc tế. Ảnh:David Wong.

Họa sĩ tạo hình nhân vật game Scor Mu từng bị xúc phạm khi chơi League of Legends. “Chạy theo hỗ trợ cho cô ta thật mệt mỏi quá sức tưởng tượng”, một người chơi nam sỉ vả cô gái này.

Bên cạnh đó, không ít nam giới cho rằng phụ nữ chơi game chỉ để lôi kéo sự chú ý của cánh đàn ông. Họ không chấp nhận sự thật rằng các cô gái cũng có sở thích giống họ.

Không được ủng hộ nữ quyền

“Có rất ít các nhà sản xuất nữ trong giới game online, ngay cả ở những vị trí như nhà tạo hình nhân vật”, Kathy Gong, Giám đốc điều hành và đồng sáng lập hãng WafaGames ở Bắc Kinh (Trung Quốc), nhận định.

Với nhiều năm kinh nghiệm trong nghề, giám đốc Gong khẳng định sự mất cân bằng giới tính trong lĩnh vực trò chơi điện tử còn nặng nề hơn so với ngành công nghệ nói chung.

Chỉ riêng tại công ty của Scor, cứ 3 nhân viên nam mới có 1 nhân viên nữ và họ làm việc ở bộ phận lễ tân hoặc phát triển kinh doanh. Scor là nữ họa sĩ duy nhất trong công ty.

Theo Tingting Liu, phó giáo sư tại Trường Báo chí và Tuyên truyền thuộc ĐH Tế Nam, nam giới thường tạo ra trò chơi, còn phái nữ chủ yếu làm việc trong lĩnh vực marketing và dịch vụ khách hàng.

“Cũng có vài trường hợp ngoại lệ nhưng không phải những trò chơi hot nhất hiện nay. Điều đó khiến cho việc sản xuất những game dưới góc nhìn của phụ nữ trở nên khó khăn”, phó giáo sư nhận xét.

phai nu phai ho bao trong game anh 4

Không ít nam giới cho rằng phụ nữ chơi game chỉ để lôi kéo sự chú ý của cánh đàn ông. Ảnh:Cyber Game Tech.

Tình trạng tương tự cũng diễn ra ở Hàn Quốc, thị trường trò chơi điện tử lớn thứ sáu thế giới với số người chơi bằng một nửa dân số quốc gia.

Trong khi phụ nữ chiếm 42% tổng số game thủ ở xứ sở kim chi, số lượng nhà phát triển game là nữ lại rất ít, chỉ chiếm khoảng 25% nhân lực trong ngành. Ngoài ra, phái nữ làm việc ở lĩnh vực này phải chịu áp lực lớn từ vấn nạn bất bình đẳng giới.

Theo AFP, nhiều game thủ, chủ yếu là đàn ông, bỏ thời gian theo dõi từng lượt like, chia sẻ hoặc bình luận của những nữ nhân viên trong ngành trò chơi điện tử xem có ủng hộ nữ quyền hay không. Nếu có, họ sẽ đâm đơn kiện, gây áp lực và đe dọa tẩy chay công ty chủ quản.

“Họ không ngừng tấn công những ai đăng thứ gì có liên quan, dù chỉ một chút, đến các vấn đề về quyền phụ nữ. Họ yêu cầu phía công ty phải sa thải nhân viên đó ngay lập tức”, một quản lý cấp cao tại một hãng game cho biết.

Năm 2016, công ty trò chơi hàng đầu Hàn Quốc Nexon buộc phải sa thải một nữ diễn viên lồng tiếng trước áp lực dư luận. Trước đó, cô gái đăng một bức ảnh mặc áo phông với dòng chữ “Các cô gái không cần hoàng tử trong đời”.

 

Theo  Zing