Tháng 2/2011, MV ca nhạc Friday (tạm dịch: Thứ 6) được phát hành trên nền tảng YouTube. Gần một thập kỷ sau, ca khúc vẫn được nhớ đến như một trong những “thảm họa âm nhạc" đình đám đối với cộng đồng yêu nhạc.

Ca khúc cũng biến chủ nhân của nó, Rebecca Black, một thiếu nữ tuổi teen người Mỹ khi ấy vẫn đang đến trường mỗi ngày như bao thiếu niên khác, bỗng trở thành nạn nhân của "ném đá" hội đồng.

Friday nhanh chóng nổi tiếng, giúp thiếu nữ 13 tuổi khi đó được đông đảo khán giả biết tới, nhưng theo cách mà Rebecca không bao giờ mong muốn. Trở thành hiện tượng theo cách tiêu cực, cô nhận về vô số “gạch đá” từ người nghe nhạc lẫn giới phê bình.

9 năm trôi qua, sự nghiệp ca hát của Rebecca vẫn mờ nhạt, còn tên tuổi cô vẫn bị gắn với danh xưng “thảm họa Internet” một thời. Song, Rebecca Black ở tuổi 22 dần coi trải nghiệm ở tuổi dậy thì là một câu chuyện đáng nhớ, thay vì một ký ức buồn cần lãng quên.

13 tuổi bị gọi là "thảm họa Internet"


Lý do ra đời Friday là bố mẹ Rebecca chiều lòng sở thích ca hát của con gái, đồng ý bỏ ra số tiền 2.000 USD để tìm kiếm một nhà sản xuất giúp cô phát hành bài hát cùng MV.

Bài hát có nội dung phù hợp với độ tuổi teen, mô tả tâm trạng của một nữ sinh mong đợi đến cuối tuần, thoát khỏi bài vở, trường lớp để tụ tập với bạn bè.

Ra mắt năm 2011, ca khúc Friday ngay lập tức bị đánh giá là "thảm họa âm nhạc", "bài hát dở nhất lịch sử".

"Hôm qua là thứ 5. Hôm nay là thứ 6. Chúng ta thật phấn khích. Chúng ta sẽ có buổi tiệc vào hôm nay. Ngày mai sẽ là thứ 7, rồi đến chủ nhật. Tôi không muốn kết thúc cuối tuần như vậy”.

“Hôm nay là thứ 6. Phải xuống phố ngày thứ 6. Mọi người đều mong đợi cuối tuần. Tiệc tùng, tiệc tùng. Vui vẻ, vui vẻ. Ai cũng mong chờ cuối tuần”.

Ca từ và cả phần điệp khúc của Friday bị đánh giá là tẻ nhạt đến mức nhảm nhí, vớ vẩn. Phần hát của Rebecca không thuyết phục được người nghe khi đa số đều nhận ra cô đã chỉnh auto-tune quá nhiều, chất giọng chói tai và lối đọc rap “không giống ai”.

Phần MV cũng không khá hơn khi nội dung bị chê đơn điệu, kịch bản sơ sài, dựng qua loa cho có.

Nhiều người không tiếc lời gọi Friday là video ca nhạc dở nhất từng nghe và cho rằng Rebecca Black tốt hơn hết đừng nên cất giọng thêm lần nào. MV trở nên “viral” và nhận lượng chia sẻ lớn, song hầu hết kèm theo những lời dè bỉu, chế giễu.

Trong phút chốc, thiếu nữ 13 tuổi trở thành giọng ca bị ghét bỏ nhất trên mạng xã hội.

Khán giả càng có lý do để chửi bới, kêu gọi tẩy chay Rebecca hơn khi sản phẩm của cô cũng bị truyền thông, các tạp chí âm nhạc uy tín chê bai chất lượng.

Tạp chí Time liệt kê Friday vào danh sách các ca khúc có phần lời tệ nhất, CNN gọi phần rap trong bài là “đáng sợ”, Yahoo! Music miêu tả đây là “bài hát dở nhất lịch sử”.

