Giọng ca thiên thần của Céline Dion cất lên, như một sợi dây vô hình kết nối, đưa mọi người vượt qua rào cản thời gian và không gian, để cùng chìm đắm trong giai điệu da diết của tuyệt phẩm âm nhạc do huyền thoại âm nhạc Édith Piaf sáng tác.

Không chỉ là câu chuyện tình yêu bất diệt của "chim sẻ nhỏ nước Pháp”, bản nhạc Hymne à l'amour (Thánh ca tình yêu) còn là thông điệp về tình yêu, hy vọng, sự kiên cường - những giá trị đẹp đẽ vượt lên trên cả sự sống và cái chết. Bản nhạc như một biểu tượng của âm nhạc Pháp được hồi sinh, làm tan chảy hàng triệu trái tim trên khắp thế giới qua tiếng hát đầy cảm xúc của Céline Dion, khơi gợi những rung động sâu thẳm về tình yêu và sự sống.

Tên tuổi nữ danh ca Édith Piaf luôn gắn liền với bản nhạc Hymne à l’amour
Tên tuổi nữ danh ca Édith Piaf luôn gắn liền với bản nhạc Hymne à l’amour

 

 “Cách duy nhất để tôi giữ anh ấy bên mình mãi mãi”

Hymne à l'amour là một bài hát tiếng Pháp nổi tiếng được danh ca Édith Piaf viết lời và nhạc sĩ Marguerite Monnot - người bạn thân thiết của bà - phổ nhạc. Bài hát được Piaf thể hiện lần đầu tiên vào năm 1949 và nhanh chóng tạo thành một cơn địa chấn về cảm xúc.

Ca khúc được viết khi Piaf đang có mối tình sâu đậm với võ sĩ quyền Anh Marcel Cerdan. Tuy nhiên, Cerdan đã qua đời trong một tai nạn máy bay vào năm 1949 khi đang trên đường đến New York (Mỹ) để gặp Piaf. Sự mất mát đó khiến Piaf đau khổ tột cùng. Bà đã viết Hymne à l'amour như một lời tri ân và tưởng nhớ đến người tình.

Édith Piaf từng chia sẻ, ca khúc trên là một trong những bản nhạc quan trọng nhất cuộc đời bà: "Bài hát này là những gì tôi có thể làm để bày tỏ tình yêu của mình dành cho Marcel. Đó là cách duy nhất để tôi có thể giữ anh ấy bên mình mãi mãi".

Édith Piaf và Marcel Cerdan - tình yêu lớn của đời bà
Édith Piaf và Marcel Cerdan - tình yêu lớn của đời bà

 

Dù vậy, khi ca khúc được hoàn thiện, sức khỏe của "chim sẻ nhỏ nước Pháp” trở nên rất tệ do suy sụp từ sự ra đi của Cerdan. Tuy nhiên, bà đã gắng gượng hát bằng cả trái tim để hoàn thành bản thu âm một cách xuất sắc. Phần thể hiện của Piaf trong bản thu âm đầu tiên được đánh giá là một trong những màn trình diễn xuất sắc nhất của bà cho đến tận bây giờ mà có lẽ không ai vượt qua được.

Thánh ca tình yêu được viết nên bằng những lời ca lãng mạn, da diết như một bài thơ trang nhã, kết hợp với giai điệu được tạo bởi vòng hòa thanh quen thuộc trong những bản nhạc tình buồn kinh điển của nước Pháp. Sự chân thành, tha thiết, xúc động trong từng câu chữ như lời thì thầm yêu thương gửi đến người tình khiến bản nhạc chạm đến trái tim của bất kỳ ai đang yêu.

Thánh ca tình yêu được Édith Piaf trình diễn lần đầu tiên vào ngày 29/9/1949 tại New York. Bài hát nhanh chóng gây được tiếng vang lớn và được khán giả đón nhận nồng nhiệt. Sau buổi biểu diễn thành công tại Mỹ, ca khúc được phát hành dưới dạng đĩa đơn vào tháng 10/1949 tại Pháp. Năm 1961, Piaf thu âm lại ca khúc cho vở nhạc kịch Paris chante toujours (tạm dịch: Paris vẫn hát). Bài hát nhanh chóng chiếm lĩnh các bảng xếp hạng âm nhạc và trở thành một trong những tác phẩm nổi tiếng nhất của Édith Piaf đến tận bây giờ. Nhiều người cho rằng đây là một trong những bản tình ca hay nhất mọi thời đại.

Ca khúc Lhymne à lamour, ca sĩ Édith Piaf:

 

Ca khúc được khen ngợi về giai điệu lãng mạn và sâu lắng, lời ca đầy cảm xúc và giọng hát đầy nội lực của Édith Piaf. Thánh ca tình yêu không chỉ thành công về mặt thương mại mà còn có sức ảnh hưởng lớn đến văn hóa đại chúng. Bài hát cũng xuất hiện tại lễ bế mạc Thế vận hội Tokyo năm 2021 (do ca sĩ Nhật Bản Milet trình bày).

