leftcenterrightdel
 Nhiều người tự túc xin visa Nhật Bản thuận lợi. Ảnh:Lyu JackSon/Unsplash.
  

Nếu đọc kỹ hướng dẫn của cơ quan lãnh sự, chuẩn bị hồ sơ và cung cấp đầy đủ thông tin xác thực, trường hợp bị đánh trượt visa Nhật Bản khó có thể xảy ra.

Chị Jane Nguyễn (28 tuổi, làm việc tự do, Hà Nội), vừa được cấp visa Nhật Bản sau 10 ngày gửi hồ sơ. Theo chị, việc tự túc xin visa du lịch Nhật Bản là trong tầm tay, đặc biệt với những người thích du lịch tự do, các du khách trẻ năng động, có khả năng lên kế hoạch tốt.

"Sử dụng dịch vụ để xin visa là không cần thiết, lại đắt đỏ, phí tiền", chị Jane Nguyễn chia sẻ.

Freelancer không lo trượt visa

Khi xét duyệt hồ sơ visa, yếu tố công việc và thu nhập ổn định khá quan trọng. Việc này một phần đảm bảo rằng khách du lịch sẽ không tìm cách ở lại nước ngoài.

So với các du khách làm việc cho công ty, những freelancer (người làm công việc tự do) gặp khó hơn trong việc chứng minh tài chính. Freelancer không cố định về thời gian làm việc, thường không có hợp đồng lao động, bảo hiểm xã hội nên khó chứng minh được thu nhập và việc làm tại Việt Nam.

leftcenterrightdel
 Du khách cần trung thực, không nên đánh bóng hồ sơ visa. Ảnh:Hương Nguyễn.

Anh Phương Nguyễn (38 tuổi, nhiếp ảnh gia, TP.HCM), cho biết đối với các freelancer có hợp đồng công việc với đối tác, cần đưa ra các hợp đồng đó. Đồng thời, du khách cần phải chứng minh được thu nhập cá nhân đáp ứng cuộc sống tại Việt Nam, như sổ tiết kiệm hoặc tài khoản 150-200 triệu đồng, sao kê tài khoản trong 6 tháng, thẻ tín dụng, chứng nhận sở hữu nhà đất, giấy tờ xe...

Ngoài ra, freelancer nên viết thêm một văn bản giải trình chi tiết, gửi kèm các chứng từ liên quan cho cơ quan lãnh sự để tăng tính xác thực cho hồ sơ xin visa.

Chị Jane Nguyễn đã đi du lịch nước ngoài nhiều lần và đều tự xin visa. Đây là lần đầu tiên chị tự xin visa Nhật Bản. Người em của chị cũng xin visa cùng đợt, hộ chiếu trắng và vẫn vẫn được cấp visa bình thường.

Theo chị, yếu tố hàng đầu khi xin visa là trung thực: "Nhiều người đánh bóng hồ sơ bằng cách đi trước các địa điểm như Hàn Quốc, Đài Loan... là không nên. Nếu đủ điều kiện, hồ sơ minh bạch, sẽ được đi bình thường", chị tâm sự.

Chị cho biết du khách cần chuẩn bị kỹ càng các loại giấy tờ. Trong trường hợp phải tham gia buổi phỏng vấn với bên cơ quan lãnh sự, mọi người nên thành thật, tránh trả lời lắp bắp, bối rối khiến bị nghi ngờ mục đích du lịch. Khi nhập cảnh cũng cần trả lời đúng mục đích của chuyến đi. Visa du lịch thường không cho phép du khách làm việc tại điểm đến.

Đối với nhiều người, việc sử dụng dịch vụ làm visa du lịch Nhật là không cần thiết và tốn kém. Du khách hoàn toàn có thể chuẩn bị và xin visa du lịch tự túc.

Thủ tục không phức tạp

Anh Phương Nguyễn đã đến Nhật Bản nhiều lần và đều tự nộp visa du lịch. Mới đây, anh có gửi hồ sơ xin visa cho chuyến du lịch xứ Phù Tang vào cuối tháng 3.

Theo trang web chính thức của Đại sứ quán Nhật Bản, khi nộp hồ sơ xin visa du lịch Nhật Bản, du khách du lịch tự túc cần chuẩn bị một số giấy tờ gồm hộ chiếu, tờ khai xin visa có dán sẵn ảnh chụp, hồ sơ chứng minh tài chính, giấy tờ xác nhận đặt chỗ máy bay hoặc hành trình, lịch trình dự định tại Nhật Bản.

Trường hợp xin visa theo nhóm, cần chuẩn bị tài liệu chứng minh mối quan hệ giữa những người xin visa với nhau.

Số liệu từ Cơ quan Xúc tiến Du lịch Nhật Bản (JNTO) cho Việt Nam là thị trường có lượng khách tới Nhật Bản tăng mạnh nhất, tới 45,6% (so với cùng kỳ 2019) trong khi mức tăng toàn thị trường là âm 44,3%.

leftcenterrightdel
Hoa anh đào ở Nhật Bản nở rộ từ cuối tháng 3, đầu tháng 4. Ảnh:Phương Nguyễn. 
 

Với kinh nghiệm nhiều lần xin visa Nhật Bản, anh Phương nhận định các yêu cầu về giấy tờ nay có phần đơn giản hơn. Chỉ trong 2 ngày, anh đã chuẩn bị xong hết các loại tài liệu cần thiết.

"Sáng đi làm, tôi đưa đơn nghỉ phép và xác nhận lương nhờ công ty ký xác nhận. Sau đó tôi lấy sao kê tài khoản và xác nhận số dư sổ tiết kiệm ở ngân hàng. Lịch trình và booking khách sạn được tôi đặt online", anh Phương Nguyễn chia sẻ.

Từ 11/10/2022, hồ sơ visa Nhật Bản không nộp trực tiếp ở Đại sứ quán hay Lãnh sự quán. Du khách cần nộp qua 13 công ty uỷ thác được cơ quan lãnh sự Nhật Bản công nhận ở Việt Nam.

Nhận xét về sự thay đổi này, anh Phương cho biết về cơ bản không có gì khác biệt. Trừ việc phải nộp qua công ty ủy thác, các bước chuẩn bị giấy tờ vẫn như thông lệ. Các công ty này có trách nhiệm nhận đủ hồ sơ và gửi về Đại sứ quán hoặc Lãnh sự quán xét duyệt.

Chị Thanh Hoa (26 tuổi, làm việc tự do, Hà Nội), mới đậu visa Nhật cách đây 3 ngày, cho biết: "Tôi tự xin visa 2 lần rồi. Mọi người thường không dành thời gian tìm hiểu, hầu hết chấp nhận chi tiền thuê dịch vụ ngoài. Tôi thấy thủ tục xin visa đơn giản, cũng không phải chờ đợi gì cả".

Theo chị, website của cơ quan lãnh sự Nhật Bản đã cung cấp đủ thông tin. Đồng thời, trên mạng xã hội cũng có nhiều hội nhóm chia sẻ chi tiết các kinh nghiệm xin visa tự túc.

Lệ phí cho visa phổ thông Nhật Bản dao động 640.000-1.280.000 đồng, chưa kể chi phí cho bên tiếp nhận hồ sơ. Trong trường hợp trượt visa, du khách phải được hoàn lại lệ phí tiếp nhận hồ sơ của bên nhận ủy thác.

Theo zingnews