Nhà ông bà ngoại tôi không giàu, nhưng vì ông ngoại là thầy đồ, nên quan niệm khá khắt khe, nhất là với con gái thì phải “khuê môn bất xuất”. Má tôi là con gái út, lại càng được cưng chiều và theo dõi sát sao. Tính má tôi ngoan hiền, nên tối ngày chỉ biết việc bếp núc, thêu thùa may vá, quanh quẩn trong nhà.

Ba tôi là y tá trong đội Hồng Thập tự, nên cứ đi đến vùng này một thời gian khám chữa bệnh cho dân, xong lại chuyển qua vùng khác. Năm đó ba tôi về Tây Ninh, nơi má tôi đang sinh sống. Như thường lệ, ba tôi đi đến đâu cũng mướn một căn nhà vừa để ở, vừa có thể khám chữa các bệnh thông thường, vừa nhận tiêm thuốc theo toa bác sĩ, nhằm có thêm thu nhập sau giờ làm việc.

Ba má tôi trong 50 năm ngày cưới
Ba má tôi trong buổi kỷ niệm 50 năm ngày cưới
Ba má và 4 chị em tôi lúc sinh thời
Ba má và 4 chị em tôi lúc sinh thời

Nhà ông bà ngoại tôi có mảnh vườn rộng, đủ loại cây ăn trái, phía sau là hàng tre tàu xanh mướt. Hôm đó bác Hai hàng xóm qua xin mấy mụt măng. Ở quê, hàng xóm xin, cho nhau món này thức nọ là chuyện thường ngày. Má tôi đi lấy dao ra xắn măng cho bác Hai. Bác giành con dao nói để tự xắn, vì: “Bây con gái con đứa chân yếu tay mềm”.

Má tôi nói: “Con làm được” và giành con dao lại. Xui rủi làm sao, chú chó của bác Hai chạy theo bác, thấy cảnh đôi bên giành nhau con dao, nó tưởng chủ mình gặp nguy hiểm, nên nhào tới táp vô đùi má tôi một cái ngập răng…

Theo bác Hai thì "chó nhà nuôi lâu nay, không sao đâu”, má nghe lời bác, chỉ chờ bác đem thuốc qua đắp cho “hút nọc” chó ra. Ai ngờ chân má nhiễm trùng sưng to, đi không được nữa. Bà ngoại tôi khi ấy mới đi tìm y tá, mời ông tới nhà chích thuốc cho con gái. Và ông y tá đó sau này chính là ba tôi.

Ba tôi đến chích thuốc cho cô gái, cho toa thuốc uống thêm mấy ngày. Vết thương má tôi lành hẳn, khi bà ngoại tôi trả tiền, biếu trái cây và cảm ơn thầy thuốc, bà đã nói từ mai khỏi tới nữa, thì tới lượt ba tôi… bị thương.

Ba về hỏi ông chủ nhà về “cái cô gái ngộ ngộ, hiền hiền, ở cùng xóm, cách có mấy trăm mét mà sao hổng bao giờ thấy mặt”. Bác Bảy Kỷ chủ nhà nghe cậu trai hỏi hoài thì hiểu ý: “Người ta con nhà gia giáo, ai đâu đi ngoài đường mà thầy đòi thấy mặt? Mà tui hỏi thiệt, thầy có ưng bụng thì để tôi đánh tiếng làm mai cho. Chớ ngày nào thầy cũng hỏi chuyện về cổ cả chục lần, tui trả lời hoài mệt quá!”.

Ba tôi gãi gãi đầu: “Mà con nghèo quá bác ơi!”. Bác Bảy Kỷ nghiêm nét mặt: “Nhà đó người ta trọng lễ nghĩa, chớ hổng có ham giàu. Thầy có nghề nghiệp lương thiện, còn hơn con nhà giàu mà bông lông. Tui nhắm được mới nói, thầy suy nghĩ cho kỹ đi”.

Vậy là đám cưới diễn ra sau đó. Má tôi xách rương theo chồng với 9 bộ đồ dài, 9 bộ bà ba, 9 cái áo túi do dì Hai tôi may tặng. Dì Hai tôi đã lấy chồng danh giá ở Sài Gòn, nên giúp cho đám cưới ba má tôi rất đầy đủ. Ba tôi mượn xe công tác của đội Hồng Thập tự "đưa nàng về dinh", là căn nhà thuê chỗ khác rộng rãi hơn, để bắt đầu cuộc sống vợ chồng son.

4 chị em tôi lần lượt ra đời. Theo bước đường công tác của ba, mỗi đứa con sinh ở một tỉnh thành khác nhau. Mỗi lần chuyển đi tới nơi ở mới, chúng tôi chỉ đem theo được một ít đồ, hầu hết phải sắm lại. Ba tôi nói: “Ông bà mình có câu 3 lần dọn nhà bằng 1 lần cháy nhà. Nhà mình dọn tới dọn lui, dành dụm bao nhiêu, mỗi lần di chuyển lại phải lấy ra sắm sửa, nên khó khăn hoài”.

Vậy là ba tôi quyết định đổi công việc để được ở một chỗ, vừa ổn định nhà cửa, vừa tiện cho chị em tôi đi học. Ba má tôi có thể bất đồng ý kiến việc này việc nọ, nhưng việc cho các con đi học thì ông bà luôn đồng lòng dốc sức để lo. Dù cuộc sống có biến động, có thiếu thốn tới đâu thì các con của ông bà phải được đến trường.

Kỷ niệm 50 năm ngày cưới của ba má, chị em tôi thấy ông bà đều tươi cười rạng rỡ. Dù tôi chẳng bao giờ nghe ba nói yêu má, hay nghe má nói thương ba, nhưng 4 chị em tôi luôn được sống bình yên trong một gia đình trọn vẹn.

Theo phụ nữ TPHCM