Theo Bát Kỳ Mãn Châu thị tộc thông phả, vào ngày 9 tháng 9 năm Ung Chính thứ năm, Dương Gia Thị - phu nhân của Nguỵ Thanh Thái hạ sinh một bé gái có tên Nguỵ Giai thị.
Nguỵ Giai thị lớn lên mang vẻ ngoài xinh đẹp, đằm thắm, tính tình thuỳ mị, nết na, thành thạo đàn ca thi hoạ. Chính vì những yếu tố thiên phú đó, Nguỵ Giai thị đã may mắn được vào cung từ rất sớm khi chỉ mới 13 tuổi.
Những năm đầu tiến cung, Nguỵ Giai thị vừa hầu hạ vừa học tập trong cung của hoàng hậu Hiếu Hiền, từ đó bà có nhiều cơ hội tiếp xúc với hoàng đế Càn Long.
Vào tháng 5 năm Càn Long thứ mười ba, sau khi hoàng hậu Hiếu Hiền qua đời, Càn Long hạ lệnh đưa Ngụy Giai thị lúc đó là Lệnh tần lên làm phi.
Nguỵ Giai thị được hoàng đế sủng ái suốt 10 năm
Ngày 6 tháng 12 (âm lịch) năm Càn Long thứ 21, Ngụy Giai thị mang thai lần đầu tiên, hạ sinh người con gái thứ bảy cho hoàng đế, có tên là Cố Luân Hoà Tĩnh công chúa.
Ngày 17 tháng 7 (âm lịch) năm Càn Long thứ 22, bà mang thai lần thứ hai, hạ sinh con trai thứ mười bốn của hoàng đế, có tên là Vĩnh Lộ. Tuy nhiên, khi hoàng tử lên 4 tuổi đã bị nhiễm độc, qua đời tại Viên Minh Viên.
Đến ngày 14 tháng 7 (âm lịch) năm Càn Long thứ 23, bà mang thai lần ba, hạ sinh tiểu công chúa, hoàng nữ thứ chín của Thanh Cao Tông, có tên gọi là Hoà Thạc Hoà Khác công chúa.
Tiếp đó, ngày 10 tháng 6 (âm lịch) năm Càn Long thứ 24, Ngụy Giai thị mang thai lần thứ tư, nhưng đến tháng thứ 8 thai kì thì bà đã bị sẩy. Đứng trước nỗi đau mất con và để bù đắp tinh thần cho bà, Càn Long ra chỉ dụ phong bà từ Lệnh phi lên thành Lệnh Quý phi.
Lễ sắc phong của Lệnh Hoàng Quý phi
Ngày 6 tháng 10 (âm lịch) năm Càn Long thứ 25, Ngụy Giai thị sinh lần thứ tư, hạ sinh Hoàng thập ngũ tử Vĩnh Diễm. Đây cũng chính là hoàng đế Gia Khánh của nhà Thanh sau này.
Ngày 30 tháng 11 (âm lịch) năm Càn Long thứ 27, Ngụy Giai thị sinh lần thứ năm, hạ sinh người con trai thứ mười sáu của Càn Long, nhưng đáng tiếc hoàng tử nhỏ cũng chết vì bệnh khi lên bốn tuổi tại Viên Minh Viên.
Năm Càn Long thứ 30 (năm 1765), Càn Long ra chỉ dụ tấn phong Lệnh Quý phi làm Hoàng Quý phi.
Cuối cùng, vào ngày 11 tháng 5 (âm lịch) năm Càn Long thứ 31, bà sinh lần thứ sáu, hạ sinh người con trai út của Càn Long, được gọi là Vĩnh Lân.
Suốt 10 năm, từ năm Càn Long thứ 21 đến năm Càn Long thứ 31, hoàng đế Càn Long có tổng cộng 14 người con được sinh từ nhiều thê thiếp khác nhau, nhưng 6 người trong số đó đã được sinh từ Nguỵ Giai thị. Đối với thời kỳ xưa mà nói đây chính là một đặc ân rất lớn.
Bên cạnh đó, Lệnh Hoàng Quý phi luôn được hoàng đế hậu thuẫn, cho nắm quyền điều hành hậu cung, ban tặng nhiều vật phẩm có giá trị.
Lệnh Hoàng Quý phi ra đi trong sự tiếc nuối
Cuối năm Càn Long thứ 39, Lệnh Hoàng Quý phi lâm bệnh. Cùng với đó, vào ngày 10 tháng 1 (âm lịch) năm Càn Long thứ 40, người con gái thứ bảy của hoàng đế, Cố Luân Hoà Tĩnh công chúa không may gặp bạo bệnh, qua đời khi vừa bước sang tuổi 20.
Đứng trước nỗi mất mát lớn này, bệnh tình của Lệnh Hoàng Quý phi càng trở nên trầm trọng.
Lệnh Ý Hoàng Quý phi là phi tần sinh nhiều con cho hoàng đế.
Ngày 27 tháng 1 (âm lịch) cùng năm, Càn Long đến thăm Lệnh Hoàng Quý phi, lúc này bệnh tình của bà bắt đầu xấu đi rất nhiều. Đến ngày 29 tháng 1 (âm lịch), bà qua đời ở tuổi 49. Càn Long ban thuỵ là Lệnh Ý Hoàng Quý phi và cho an táng bà tại Dụ lăng.
Đến tháng 9 năm Càn Long thứ 60, tuyên bố lập hoàng tử Vĩnh Diễm lên làm thái tử, đồng thời hạ lệnh phong Lệnh Ý Hoàng Quý Phi, mẹ của thái tử Vĩnh Diễm lên hoàng hậu với tước hiệu Hiếu Nghi Thuần Hoàng Hậu.
Theo 2sao.vn