Là một cô gái làm nghề thiết kế đồ họa Lê Thủy Xuân, 32 tuổi, ở TP HCM có sự đam mê với các loại bánh được truyền từ bố. Trước đây, căn nhà nhỏ tại Hà Nội của gia đình Xuân lúc nào cũng thơm nức mùi bánh mì hay những loại bánh ngọt, bánh mặn do bố cô tự làm. Vào dịp trung thu, ông thường tự tay chuẩn bị nguyên liệu trước đó cả tháng để làm bánh cho gia đình và người thân.
"Được quây quần bên gia đình chuẩn bị nguyên liệu, nặn và nướng bánh trung thu với bố mẹ trong những năm tháng tuổi thơ luôn là ký ức đặc biệt và khó quên nhất trong đời tôi", cô gái 8X hồi tưởng.
Hiện bố Xuân đã lớn tuổi, không thể đứng bếp thường xuyên nên cô quyết định làm thay bố. Cô gái sinh năm 1988 chưa học qua bất cứ trường lớp nào về làm bánh. Tất cả đều mày mò trên mạng và sách vở.
Xuân cho hay, các loại bánh trung thu cô làm đều lấy cảm hứng và học hỏi từ các blogger, youtuber làm bánh châu Á như Trung Quốc, Hồng Kong, Đài Loan,... bởi sự gần gũi và tương đồng văn hóa. Kết hợp với kỹ thuật làm bánh châu Âu, Xuân đã đem về chia sẻ với cộng đồng làm bánh nhiều loại mới như bánh trung thu ngàn lớp hoa sen, bánh trung thu cầu vồng ngàn lớp, bánh nướng hũ vàng, bánh dẻo nhân trà sữa trân châu, bánh dẻo lạnh, bánh trung thu cupcake nhân trứng muối...
Để bánh phù hợp với khẩu vị người Việt, cô sử dụng các loại công thức nhân bánh truyền thống và biến tấu, sáng tạo ở phần tạo hình vỏ bánh. Thông thường, khi có ý định làm bánh trung thu với loại nhân và vỏ mới, Xuân chuẩn bị công thức chi tiết và lên danh sách nguyên liệu, khuôn bánh, dụng cụ làm bánh và số lượng đi kèm.
"Với dòng bánh có sử dụng nguyên liệu bơ như bánh trung thu ngàn lớp nên lựa chọn loại bơ ngon nhất thì bánh mới hoàn hảo", cô chia sẻ kinh nghiệm.
Với bánh trung thu ngàn lớp, phần chuẩn bị đơn giản hơn bánh truyền thống, bởi phần vỏ có thể làm ngay mà không phải qua công đoạn nấu nước đường lên màu để bánh đạt chuẩn. Chỉ với bột, bơ, dầu ăn và đường bột, phần vỏ bánh sẽ được hoàn thiện trong ngày với kĩ thuật của bánh ngọt châu Âu. Đối với các loại nhân bánh dạng ngọt như đậu xanh, trà sen... được chế biến trong ngày còn nhân mặn như thập cẩm, bánh mặn gà nướng,... cần được chuẩn bị từ trước và mất nhiều thời gian hơn để hoàn thành.
"Nếu muốn quy trình làm bánh diễn ra nhanh hơn có thể chế biến nhân ngọt và cấp đông từ trước, còn nhân bánh mặn thì nên làm nhân tươi sát ngày hoàn thiện để bánh có hương vị thơm ngon nhất", Xuân cho biết.
Công việc chính bận rộn nên vào mùa trung thu, cô gái này thường thức đến 3-4 giờ sáng, hoàn thành những chiếc bánh cho người thân hoặc khách hàng do bạn bè giới thiệu. Thủy Xuân chia sẻ, cô làm bánh trong tâm thế thoải mái, không bị áp lực về đơn hàng, doanh thu. Cuối tuần thường là những ngày cô dành trọn cho đam mê bánh trái.
Bánh làm ra, ai ăn thử cũng rất thích. Những lời khen, sự trầm trồ của mọi người khi cầm trên tay chiếc bánh trung thu vừa độc đáo, vừa mang ý nghĩa đoàn viên, Xuân càng có thêm động lực tìm tòi và chia sẻ nhiều loại bánh trung thu khác.
Ngoài việc làm bánh trung thu, nữ thiết kế này còn mở kênh youtube chia sẻ các công thức nấu ăn và làm bánh với hy vọng những người cùng đam mê có thể thực hiện được. Những năm trước, cô gái này còn mở workshop làm bánh trung thu dành cho các bạn nhỏ. Khi được mang về những chiếc bánh do tự tay mình làm ra tặng ông bà, cha mẹ, những đứa trẻ tham gia đều rất háo hức.
"Người ta hay nói những ký ức của trẻ những năm đầu đời thời hay bị lãng quên, nhưng tôi tin rằng những hoạt động ngoại khóa nhỏ bé này sẽ luôn được lưu giữ thông qua các kỹ năng sống, làm việc tập thể và một tâm hồn đẹp đưa các bé xuyên suốt tới hành trình trưởng thành về sau", Xuân chia sẻ.
Theo vnexpress