Khi mang thai con gái, tôi cùng chồng tham gia một khóa học chuẩn bị làm cha mẹ, trong đó họ nói rất nhiều về các dấu hiệu trầm cảm sau sinh của các bà mẹ. Chồng tôi đã ghi chép rất tỉ mỉ.

Tôi có tiền sử trầm cảm, thỉnh thoảng rơi vào những "hố sâu" mà chỉ có thuốc và liệu pháp tâm lý mới kéo tôi ra được.

Còn chồng tôi là hình ảnh thu nhỏ của sự ổn định. Khi bố mẹ anh qua đời trong năm đầu tiên chúng tôi quen nhau, tôi lại là người cần được an ủi nhiều hơn anh ấy.

Nếu đặt cược xem ai giữa chúng tôi sẽ trầm cảm sau khi con gái chào đời, mọi người người thân đều nói đó là tôi. Nhưng cuối cùng, người đó lại không phải tôi.

Tôi chưa bao giờ nghĩ tới trường hợp người đàn ông sẽ phải chống chọi với chứng trầm cảm sau khi sinh một đứa trẻ. Vào thời điểm đó, tôi chỉ chú tâm tới sức khỏe của cô con gái nhỏ, cũng như thể chất và tinh thần của bản thân.

Thực tế, đàn ông cũng phải đấu tranh sau khi đứa trẻ chào đời.

Cứ 6 đàn ông thì có một người có thể bị lo lắng ở mức độ cao trong thời kỳ hậu sản và khoảng 10% đàn ông mới làm bố lần đầu trầm cảm sau sinh. Trong khoảng thời gian 3-6 tháng sau khi có con, tỷ lệ đó tăng lên 25%.

                                                                                    Không chỉ phụ nữ mà đàn ông cũng đối mặt chứng trầm cảm sau khi có con. Ảnh: iStock/gahsoon.


Áp lực khi có con đầu lòng


Có lẽ việc chồng xếp cuối trong danh sách những mối bận tâm của tôi cũng khiến tình trạng của anh trở nên nghiêm trọng, ảnh hưởng đến đời sống gia đình trong 3 năm đầu sau khi đứa trẻ ra đời.

Một buổi sáng hồi năm 2019, khi nhìn đứa con gái 21 tháng tuổi đang ngồi trên chiếc ghế cao, xúc từng nắm bột yến mạch, chồng tôi bất chợt nói: "Anh ghét thời gian này trong ngày!".

"Tại sao?", tôi hỏi.

"Chỉ là anh ghét việc nuôi dạy con cái", anh đáp.

Tôi không ngạc nhiên khi nghe câu trả lời đó. Tôi đã nghi ngờ vấn đề ở anh và thậm chí bắt đầu đọc về chứng trầm cảm sau sinh trên mạng.

Sổ tay Chẩn đoán và Thống kê về Rối loạn Tâm thần định nghĩa trầm cảm "khởi phát chu sinh" là một giai đoạn trầm cảm nặng trong thời kỳ mang thai hoặc 4 tuần sau khi sinh. Đối với nam giới, vấn đề này có thể phát triển chậm hơn trong vòng một năm.

Thông thường, các triệu chứng của giai đoạn trầm cảm nghiêm trọng có thể bao gồm cảm thấy buồn, khóc, thường xuyên có ý nghĩ về cái chết và mất hứng thú với các hoạt động. Theo Sheehan Fisher, trợ lý giáo sư tâm thần học và khoa học hành vi tại Đại học Northwestern, các triệu chứng ở nam giới có thể khác nhau.

                                                        Đàn ông thường có xu hướng che giấu vấn đề tâm lý, tỏ ra mạnh mẽ và cứng rắn. Ảnh: Keith Negley/The New York Times.


"Chẩn đoán trầm cảm thực tế của DSM không phải lúc nào cũng đúng với cách đàn ông trải qua trầm cảm. Đối với nam giới, các triệu chứng có thể bao gồm thất vọng, kích động và cáu kỉnh, gia tăng các hoạt động thúc đẩy dopamine (uống rượu, dùng ma túy, cờ bạc) và tự cô lập", ông Fisher nói.