Phần MV của ca khúc chịu chung số phận. Đa số khán giả chê bai nội dung video nhạt nhẽo, dựng qua loa cho có.

Theo Insider, ca khúc đã ra đời được gần một thập kỷ và chừng đó thời gian, nó vẫn nằm trong danh sách những ca khúc nhận lượt dislike nhiều nhất trên YouTube.

Chê nhiều hơn khen, ca khúc bị gắn mác “thảm họa” vẫn đứng ở vị trí #58 của bảng xếp hạng âm nhạc nổi tiếng Billboard Hot 100 và trụ trong danh sách 6 tuần.

Có thời điểm, MV đầu tay của Rebecca Black còn có lượt truy cập vượt cả Born this way của Lady Gaga và Pray của Justin Bieber, hai tên tuổi đã lên hàng ngôi sao vào thời điểm đó.

Sự ghét bỏ, chỉ trích từ khán giả càng kéo dài khi một thời gian sau, Rebecca bỏ qua lời chê bai và cho ra mắt Saturday với chất lượng không có gì thay đổi.

Trầm cảm, nghỉ học, bị dọa giết vì thành hiện tượng


Về phía chủ nhân của nó, dù tên tuổi “vụt sáng”, Rebecca nhanh chóng rơi vào trầm cảm, chấn thương tâm lý khi trở thành đối tượng để cộng đồng mạng chĩa mũi dùi chỉ trích khi mới 13 tuổi.

Trong cuộc phỏng vấn với đài BBC vào năm 2018, Rebecca cho biết không dễ dàng gì để phớt lờ mọi chuyện.

"Tôi đã thấy mọi thứ. Khi tôi bắt đầu đọc những bình luận tiêu cực đó, tôi không thể dừng lại. Tôi cứ tiếp tục đọc chúng, hết cái này đến cái khác”, cô nói.

Sản phẩm đầu tay biến Rebecca Black trở thành giọng ca bị ghét nhất hồi đầu thập niên 2010.

Ban đầu, cô gái nghĩ sản phẩm đầu tay chỉ có lượt xem ủng hộ từ gia đình, bạn bè. Rebecca chưa bao giờ tưởng tượng Friday có thể được cả thế giới biết đến, nhất là theo cách tiêu cực.

“Tôi chưa xem đoạn video hoàn chỉnh trước khi nó được đăng tải. Tôi xem nó lần đầu trên YouTube như bao người khác”.

Mọi chuyện còn tồi tệ hơn khi đến trường, cô tiếp tục bị bạn bè chế giễu, bắt nạt. Kết quả, cô gái phải chuyển sang học tại nhà vì không chịu được sự bôi nhọ mỗi ngày.

“Cứ trông thấy tôi đi qua là mọi người lại bắt đầu hát Friday bằng giọng nhạo báng. Sau đó họ lại hỏi tôi: ‘Này Rebecca, có biết hôm nay là thứ mấy không?”’, cô kể lại.

Thậm chí, mẹ cô từng chia sẻ với ABC News về việc nhờ đến cảnh sát can thiệp sau khi con gái nhận phải lời dọa giết từ người quá khích.

Vẫn nuôi đam mê ca hát, cô gái tiếp tục tung ra các sản phẩm mới. Những bài hát sau cho thấy Rebecca có sự tiến bộ. Chất giọng của cô không còn chói và gây khó chịu như trước, biểu cảm cũng trau chuốt và chuyên nghiệp hơn.

Suy sụp vì vô số "gạch đá" từ giới chuyên môn lẫn cộng đồng mạng, cô gái người Mỹ từng nghĩ đến chuyện từ bỏ đam mê ca hát.

Thế nhưng, danh xưng “thảm họa âm nhạc” đã làm lu mờ mọi cố gắng thay đổi của cô. Đa số khán giả vẫn chỉ nhớ đến một Rebecca với khuôn mặt thời dậy thì, hát không ra hơi.

