Việc bà Claudia Goldin, giáo sư kinh tế học gốc Do Thái, chiến thắng giải thưởng Kinh tế năm 2023 “đánh dấu” cái kết mỹ mãn cho sự kiện Nobel đậm sắc màu nữ quyền.

3 ngày trước đó, nhà hoạt động nhân quyền người Iran Narges Mohammadi - sau những nỗ lực đấu tranh miệt mài chống nạn đàn áp phụ nữ - cũng được vinh danh ở hạng mục Nobel Hòa bình.

Nhà khoa học kỳ cựu người Thụy Điển Anne L'Huillier giành giải Nobel Vật lý nhờ nghiên cứu hữu ích của bà trong ngành vật lý lượng tử. Và giáo sư - nhà hóa sinh Katalin Kariko nhận giải thưởng Nobel Y học với thành tựu tối quan trọng, là tiền đề cho hoạt động điều chế vắc xin COVID-19.

Tinh thần nữ quyền kiên định

2 trong số 4 nhân vật nữ kể trên, Goldin và Mohammadi lần đầu đạt danh hiệu Nobel độc lập, được xem như kỷ lục đáng nhớ ở sự kiện năm nay. Mặt khác, 3 nữ khoa học gia trong số họ đều có danh tiếng nổi bật ở các ngành nghiên cứu lâu nay thường do nam giới chiếm lĩnh.

Giáo sư, nhà vật lý lượng tử Anne L'Huillier. (Ảnh: LundUniversity)
Giáo sư, nhà vật lý lượng tử Anne L'Huillier - Ảnh: LundUniversity

Để tạo dựng chỗ đứng riêng, nhiều nhà khoa học nữ không chỉ cần đam mê mà còn cả lòng quyết tâm vượt khó, sự kiên cường gấp bội so với đồng nghiệp nam.

Với Anne L’Huillier, giải Nobel Vật lý danh giá là thành quả của chương trình nghiên cứu dài kỳ bà khởi xướng hơn 35 năm trước. Nhà vật lý học đã đặt “nền móng” cho việc tìm hiểu hoạt động của hạt hạ nguyên tử (electron) bằng phương pháp thí nghiệm với ánh sáng laser. Về sau, dự án giàu tiềm năng này hứa hẹn sẽ đem lại vô số bước tiến trong ngành sản xuất mạch điện, bào chế thuốc cũng như thiết kế thiết bị chẩn đoán y khoa tân tiến hơn.

Đại diện Quỹ Nobel gọi điện cho giáo sư L’Huillier khi bà đang trong giờ dạy học ở Đại học Lund (tỉnh Scania, Thụy Điển), để thông báo về giải thưởng. Bà bày tỏ: “Đây là trải nghiệm rất, rất đặc biệt với tôi. Thế giới vẫn chưa chứng kiến nhiều phụ nữ được công nhận qua những sự kiện như Nobel”.

Giáo sư Katalin Kariko. (Ảnh: UNESCO)
Giáo sư Katalin Kariko - Ảnh: UNESCO

Nhà nghiên cứu, giáo sư ngành hóa sinh Katalin Kariko thấu hiểu “hàng rào” định kiến phụ nữ phải tự vượt lên trong môi trường học thuật. Sinh ra tại Hungary với xuất thân bình dân, bà lặng lẽ bắt đầu một cuộc nghiên cứu từ thập niên 1980-1990 sau khi sang Mỹ định cư. Kariko thành công tìm ra cách đưa vật liệu di truyền RNA thông tin (mRNA) vào tế bào - điều từng bị giới khoa học xem là bất khả thi. Bất chấp vô vàn nghi ngại, phản đối lẫn khó khăn tài chính, khi cơn đại dịch kinh hoàng bùng nổ, khám phá về mRNA của Kariko đã thay đổi vĩnh viễn ngành bào chế vắc xin và cứu sống hàng triệu người.

“Nghiên cứu về mRNA thật ra rất dễ gây nản lòng. Đâu đâu bạn cũng đụng phải "rào cản" - Kariko chia sẻ - "Nhưng tôi không làm công việc này chỉ vì mình, mà còn vì muốn truyền động lực cho nhiều phụ nữ khác xuất thân giống tôi. Khi dần thấy được dấu hiệu chứng minh thứ mình phát hiện có thể giúp ích cho việc bào chế những loại vắc xin hữu hiệu hơn, tôi đã tự nhủ "không được bỏ cuộc".  

“Phụ nữ. Cuộc sống. Tự do”

Với tâm niệm thắp lên “ánh sáng hy vọng” trong bóng tối, Claudia Goldin, nhà kinh tế học 77 tuổi, đã dành nhiều năm liền khảo sát thị trường lao động Hoa Kỳ, làm việc với một kho dữ liệu khổng lồ trải dài 200 năm qua. Goldin muốn xây dựng cái nhìn toàn cảnh sống động về sự bất công phụ nữ phải gánh chịu trong môi trường lao động.

Goldin là người phụ nữ đầu tiên được bổ nhiệm vào khoa Kinh tế Đại học Harvard (năm 1990) và là người phụ nữ thứ ba đạt giải Nobel kinh tế. (Ảnh: REUTERS)
Goldin là người phụ nữ đầu tiên được bổ nhiệm vào khoa Kinh tế Đại học Harvard (năm 1990) và là người phụ nữ thứ ba đoạt giải Nobel kinh tế - Ảnh: Reuters

“Bà ấy nghiên cứu và chỉ ra hàng loạt vấn đề rất nhiều chuyên gia thường bỏ qua, đơn giản vì nhiều người thậm chí không biết nên tìm kiếm những số liệu ấy từ đâu. Nhưng Goldin đã tìm được” - một thành viên của Hội đồng trao giải Nobel - cho biết. Theo Hội đồng, dự án của Goldin “đã trở thành tư liệu cấp thiết, quý giá giúp làm sáng tỏ chỗ đứng của phụ nữ trong các ngành nghề lao động hiện nay”.

