Con đường tới thế giới tình báo

Betty Pack, nữ điệp viên quyến rũ của tình báo Anh.

 

Cha của Amy Thorpe là một sĩ quan Hải quân Mỹ, thường xuyên xa nhà. Khi 11 tuổi, cô đã dùng bưu thiếp và sách hướng dẫn du lịch để dựng bối cảnh về thành phố Naples (Italy) cho cuốn tiểu thuyết lãng mạn mình viết có tên Fioretta. Một bản cuốn tiểu thuyết tình cờ tới tay Alberto Lais, tùy viên hải quân đứng tuổi nhưng tâm hồn trẻ trung tại Đại sứ quán Italy ở Washington, DC.

Khi cha Amy Thorpe rời khỏi Hải quân để học luật, ông đã đưa con gái tới thủ đô nước Mỹ, tại đây cô đã gặp Lais. Họ đã có một mối quan hệ thuần khiết. Lais gọi Amy Thorpe là “cô gái vàng”. Khi tới Washington, cô gái Amy Thorpe 18 tuổi khi đó rất xinh đẹp, duyên dáng, nền tảng giáo dục tốt. Với đôi mắt xanh và mái tóc màu hổ phách, cô là thỏi nam châm hút đàn ông.

Năm 1930, Amy Thorpe đột nhiên mang thai khi 19 tuổi mà không biết ai là bố đứa bé. Cô thoát vụ bê bối bằng cách lấy Arthur Pack, một nhà ngoại giao Anh gấp đôi tuổi cô. Arthur là Bí thư thứ hai tại Đại sứ quán Anh. Cuộc hôn nhân của họ ngay từ đầu đã trục trặc, đặc biệt là sau khi Arthur thuyết phục cô trao con trai Tony cho cha mẹ nuôi sau khi bé chào đời ở London 5 tháng sau đám cưới. Sau khi sinh thêm con gái, mối quan hệ của họ cũng không khá hơn mấy.

Sau khi kết hôn với Arthur, Betty có thêm quốc tịch Anh và là vợ một nhà ngoại giao. Đột nhiên, cô thấy mình có điều kiện mới để thỏa mãn khao khát phiêu lưu cả về tình dục và chính trị. Trong số người tình của cô có một nhà báo Anh. Người này đã giới thiệu cô với ông trùm báo chí Lord Beaverbrook và cả bạn bè mình trong tình báo Anh. Họ đều nhận thấy Betty có sự kết hợp hoàn hảo của sắc đẹp, trí tuệ và chút lả lơi để trở thành điệp viên rất hữu ích.

Arthur Pack được điều chuyển sang Madrid ngay trước Nội chiến Tây Ban Nha. Tại đây, Betty đã dấn thân vào các hoạt động bí mật. Cô giúp chuyển những người theo chủ nghĩa Dân tộc nổi dậy tới nơi an toàn, chuyển đồ cung ứng của Hội chữ thập Đỏ cho lực lượng của Francisco Franco, điều phối cuộc sơ tán bằng tàu khu trục cho nhân viên Đại sứ quán Anh từ Bắc Tây Ban Nha và tham gia vào các vấn đề ngoại giao. Các hoạt động này ngừng khi cô bị bạn bè phe Dân tộc tố là điệp viên của phe Cộng hòa.

Mùa Thu năm 1937, đi cùng con gái nhỏ và vú em, Betty Pack lên tàu Warsaw Express đi Paris mà theo lời cô là để “trở thành một thành viên của Cơ quan Tình báo Bí mật của Nữ hoàng Anh”. Cô nhanh chóng được một nhóm đàn ông trẻ làm việc cho Bộ Ngoại giao Ba Lan tiếp nhận nhờ sự giúp đỡ của chồng. Arthur Pack, giờ là một quan chức tại Đại sứ quán ở Ba Lan, đã thông báo với vợ là mình yêu người khác. Không lâu sau đó, Arthur có huyết khối trong não và phải vào viện dưỡng lão ở Anh.

Betty Pack được tình báo Anh tuyển dụng và cấp cho khoản chi phí giải trí 20 bảng để khai thác các nguồn tin Ba Lan giá trị cao. Trong lần khai thác đầu tiên với một quan chức nam, cô kể lại sau này: “Cuộc gặp của chúng tôi rất hiệu quả. Tôi để cho anh ta ân ái bao nhiêu tùy thích vì điều này đảm bảo tôi có luồng thông tin chính trị suôn sẻ mà tôi cần”.

Betty gặp mục tiêu tiếp theo tại tiệc tối của Đại sứ Mỹ. Người Ba Lan đẹp trai ngồi cạnh cô là một phụ tá riêng của Ngoại trưởng Josef Beck. Mặc dù đã kết hôn nhưng phụ tá này rõ ràng bị ấn tượng trước bạn cùng bàn ăn và sáng hôm sau đã gửi hoa hồng cho cô.

