leftcenterrightdel
 Bà Ruth Kampatura (trái) và Prose Mgundamavu đang thu hoạch cà chua trong nhà kính ởLilongwe

Trụ cột của ngành nông nghiệp quốc gia

Phụ nữ chiếm 70% tổng số nông dân toàn thời gian ở Malawi và sản xuất hơn 80% cây trồng tự cung tự cấp. Mặc dù nông dân Malawi thường dựa vào lượng mưa tự nhiên để trồng trọt nhưng đất nước này lại dễ bị khô hạn, mưa lớn, sâu bệnh và dịch bệnh bùng phát. Tất cả đều trở nên tồi tệ hơn do biến đổi khí hậu. 

Bà Letty Chiwara, Trưởng đại diện Cơ quan Liên hợp quốc về bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ (UN Women) tại Malawi, cho biết: "Biến đổi khí hậu, tình trạng mất an ninh lương thực và dinh dưỡng đã đặt ra những thách thức lớn trong thời đại chúng ta. Chỉ có đầu tư nhiều hơn vào hệ thống lương thực bền vững mới đảm bảo an ninh lương thực cho tất cả mọi người".

Prose Mgundamavo, một thành viên của Hợp tác xã Kambuku, cho biết, "thời tiết ngày càng khắc nghiệt, gây thiệt hại cho mùa màng". 3 địa điểm dự án ở Lilongwe, Salima và Mzimba có tổng cộng 10 nhà kính được UN Women tại Malawi xây dựng với sự tài trợ của Cơ quan Hợp tác quốc tế Hàn Quốc. 

Với ngân sách 400.000 USD, các cơ sở sử dụng năng lượng mặt trời tiên tiến đã được triển khai. Kể từ năm 2020, Hợp tác xã Kambuku, với 98 thành viên, trong đó 71 người là phụ nữ, đã trồng cà chua, ớt xanh, rau ăn lá và dâu tây. Hoạt động này đã thu về hơn 14 triệu Malawi Kwacha (tương đương 517.000 USD), tính đến cuối năm 2023.

leftcenterrightdel
 Nhà kính của Hợp tác xã Kambuku ở vùng Lilongwe, Malawi

Nhóm đã sử dụng số tiền thu được để xây dựng nhà kho chứa sản phẩm và mua thêm máy bơm nước. Đầu năm 2024, hợp tác xã đã giành được hợp đồng một năm trị giá 500.000 Malawi Kwacha (tương đương 18.500 USD) để cung cấp rau ăn lá hàng tháng cho các trường học ở Lilongwe.

UN Women cũng hợp tác với Thanthwe Farms, một doanh nghiệp địa phương do phụ nữ làm chủ, hỗ trợ người lao động tại ruộng đồng; giúp phụ nữ tham gia quá trình ra quyết định. Ngoài ra, chương trình hợp tác còn đào tạo các kỹ thuật nông nghiệp thích ứng với biến đổi khí hậu, bao gồm đa dạng hóa cây trồng và quản lý nước. 

Tổng cộng có 2.427 nữ nông dân tham dự các khóa đào tạo này đã tiếp tục sử dụng các kỹ năng để thành lập, phát triển doanh nghiệp của mình.

Đầu tư vào hệ thống lương thực bền vững

Ở Mzimba, các khóa đào tạo đã truyền cảm hứng cho phụ nữ của Hợp tác xã Umoza và Mpharayi thay đổi phương pháp trồng và đóng gói ớt xanh. Sau khi thực hiện những điều chỉnh đó, hợp tác xã đã đảm bảo hoạt động kinh doanh với một khách sạn ở Mzuzu, thành phố lớn nhất miền Bắc Malawi. 

Bà Cecelia Lungu, Phó chủ tịch Hợp tác xã Mpharayi, cho biết: "Chúng tôi được hưởng lợi rất nhiều khi tìm hiểu về canh tác nông nghiệp thích ứng với khí hậu. Thời thế đang thay đổi và chúng ta cần học các công nghệ mới để tăng năng suất. Khi dự án được bắt đầu, tôi đã tự hứa với mình rằng, tôi sẽ thực hiện những gì mình được học để tạo ra năng suất cao hơn từ các loại cây trồng chất lượng cao trong nhà kính và phổ biến kỹ thuật cho những nông dân khác".

Các nhà kính cũng thu hút nhiều sinh viên từ Đại học Nông nghiệp và Tài nguyên Lilongwe, trường đại học lớn nhất Malawi. Ruth Kampatura, thủ quỹ của Hợp tác xã Kambuku, cho biết việc học của con trai bà tại trường đại học đã được thúc đẩy nhờ chuyến thăm nhà kính. 

Bà nói: "Con trai tôi đã chứng kiến ngôi nhà kính đầu tiên được lắp đặt cách đây nhiều năm. Con thường đi theo khi tôi làm việc trong nhà kính và đặt câu hỏi về việc làm thế nào cây trồng có thể phát triển tốt. Bây giờ, con đã gia nhập hợp tác xã và dự định mở rộng việc kinh doanh nhà kính khi con tốt nghiệp đại học".

Hợp tác xã Kambuku đã nhận được khoản trợ cấp của Chính phủ trị giá 34 triệu Malawi Kwacha (tương đương 1,26 triệu USD) để mở rộng cơ sở hạ tầng và nhà kho. Hợp tác xã đã chuyển sang trồng các loại cây trồng mới như đậu và ngô, đồng thời thuê thêm nhân viên, góp phần thực hiện ước mơ tạo thêm việc làm trong cộng đồng xã viên.

Esnart Kalunga, cán bộ khuyến nông của Chính phủ Malawi ở Lilongwe East, cho biết: "Đầu tư vào những phụ nữ nông thôn vốn là trụ cột trong ngành nông nghiệp, là chìa khóa để chấm dứt nghèo đói. Chúng ta cần duy trì và xây dựng động lực hỗ trợ hoạt động nông nghiệp để có thể thực sự trao quyền cho phụ nữ nông thôn".

Nhu Thụy/Nguồn: UN Women