Xoay quanh dự án và về nỗ lực hóa giải cách biệt giới tính trong lao động, Goldin nói: “Nhìn vào những con số, tôi không khỏi băn khoăn. Nhiều yếu tố như gia đình, nền giáo dục, hôn nhân đều có thể là "trở lực" khiến lao động nữ khó phấn đấu tích cực bằng nam giới. Để bảo vệ - chăm sóc phụ nữ tốt hơn, tôi mong nghiên cứu của mình sẽ thúc đẩy công chúng suy ngẫm nghiêm túc hơn về công bằng giới tính đúng nghĩa ở thị trường lao động”.  

Vì quyền tự do - công bằng của nữ giới, nhà hoạt động xã hội Narges Mohammadi vẫn mạnh mẽ lên tiếng đấu tranh dẫu bị giam giữ tại chính quê nhà. Bà là người phụ nữ gốc Iran thứ hai trên thế giới nhận giải Nobel Hòa bình. Mohammadi dành gần như trọn đời cho mục tiêu kêu gọi chống nạn áp bức phụ nữ, một hiện trạng gây nhức nhối ở Iran.

Bị giam giữ tại Iran, Narges Mohammadi đã nhiều năm không thể quay về bên gia đình hiện đang sống lưu vong tại Pháp. (Ảnh: REUTERS)
Bị giam giữ tại Iran, Narges Mohammadi đã nhiều năm không thể quay về bên gia đình hiện đang sống lưu vong tại Pháp - Ảnh: Reuters

Cả khi liên tục chịu cảnh tù tội, phải chia tách khỏi cha mẹ và chồng con hơn 8 năm, Mohammadi chưa từng từ bỏ lý tưởng tranh đấu vì quyền phụ nữ. Bà bày tỏ: “Động thái ủng hộ và sẻ chia của cộng đồng quốc tế khiến tôi nhận ra sự hy sinh của mình không hề vô nghĩa. Tôi tin trong tương lai gần, đất nước tôi sẽ đón nhận những thay đổi tích cực, lạc quan hơn”.  

Chồng bà, Taghi Rahmani, cũng là một nhà hoạt động nhân quyền, xem giải Nobel năm nay như sự trân trọng Mohammadi và những phụ nữ khác đáng được nhận. “Giải thưởng này có ý nghĩa rất lớn với không chỉ vợ tôi, mà còn với tất cả những nhà hoạt động xã hội đang tranh đấu để loại bỏ những bất công trong xã hội Iran” - Rahmani cho biết.

Khẩu hiệu do đông đảo những người biểu tình vì quyền phụ nữ ở Iran giương cao: “Phụ nữ. Cuộc sống. Tự do” lần nữa được Ủy ban Nobel đề cập khi nhắc đến nỗ lực cống hiến của Mohammadi. “Bà ấy đã phải chấp nhận trả giá đắt cho công cuộc đấu tranh của mình” - bà Berit Reiss-Andersen, Chủ tịch Ủy ban Nobel Na Uy - phát biểu. “Mohammadi đang làm tất cả với niềm mong mỏi rằng phụ nữ có thể được hưởng trọn vẹn quyền được sống, được tôn trọng”.      

Bà Berit Reiss-Andersen trong buổi lễ công bố người thắng giải Nobel Hòa bình năm 2023. (Ảnh: REUTERS)
Bà Berit Reiss-Andersen trong buổi lễ công bố người thắng giải Nobel Hòa bình năm 2023 - Ảnh: Reuters

Cần thêm giá trị bình đẳng giới

Tạo cơ hội tuyệt vời để vinh danh - ghi nhận những đóng góp thiết thực của phụ nữ trong khoa học và đời sống, thế nhưng Nobel cũng gây tranh cãi về bất bình đẳng giới. Kể từ năm 1901 - khi sự kiện đầu tiên diễn ra, trong số 607 giải Nobel đã được trao (tính đến năm 2018), tỉ lệ giải thưởng độc lập phụ nữ đạt được chỉ có 3,3%. Trong tổng số 331 giải Nobel liên quan đến các ngành khoa học, chỉ 2,7% thuộc về phụ nữ, số liệu từ tạp chí Nature (Anh).

Từ năm 2018, các đơn vị nghiên cứu uy tín chịu trách nhiệm kiểm duyệt và trao giải Nobel đã bắt đầu đa dạng hóa quy trình đề cử. Khích lệ phụ nữ, nhất là những nhà khoa học nữ, tham gia tự đề cử theo cách này thu được hiệu quả nhất định. Tuy nhiên, hãy còn chưa đủ. 

Nhà hóa học Pernilla Wittung-Stafshede, 1 trong 2 phụ nữ thuộc Hội đồng Nobel Hóa học (trực thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Hoàng gia Thụy Điển) tỏ ra không hài lòng: “Phụ nữ đang nỗ lực từng ngày trong rất nhiều hoạt động nghiên cứu có ích, để cống hiến cho xã hội và giúp đỡ lẫn nhau. Tôi nghĩ các Hội đồng Nobel cần mở rộng tầm nhìn hơn, ghi nhận công sức của phụ nữ trong nhiều lĩnh vực hơn nữa”. Giáo sư người Thụy Điển nhấn mạnh: “Trong môi trường học thuật, phụ nữ càng có chỗ đứng thường trực, chúng ta càng có cơ hội thảo luận và hướng đến một thế giới bình quyền”.

Theo giadinhonline.vn