Tháng 6/2018, Rebecca Black, xuất hiện trong chương trình ca hát The Four dưới tư cách thí sinh và chia sẻ kỷ niệm về sản phẩm đầu tay.

Cô nhắc lại những bình luận ghét bỏ như "Tai tôi đang chảy máu", "Bài hát dở nhất trong lịch sử", "Tôi thà bị điếc còn hơn nghe Friday", "Tôi không tưởng tượng nổi sao Rebecca Black có thể hát nổi", "Tôi yêu cầu tử hình Rebecca Black"…

Giọng ca 22 tuổi bật khóc khi nhớ về sự ghét bỏ và những bình luận cay nghiệt cô nhận được. "Đó là một chuyện rất tàn nhẫn, nhất là khi bạn mới 13 tuổi. Giống như mọi người đang nói với tôi rằng cô không thuộc về nơi này", Rebecca vừa rơi nước mắt vừa nói.

"Friday giúp tôi được như ngày hôm nay"


Gần một thập kỷ trôi qua, Rebecca Black của hiện tại không còn để “bóng ma” quá khứ ám ảnh bản thân như trước, cô cũng không còn thấy gớm ghiếc chính mình. So với những tổn thương ngày trước, nữ ca sĩ chia sẻ nếu không có Friday, có lẽ cô đã không mạnh mẽ như bây giờ.

Đầu tháng 2, cô gái 22 tuổi chia sẻ trên trang cá nhân bài đăng nội dung kỷ niệm 9 năm ngày ra mắt Friday.

“Ngày này 9 năm trước, MV của Friday được đăng tải trên YouTube. Tôi ước có thể quay trở lại và trò chuyện với bản thân khi đó luôn cảm thấy xấu hổ, sợ hãi thế giới ngoài kia”, cô viết.

Rebecca Black theo đuổi phong cách gợi cảm, nữ tính ở tuổi 22.

Theo Rebecca, năm 15 tuổi cô luôn thấy đơn độc khi phải đối mặt với chứng trầm cảm. Năm 17 tuổi, cô bị mọi người trong trường ném thức ăn vào người mỗi khi xuất hiện. Năm 19 tuổi, các nhà sản xuất âm nhạc hay nhạc sĩ đều lắc đầu nói “không” khi nhắc đến chuyện hợp tác cùng.

“Tôi vẫn cố nhắc nhở rằng mỗi ngày là một cơ hội để khiến mọi chuyện tốt dần lên. Bạn không thể sống mãi bằng những gì bị người khác định nghĩa. Thời gian rồi sẽ chữa lành mọi thứ, không nỗi đau nào sẽ kéo dài mãi. Đây có thể là một bài đăng kỳ cục nhưng mà tôi thật sự muốn chia sẻ cảm xúc”.

Sau cùng, nữ ca sĩ vẫn khẳng định luôn yêu quý Friday bởi “đó là ca khúc của tôi”.

Bên dưới bài đăng tâm sự của Rebecca Black, nhiều bình luận cũng thể hiện niềm vui khi cô có thể vượt qua những tổn thương khi đột nhiên nổi tiếng rồi bị xúc phạm, bắt nạt nặng nề ở độ tuổi tâm lý nhạy cảm.

Còn với Friday, vô số tranh cãi xảy ra xoay quanh nó khiến bài hát vô tình trở thành dấu ấn trong đời sống âm nhạc đại chúng.

“Khi những cụm từ như ‘dở tệ’ và ‘bài hát chán nhất từ trước tới nay’ là những nhận xét có thể gặp ở bất cứ đâu khi nói về Friday của Rebecca Black, bạn biết rằng nó đã trở thành một hiện tượng âm nhạc sẽ còn được nhớ đến về sau”, Randy Lewis, cây viết mảng âm nhạc của LA Times, nhận xét về ca khúc.

Theo Zing