|
|
Ba má tôi trong ngày sinh nhật của ba (ảnh tác giả cung cấp) |
Hôm rồi là sinh nhật ba tôi. Sau bữa ăn no nê với toàn món “ruột” của cả nhà, mấy anh em tôi ngồi lại tám đủ chuyện trên trời dưới đất.
Câu chuyện dẫn về những kỷ niệm tuổi thơ với những trận đòn tập thể, hễ 1 đứa phạm lỗi lớn là cả đám bị lùa lên nằm xếp hàng ngay trên cái đi-văng để xử phạt. Đứa phạm lỗi nặng nhất thường phải ăn vài roi, những đứa khác nếu xui thì cũng 1-2 roi, hên thì sau khi nhận lỗi, hứa “từ sau sẽ chừa” thì sẽ được cho thiếu, lần sau tái phạm sẽ bị phạt gấp đôi.
Rồi chúng tôi nhắc những tối mấy anh em qua nhà hàng xóm coi tivi ké, hễ thấy dáng ba dắt xe đạp là rón rén chuồn về bằng cửa sau. Những lần đang hăng hái chơi năm mười, chơi bắn đạn với đám con nít hàng xóm, nghe tiếng ba gọi “Bình ơi”, “Đặng ơi”… là lập tức đứng hình, quíu giò quíu cẳng chạy về.
Hồi nhỏ, cả đám tụi tôi sợ ba như sợ cọp, hễ nghe tiếng ba đằng hắng từ xa là lập tức đi nhẹ, nói khẽ, tránh xa 3 mét ngay.
Ba tôi hồi trẻ rất siêng năng, tháo vát, nhưng nổi tiếng nóng nảy và cộc tính. Trong khi đó, má tôi xinh đẹp, hồn hậu, đúng chất con gái Nam Bộ xưa.
Nghe má tôi kể, ba má ở chung 1 xã, từng là bạn học hồi lớp Một. Khi ba vào năm cuối cấp III thì má đã là cô nhân viên cửa hàng gạo ở gần nhà.
Má tôi hồi con gái rất đẹp. Mỗi ngày, sau giờ học, ba không về nhà mà lân la cưa cẩm cô bán gạo. Bỏ qua nhiều mối đánh tiếng làm mai, nhiều lời tán tỉnh của những chàng trai giỏi giang hơn, có điều kiện hơn, má chọn yêu ba trong sự lo lắng của cả gia đình bên ngoại.
|
|
Tôi là cô bé áo đỏ trong bức hình gia đình ngày ấy (ảnh tác giả cung cấp) |
Nhà nội nghèo, bà nội nổi tiếng khó và kỹ tính. Sợ con gái chịu khổ, ngoại nhiều lần năn nỉ “má thương con nhiều, con đừng thương nó” nhưng má vẫn nhất định thương ba và gật đầu về làm vợ ba sau mấy năm tìm hiểu.
Lấy chồng làm nông, má tôi từ những ngày đầu còn bỡ ngỡ, không phân biệt được con nước ròng - con nước lớn, đã học lội ruộng nhổ cỏ, cấy lúa, cắt lúa, kéo lưới... việc gì má cũng làm và làm rất chú tâm.
Lấy chồng cộc tính nên má phải làm quen với kiểu nói chuyện cộc lốc, không đầu không cuối mỗi khi ba mệt hoặc gặp chuyện gì bực dọc. “Thời gian đầu, vợ chồng suýt bỏ nhau vì cái tật cộc cằn vô lý đó. Nhưng vì thương và hiểu tính ý nhau nên vợ chồng bảo nhau sửa đổi. Hễ ba lớn tiếng thì má nín nhịn, lựa lúc ba hết nóng sẽ “nói lại cho rõ”.
Càng về sau, tần suất “nổi quạu” của ba càng giảm. 5 đứa con lần lượt ra đời, ba má tôi càng đầu tắt mặt tối, làm thêm đủ nghề để lo cho các con no đủ và ăn học đến nơi đến chốn.
Má càng cực bao nhiêu, ba càng yêu thương gánh vác nhiều bấy nhiêu. Chuyện gì ba quyết thì má theo, má quyết thì ba đồng thuận. Nhờ vậy, sống với hơn 40 năm trời, ba má tôi chưa lần nào cãi vã to tiếng.
Hơn 20 năm nay, xã nghèo nhà tôi đô thị hóa nhanh đến chóng mặt, ruộng lúa không còn nên ba má không còn phải đội nắng đội mưa lo chuyện đồng áng. Các con lần lượt ra trường, có việc làm ổn định, má lui về lo phần nội trợ và phụ giúp các con trông cháu. Ba tôi cũng được gia đình động viên “hưu sớm” để dưỡng già sau thời gian dài làm việc quá sức.
|
|
Người đẹp của tôi trong vườn mai của người yêu dấu (ảnh tác giả cung cấp) |
Từ ngày nghỉ làm, ba tôi có nhiều thời gian rảnh nên chăm bẵm mảng sân quanh nhà. Đủ loại hoa, đủ loại cây kiểng và cả cây ăn trái, cây nào cũng xanh tốt. Ba còn đặc biệt trồng cho má tôi cây bần ổi để lấy trái nấu canh chua. Không biết do thoát được áp lực lao động nặng nhọc kiếm tiền nuôi con hay do có nhiều thời gian bầu bạn với má và đám cây cối quanh nhà mà càng về sau, cái tính nóng của ba càng giảm.
Ba đặc biệt dịu dàng với má, chủ động chia sẻ với má mọi sinh hoạt thường ngày, từ quét sân, rửa chén, nấu ăn, giặt đồ… Ba vui, má vui nên đám con cháu cũng vui theo, nhà cửa lúc nào cũng rộn ràng đầm ấm.
Học theo ba má, đám con trai trong nhà cũng hết lòng yêu thương, chăm chút gia đình nhỏ; đám con dâu thì nhìn vào má mà học cách chăm sóc chồng, con và đối đãi với nội ngoại hai bên.
Không ai nói ra nhưng trong thâm tâm mỗi đứa đều cầu mong trời thương, cho ba má sống lâu, sống khỏe thêm vài chục năm nữa để con cháu luôn có nơi ấm áp để quay về.
Theo phụ nữ TPHCM