Từ anh này, Pack biết rằng các chuyên gia Ba Lan đang làm việc để vượt qua mối đe dọa mà cỗ máy giải mã Enigma của Đức gây ra. Mức độ đóng góp của Betty trong cung cấp các thông tin “cực mật” đã giúp phe Đồng minh có lợi thế trước Đức Quốc xã. Anh đã giải mã được nhiều thông tin vô tuyến của Đức trong Thế chiến II là nhờ nỗ lực của người Ba Lan – những người đã hợp tác với Pháp để giải mã hệ thống Enigma.

Ở Prague, Betty có bằng chứng độc quyền về các kế hoạch của Adolf Hitler đối với Tiệp Khắc. Vì lý do nào đó chưa rõ, mùa Thu năm 1938, Đại sứ đã lệnh cho Betty rời Ba Lan. Tháng 4 sau đó, khi tạm hòa hoãn mối căng thẳng gia đình, Arthur Pack lúc này đã khỏi bệnh và cùng vợ tới Nam Mỹ. Tại đây, anh đảm nhiệm bộ phận thương mại của Đại sứ quán ở Santiago, Chile.

Khi Thế chiến II bắt đầu, Betty Pack đã đề nghị phục vụ tình báo Anh. Cô viết bài báo chính trị cho các tờ báo tiếng Anh và Tây Ban Nha ở Chile. Mùa Xuân năm 1940, Anh đã tăng tốc nỗ lực tuyên truyền và tình báo ở khu vực này, đặt khu vực dưới sự quản lý của Điều phối An ninh Anh (BSC) do một người Canada tên là William Stephenson phụ trách.

Betty Pack để chồng ở lại và tới New York, nơi cô có mật danh Cynthia và có nhiệm vụ ở Washington, D.C. Cô hoạt động dưới vỏ bọc là nhà báo. Nhiệm vụ quan trọng đầu tiên của cô là thu thập hệ thống mật mã Hải quân Italy. Với nhiệm vụ này, việc Cynthia liên lạc lại với bạn cũ Alberto Lais là chuyện dễ hiểu. Lais giờ là đô đốc và tùy viên hải quân tại Đại sứ quán Italy ở Mỹ.


 
Alberto Lais, tùy viên Hải quân Italy.

 

Các thông tin công khai sau này cho biết Cynthia đã lén xem sách mật mã của viên đô đốc Hải quân Italy 60 tuổi này cũng như xem các kế hoạch vô hiệu hóa tàu Italy ở cảng Mỹ để tránh bị tịch thu. Các thông tin đều nhất trí rằng thành công của Cynthia đã góp phần vào chiến thắng của Anh ở Địa Trung Hải. Cynthia mô tả mối quan hệ của mình với Lais là “tình cảm hơn tình dục” và cho biết cô đã nhận thông tin về kế hoạch phá hoại các con tàu trực tiếp từ Lais và có thể tiếp cận các thông tin nhạy cảm từ trợ lý của Lais nhờ sự hỗ trợ của ông này.

Sau này, năm 1967, những người thừa kế của ông Lais đã kiện một tác giả Anh ra tòa án Italy vì phỉ báng ông (người qua đời năm 1951). Họ khẳng định ông không tiết lộ bí mật quân sự và đã thắng kiện. Năm 1988, hai con trai của Lais đã phản đối việc xuất bản một phần thông tin trong cuốn sách bán chạy “Washington Goes to War” của tác giả David Brinkley và thuyết phục Bộ Quốc phòng Italy đăng thông cáo bác bỏ thông tin trên ba tờ báo hàng đầu ở Bờ Đông của Mỹ.

Nhiệm vụ khó khăn

 

Betty Pack đã dùng sự quyến rũ để lấy nhiều thông tin quan trọng.

 

Nhiệm vụ tiếp theo của Cynthia là một trong những nhiệm vụ giúp cô có chỗ đứng nổi tiếng trong làng tình báo. Khi đó, Chính phủ Vichy (Chính phủ Pháp ủng hộ phe Trục, được thành lập sau khi Pháp sụp đổ năm 1940) chống đối người Anh kịch liệt. Với vỏ bọc là một nhà báo Mỹ, Cynthia đã gọi điện cho Đại sứ quán Pháp vào tháng 5/1941 và giới thiệu mình với tùy viên báo chí Charles Brousse. Ngay lập tức, Brousse lúc đó 49 tuổi, đã kết hôn vài lần và có tư tưởng chống Đức Quốc xã, đã mê đắm Cynthia.