Đó cũng là những biểu hiện của chồng tôi: thất vọng, cáu kỉnh và tách biệt. Anh ấy đi ngủ trước 19h, luôn nói rằng mình đã kiệt sức, dù tôi mới là người thức dậy chăm con gái mỗi đêm. Anh cáu bẳn với những thứ nhỏ nhặt nhất, chỉ muốn được yên thân.

Thừa nhận để vượt qua trầm cảm


Tôi cố gắng giúp đỡ anh bằng những cuộc trò chuyện nhỏ: "Con gái mình là một đứa trẻ ngoan. Chúng ta thật may mắn".

Nhưng rồi tôi chợt nhớ ra rằng mỗi lần chán nản, những lời động viên như vậy chỉ càng khiến tôi thấy tệ hơn, như thể đang khiến người khác thất vọng với sự bất lực của mình.

Tôi đưa con gái đến sân chơi. Tôi khuyến khích chồng đi lướt sóng hoặc uống bia với bạn bè nhưng anh đều từ chối.

Tôi cố gắng trò chuyện để hiểu anh cảm thấy thế nào. Nhưng anh liên tục đáp "Anh ổn mà", lời nói dối quen thuộc mà tôi vẫn hay dùng trong những ngày rơi vào trầm cảm.

Không giống như phụ nữ, đàn ông thường được xã hội coi trọng bởi sự độc lập, thống trị, khắc kỷ, mạnh mẽ, tự lực và biết kiểm soát cảm xúc của mình, nhiều người coi sự yếu đuối là điều đáng xấu hổ.

Dan Singley, một nhà tâm lý học ở San Diego (Mỹ), chuyên về các vấn đề sức khỏe tâm thần của nam giới, cho biết: "Đàn ông sẽ làm bất cứ điều gì để tránh xấu hổ và tổn thương. Tất nhiên, đây là một thách thức để họ nhận được sự giúp đỡ".

Trong khi chứng trầm cảm sau sinh của các bà mẹ được thảo luận rộng rãi và được công nhận là vấn đề sức khỏe nghiêm trọng, mọi người thường khó nhìn nhận nghiêm túc về việc một người đàn ông gặp vấn đề tương tự.

Nhìn chung, tỷ lệ trầm cảm ở nam giới bằng khoảng một nửa so với nữ. Tuy nhiên, nam giới có tỷ lệ sử dụng chất kích thích cao hơn đáng kể và chiếm 3/4 số vụ tự tử. Có một số bằng chứng cho thấy những người cha có con mới sinh đặc biệt có nguy cơ mắc bệnh sau này.

                                                              Do định kiến xã hội, nam giới ít nhận được sự giúp đỡ khi mắc vấn đề tâm lý hơn so với nữ giới. Ảnh: Freepic/jcomp.


Sự khác biệt đó cho thấy nhiều nam giới đang trải qua chứng trầm cảm, nhưng họ không giải quyết nó. Trên thực tế, nam giới tìm kiếm sự giúp đỡ về các vấn đề sức khỏe tâm thần thấp hơn một nửa so với phụ nữ.

Vào sinh nhật một tuổi của con gái, tôi nói với chồng rằng tôi nghĩ anh trầm cảm. Tôi đã mất vài tháng để nhận ra điều đó vì không biết cáu kỉnh là một dấu hiệu của bệnh trầm cảm ở nam giới. Nhưng chồng tôi phủ nhận điều đó.

Trong nhiều tháng, khi tôi cố gắng đề cập, anh càng né tránh nó. Chúng tôi đã tìm đến liệu pháp tâm lý. Cuối cùng chúng tôi cũng nhận được chẩn đoán sau khi chồng nói chuyện với bác sĩ của anh ấy.

Chồng có một đơn thuốc trị trầm cảm, đúng loại mà tôi uống.

Chồng tôi vẫn còn những ngày tồi tệ, nhưng vấn đề đã được giảm bớt. Anh kiên nhẫn hơn, ít cáu kỉnh, cười nhiều hơn. Mối quan hệ của anh và con gái cũng tốt lên. Anh biết tên tất cả búp bê của con bé và giúp nó thay tã cho chúng. Hai cha con cùng bắt bọ trong vườn và dựng pháo đài trong nhà bếp.

Theo Zing