Ca khúc cũng được sử dụng trong nhiều bộ phim nổi tiếng như Saving private Ryan (tựa tiếng Việt: Giải cứu binh nhì Ryan, 1998), French Kiss (tựa tiếng Việt: Nụ hôn kiểu Pháp, 1995), Les choristes (tựa tiếng Việt: Dàn đồng ca, 2004)… hay xuất hiện trong một số chương trình truyền hình ăn khách như So you think you can dance (tên tiếng Việt: Thử thách cùng bước nhảy), trong TVC quảng cáo của Air France hay Dior…

Édith Piaf thể hiện ca khúc Hymne à l’amour vào năm 1949
Édith Piaf thể hiện ca khúc Hymne à l’amour vào năm 1949

 

Bài hát cũng liên tục được nhiều nghệ sĩ nổi tiếng trên thế giới hát lại, bao gồm cả phiên bản tiếng Anh và tiếng Pháp. Như phần thể hiện đầy điêu luyện của diva Mariah Carey, nam ca sĩ Josh Groban, nữ ca sĩ người Pháp gốc Ý Dalida (thể hiện bài hát bằng cả tiếng Pháp và tiếng Ý), nữ ca sĩ Hy Lạp Nana Mouskouri (thể hiện bằng tiếng Pháp)...

Tại Việt Nam, các ca sĩ như Hương Lan, Mỹ Linh… cũng đã từng thu âm ca khúc kinh điển này. Tất cả cho thấy sức ảnh hưởng lớn lao của Hymne à l'amour không chỉ trong âm nhạc, mà còn trong văn hóa đại chúng trên toàn thế giới. Ca khúc thoát ra khỏi ý nghĩa ban đầu - một câu chuyện tình thiêng liêng và cảm động - trở thành biểu tượng đẹp đẽ về nghệ thuật kết tinh từ đau thương, mất mát. Bài hát đã truyền cảm hứng cho nhiều thế hệ nghệ sĩ và người yêu nhạc, trở thành một phần không thể thiếu trong kho tàng nghệ thuật của Pháp nói riêng và của toàn nhân loại nói chung.

Sự trở lại của Céline Dion

Mùa hè năm 2024, Céline Dion - diva lừng danh thế giới - đã thể hiện lại Thánh ca tình yêu trước hơn 300.000 người tại quảng trường Paris, cùng hàng tỉ người theo dõi qua truyền hình lễ khai mạc Thế vận hội Olympic 2024. Phần trình diễn làm bùng nổ cảm xúc, rất nhiều giọt nước mắt đã rơi khi tiếng hát thiên thần của Céline Dion cất lên.

Diva Céline Dion và màn tái xuất đầy ấn tượng với ca khúc bất hủ Hymne à l’amour
Diva Céline Dion và màn tái xuất đầy ấn tượng với ca khúc bất hủ Hymne à l’amour

 

Theo nhiều nguồn tin, Céline Dion đã nhận lời mời biểu diễn từ ban tổ chức Olympic Paris 2024 từ rất sớm. Tuy nhiên, sau khi được chẩn đoán mắc căn bệnh hiếm gặp SPS (hội chứng người cứng) vào cuối năm 2022, bà đã phải hủy bỏ nhiều buổi biểu diễn để tập trung vào điều trị. Với tình yêu dành cho âm nhạc và mong muốn mang đến một màn trình diễn đáng nhớ, Céline Dion đã quyết tâm vượt qua tất cả để trở lại sân khấu. Bà đã trải qua quá trình tập luyện và điều trị khó khăn để có thể hát live tại lễ khai mạc dù trước đó được đề nghị hát playback nhằm đảm bảo sức khỏe.

Màn trình diễn không chỉ là sự trở lại dũng cảm và ấn tượng của một nghệ sĩ đang chiến đấu với căn bệnh hiểm nghèo mà còn là sự kế thừa một di sản âm nhạc. Đó là sự tiếp nối và tôn vinh di sản âm nhạc Pháp, đặc biệt là tinh thần của Édith Piaf - người đã sáng tác một ca khúc vượt thời gian từ nỗi đau mất mát. Céline Dion, với sự đồng cảm và thấu hiểu sâu sắc, đã thể hiện bài hát một cách chân thành và xúc động, như lời tri ân một tượng đài âm nhạc bất tử.

"Tôi rất vinh dự được hát ở Paris thân yêu để tôn vinh những vận động viên tuyệt vời này và để tri ân huyền thoại Édith Piaf. Âm nhạc và câu chuyện của bà luôn truyền cảm hứng cho tôi” - Céline Dion xúc động chia sẻ trên trang cá nhân ngay sau phần trình diễn tại Olympic Paris.

Thánh ca tình yêu đã chứng minh sức sống mãnh liệt qua 3/4 thế kỷ, trở thành một trong những bản tình ca vĩ đại nhất mọi thời đại, không chỉ của nước Pháp mà còn của toàn thế giới. Giai điệu da diết, lời ca sâu lắng cùng câu chuyện tình yêu bất diệt đã tạo nên một tác phẩm kinh điển, vượt qua mọi rào cản ngôn ngữ và thời gian, để lại dấu ấn sâu đậm trong lòng người yêu nhạc toàn cầu.

Theo phụ nữ TPHCM