Mối quan hệ này bắt đầu bằng những mẩu tin tình báo vào tài liệu. Nhưng tới tháng 7, Cynthia đã cảm thấy đủ tự tin để nói dối với Brousse là mình làm việc cho người Mỹ. Vị quan chức Pháp sớm trao cho người tình các thư từ, điện tín, tài liệu và thông tin về hoạt động, nhân sự của đại sứ quán. Để tránh bị Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) giám sát, Cynthia đã chuyển vào khách sạn nơi Brousse và vợ ông này ở.

Tháng 3/1942, Cynthia được chỉ thị rằng London muốn có mật mã của Hải quân Vichy. Khi nghe thông tin về yêu cầu mới nhất của Cynthia, Brousse đã vung hai tay lên một cách thất vọng. Chỉ có quan chức phụ trách mật mã và trợ lý của ông ta mới có thể tiếp cận phòng mật mã. Tài liệu mật mã được chia thành nhiều quyển, được khóa trong két an toàn. Đêm nào cũng có bảo vệ và chó canh gác khu vực đó.

Sau hàng loạt nỗ lực, Cynthia cuối cùng đã thử cách trực tiếp là ăn trộm. Ông Stephenson thuộc BSC đã nhờ vả một tên du côn có biệt danh là “Georgia bẻ khóa”. Về phần mình, Brousse nói với bảo vệ ca đêm của đại sứ quán là ông cần nơi bí mật để làm một số công việc và trả tiền cho bảo vệ để bỏ qua.
Brousse và Cynthia sau đó tới đại sứ quán vài đêm liền để bảo vệ quen với sự có mặt của họ. Vào đêm họ định trộm tài liệu, họ lên kế hoạch đưa cho bảo vệ một ly rượu có thuốc mê. Sau đó, họ sẽ cho tên bẻ khóa két sắt vào phòng mật mã ở tầng hầm, mở két sắt và chuyển sách mật mã cho một người ở BSC đang chờ trên bãi cỏ dưới gốc cây. Sau đó, họ chờ sao chép sách rồi trả lại vị trí cũ.

Mọi việc dường như diễn ra theo đúng kế hoạch. Thuốc an thần đã hạ gục người bảo vệ và cả con chó của ông ta (thức ăn của nó cũng bị đánh thuốc). “George bẻ khóa” mở được két an toàn nhưng không có đủ thời gian để di chuyển và sao chép các cuốn sách. Họ buộc phải rút lui vội vã. Trong lần thứ hai, không có “George bẻ khóa” giúp đỡ, kế hoạch thất bại vì Cynthia không thể mở nổi két.

Khi vào phòng mật mã mang theo chìa khóa của Brousse để thử lần cuối, họ hồi hộp ngồi trên chiếc ghế sô pha quen thuộc trong đại sứ quán. Khi đó, linh tính của Cynthia mách bảo cô có điều gì không ổn. Ngay lập tức, cô bật dậy và cởi quần áo. Brousse vừa nhìn người tình vừa nói: “Em điên à?”. Lúc này, Cynthia chỉ còn đeo vòng cổ và đi giày cao gót. Cô thuyết phục ông cởi đồ. Cánh cửa đột nhiên bật mở, ánh đèn pin xuyên thủng màn đêm. Khi đèn rọi vào Cynthia, cô nhanh chóng lấy áo lót che người.

 

Nữ điệp viên mật danh Cynthia.

 

Người bảo vệ vội nói: “Tôi xin lỗi nghìn lần”. Ông ta quay đèn đi chỗ khác, không còn nghi ngờ nữa và trở về phòng trong tầng hầm. Cynthia cho gã bẻ khóa vào. Toàn bộ kế hoạch suôn sẻ.


Mật mã của chính phủ Vichy được sử dụng rất hiệu quả khi quân Đồng minh đổ bộ vào Bắc Phi bị Pháp chiếm đóng tháng 11/1942. Khi Mỹ giờ cũng tham gia cuộc chiến, Cynthia đã làm việc cho cả OSS Mỹ và tình báo Anh. Cô coi mình là một người yêu nước. Cô từng nói: “Xấu hổ à? Không một chút. Cấp trên nói rằng nhờ công việc của tôi mà hàng nghìn mạng người Mỹ và Anh được cứu sống.Công việc khiến tôi ở trong những tình huống mà những phụ nữ đứng đắn sẽ quay đầu, nhưng tôi toàn tâm toàn ý với công việc. Dùng phương pháp đứng đắn thì không thể thắng trong chiến tranh”.

Sau này, Arthur Pack tự tử năm 1945. Brousse ly dị vợ và kết hôn với Cynthia. Họ sống trong một lâu đài trung cổ ở miền núi nước Pháp. Tuy nhiên, kết cục lại bi thảm. Vào ngày 1/12/1963, Betty chết vì ung thư miệng. 10 năm sau, chồng cô bị điện giật khi đang nằm trên tấm chăn điện. Một phần của lâu đài đẹp như cổ tích của họ cũng bị cháy rụi.

Theo vietnamnet