Theo báo cáo công bố ngày 5/5 của Trusted Health (trang web kết nối việc làm cho y tá), 67% trong số 1.000 y tá lưu động (y tá làm việc không cố định, thường ký hợp đồng ngắn hạn, đáp ứng nhu cầu nhân lực tạm thời cho các bệnh viện) nói sức khỏe tâm thần và thể chất của họ không được quan tâm đúng mức, Insider đưa tin.
Ngoài ra, gần một nửa số người được hỏi cho biết đang cân nhắc bỏ nghề, 25% đang tích cực tìm kiếm một công việc ngoài ngành y tá hoặc dự định nghỉ hưu. Nhiều y tá trẻ, khoảng dưới 40 tuổi, nói bản thân không còn mặn mà với nghề này.
"Đây là một vấn đề lớn bởi nguồn cung y tá ít và luôn thiếu hụt. Nếu các y tá bỏ nghề sớm như vậy, hệ thống y tế không thể đào tạo lớp người mới kịp và có thể gây ra cuộc khủng hoảng", Dan Weberg thuộc Trusted Health, nói.
|
Nhiều y tá làm việc tại các điểm nóng Covid-19 ở Mỹ gặp khủng hoảng về thể chất và tinh thần. Ảnh:AP. |
Đối với y tá Nikki Motta, việc chăm sóc bệnh nhân Covid-19 khiến cô căng thẳng đến mức rụng tóc. Các bệnh viện cô làm việc trong một năm qua đều thiếu nhân viên, dẫn đến việc cô phải chăm sóc cùng lúc nhiều bệnh nhân, cho dù một số ca nặng cần được giám sát 1:1.
"Đôi khi, việc lật, xoay người bệnh nhân hôn mê để kiểm tra tình trạng da của họ mỗi ngày mà không có máy móc hỗ trợ cũng đủ khiến vai, lưng, đầu gối đau mỏi", Motta kể.
Cần được quan tâm
Tương tự Motta, khi rời công việc ổn định ở phòng điều trị tích cực của khoa tim mạch để làm y tá lưu động tại các điểm nóng Covid-19, Liz Evans đối diện khối lượng công việc khổng lồ. Các bệnh viện ở California luôn thiếu nhân lực, cô phải chăm sóc 5-6 bệnh nhân trong một ca trực, điều trước đây cô "chưa từng nghe qua".
"Thông thường, ở phòng chăm sóc tích cực, tôi chăm sóc 1 hoặc tối đa là 2 người bởi tình trạng của họ nguy kịch, luôn cần được chú ý. Chỉ trong 5 phút, sức khỏe họ có thể đột ngột chuyển xấu và qua đời bất cứ lúc nào", Evans giải thích.
Ngoài chăm lo khối lượng bệnh nhân lớn, các y tá như Motta, Evans phải kiêm thêm nhiều công việc ngoài chuyên môn như lập biểu đồ thông tin bệnh nhân hay chạy khắp nơi lấy dụng cụ.
Sau 6 năm làm y tá, Motta đang muốn rời bỏ công việc chăm sóc tại giường bệnh để bắt đầu tập luyện nâng cao chuyên môn.
|
Đối mặt áp lực công việc khổng lồ, nhiều y tá cảm thấy chưa được công nhận, quan tâm đúng mức. Ảnh:AP. |
Tương tự, Evans cảm thấy điều kiện làm việc hiện tại tạo áp lực lên cả tinh thần và thể chất của mình. Có lần, một bệnh nhân ra hiệu với cô cảm thấy không ổn, cần được cấp cứu. Tuy nhiên, cô không thể tìm được bác sĩ tới giúp bệnh nhân này vì cùng tầng có hai người khác cũng đang nguy kịch.
"Tôi đã cố ép tim, cố gắng duy trì sinh mạng cho bệnh nhân trong khi mọi người lo ca bệnh khác. Khi ca bệnh đó xong, các bác sĩ đến chỗ tôi nhưng mọi chuyện đã quá muộn".
Cùng đêm đó, sự việc tương tự tái diễn song lần này may mắn có một y tá trưởng đến hỗ trợ cô.
"Nhưng vẫn chỉ có hai chúng tôi, không có bác sĩ nào ở đó", cô nói. Chấn thương tâm lý này khiến cô tính đến chuyện bỏ nghề chỉ sau 3 năm làm việc.
Cả Evans và Motta đều cảm thấy choáng ngợp và kiệt sức trước tình hình hiện tại.
Hai nữ y tá cho rằng để giữ chân các nhân viên y tế, hệ thống chăm sóc sức khỏe ở Mỹ nên triển khai các biện pháp giúp những người như họ và đồng nghiệp cảm thấy được hỗ trợ.
Theo Motta, việc đảm bảo y tá chăm sóc số lượng bệnh nhân phù hợp để họ không quá sức nên được ưu tiên. Ngoài ra, các y tá cũng nên được trả công xứng đáng với công việc ảnh hưởng cả tinh thần và thể chất mà họ đang làm.
"Tôi nghĩ rằng hệ thống chăm sóc sức khỏe cần nhận ra rằng y tá có giá trị. Họ là một phần không thể thiếu và hệ thống chăm sóc sức khỏe sẽ không thể hoạt động nếu không có họ", cô nói.
Theo Zing