Ngày 21-23/8, Hội chợ triển lãm đồ chơi Trung Quốc diễn ra tại Thượng Hải với hàng nghìn người tham dự.
Theo Orange Umbrella, tổ chức phi lợi nhuận chống bạo lực giới, nhiều khách tham quan hội chợ này đã bị sốc khi nhận ra nhân vật trong một game thẻ bài khiêu dâm được quảng bá tại đây có tên là Fang Siqi, Sixth Tone đưa tin.
Đây cũng là tên nữ chính của cuốn tiểu thuyết First Love Paradise of Fang Siqi (tạm dịch: Thiên đường tình yêu đầu tiên của Fang Siqi). Nội dung tác phẩm kể về cô bé 13 tuổi Siqi bị giáo viên luyện thi của mình cưỡng hiếp. Sau đó, cô tự sát vì không chấp nhận được nỗi kinh hoàng và sự xấu hổ của bản thân về những gì đã xảy ra.
"Đó không phải là cái tên được lấy ngẫu nhiên từ một bộ phim hoạt hình dễ thương nào đó. Đằng sau cái tên này là vấn đề xã hội nghiêm trọng về những nạn nhân hiếp dâm vị thành niên và nỗi đau, sự thống khổ mà nhiều phụ nữ đã trải qua", một khách tham gia hội chợ nhận định.
|
Nhân vật nữ tạo hình ăn mặc hở hang có tên giống nhân vật chính trong tiểu thuyết nổi tiếng. |
Ngày 25/8, Shenyang Bolun Science and Technology Ltd., đơn vị sản xuất game thẻ bài này, cho biết các nhà thiết kế trò chơi đã không đọc cuốn tiểu thuyết được đề cập và chọn cái tên này “do trùng hợp”.
"Chúng tôi không sợ (làn sóng chỉ trích). Cái tên đó chưa được ai đăng ký quyền sở hữu cả", đại diện công ty nói.
Cùng ngày, đơn vị tổ chức triển lãm lên tiếng xin lỗi vì đã không xem xét cẩn thận các sản phẩm được quảng bá và cho biết công ty sản xuất game thẻ bài trên sẽ bị cấm tham dự các sự kiện của đơn vị này trong tương lai.
First Love Paradise of Fang Siqi là cuốn tiểu thuyết được viết dựa trên những tổn thương thời thơ ấu có thật của tác giả Đài Loan Lin Yi-han. Cô cho biết đã bị giáo viên dạy văn cưỡng hiếp nhiều lần trong một chương trình học sau giờ chính khóa. Yi-han đã tự sát 2 tháng sau khi cuốn sách của cô được xuất bản vào năm 2017.
Cuốn sách được giới phê bình đánh giá cao và là một trong những tác phẩm ăn khách nhất năm 2017. Tác phẩm được ca ngợi vì làm sáng tỏ vấn đề tấn công tình dục trong giới học thuật và khuyến khích các nạn nhân lên tiếng.
Cùng thời điểm đó, Alyosha, bút danh của một sinh viên, đã tố cáo một giáo sư tại Học viện Điện ảnh Bắc Kinh cưỡng hiếp cô. Nữ sinh viên cho biết sự đồng cảm của công chúng dành cho tác giả Yi-han đã thôi thúc cô lên tiếng.
|
Game thẻ bài khiêu dâm có nhiều nhân vật nữ ăn mặc thiếu vải. |
Trên mạng xã hội, nhiều người cũng bày tỏ sự phẫn nộ trước thông báo của đơn vị sản xuất trò chơi này. Một hashtag liên quan đã được gắn hơn 3 triệu lần trên nền tảng Weibo.
“Fang Siqi không phải là chủ đề cho hình ảnh khiêu dâm. Cô ấy là biểu tượng cho hàng nghìn phụ nữ phải trải qua tình huống tương tự. Nếu không có nổi sự đồng cảm, chi bằng hãy giải tán công ty đi", một dân mạng viết.
"Ngay cả khi cái tên đó là một sự trùng hợp, công ty nên có trách nhiệm giải quyết hậu quả", một người khác nói.
“Đối với nhiều độc giả, Fang Siqi đại diện cho hình ảnh của một thiếu nữ vô tội bị lạm dụng và xúc phạm dã man. Thật là vượt quá ranh giới đạo đức khi để câu chuyện của cô ấy được sử dụng như một trò giải trí", Chen Yaya, nhà nghiên cứu tại Học viện Khoa học Xã hội Thượng Hải, cho biết.
Trước đó, vào tháng 7, hàng nghìn meme về một vụ án giết người ở thành phố Hàng Châu - liên quan đến một người đàn ông giết vợ, phân xác và vứt xác trong bể phốt - cũng liên tục được chia sẻ trên ứng dụng video ngắn Douyin. Sau đó, những hình ảnh này bị xóa vì vi phạm các tiêu chuẩn của nền tảng.
Theo Zing