Kathy Sullivan, cựu phi hành gia Mỹ 68 tuổi, đã lặn xuống vực thẳm Challenger phía tây Thái Bình Dương vào ngày 7/6. Đến vực thẳm ở độ sâu 10.928 m này là một phần của chuyến thám hiểm Ring of Fire do EYOS Expeditions hợp tác cùng Caladan Oceanic và Triton Submarines tổ chức với tàu Limiting Factor.
Trước chuyến đi, EYOS mời ba nhà thám hiểm lặn xuống cuối phía nam rãnh Mariana, nơi Vực thẳm Challenger tọa lạc. Kathy là người đầu tiên trong số đó kết thúc nhiệm vụ khó khăn kéo dài 10 giờ.
"Tôi biết (Vực thẳm Challenger) là một điểm sâu trên biểu đồ, hình thành do địa chấn trên lớp vỏ trái đất... nhưng tất cả chỉ là kết luận dựa trên thông tin. Tất cả chỉ khác biệt khi tận mắt nhìn thấy nó. Chỉ nhà sinh học đại dương nào không có tự trọng mới bỏ qua một lời mời như vậy", Kathy nói.
Kathy thám hiểm vực thẳm cùng đồng nghiệp, nhà khoa học Victor Vescovo - nhà sáng lập Caladan Oceani. Vốn là một nhà thám hiểm kỳ cựu, Victor đạt vô số thành tựu như người đầu tiên chinh phục đỉnh cao của mọi lục địa, đến cả Bắc và Nam cực, và lặn xuống nơi sâu nhất dưới đại dương.
Khi chiếc tàu lặn ngày càng chìm sâu hơn, Kathy và Victor ngồi cùng nhau trong một cabin nhỏ gọn nhưng thoải mái, đủ không gian để duỗi chân. Họ mặc áo len hoặc tập vài động tác yoga ngồi.
"Nó như thể một chuyến bay dài hạng phổ thông hoặc phổ thông cao cấp", Kathy cho biết.
Vài giờ sau trong 4 giờ hạ xuống đáy biển, Kathy bắt đầu thấy cabin lạnh hơn, nhưng lại không có thay đổi đáng kể nào về thể trạng. Nhưng bà cho rằng, trải nghiệm bay vào vũ trụ và lặn xuống đại dương có hai khác biệt rõ rệt.
"Một là năng lượng. Ý tôi là, bạn thực sự đang lái một quả bom khi bị gắn chặt vào tên lửa và phóng khỏi hành tinh. Đó là khoảnh khắc năng lượng bùng nổ, tạo ra tiếng động khổng lồ, ồn ào và bạn tăng tốc chóng mặt", bà chia sẻ.
Tuy nhiên, hướng về khơi sâu lại như "một chuyến thang máy kỳ diệu" đối với Kathy. Trên đường đi xuống, Kathy và Victor nhìn thấy ánh sáng dần biến mất trong khi họ ăn trưa với bánh mì kẹp salad cá ngừ, một túi khoai tây chiên và món khai vị đặc biệt của đầu bếp tàu Apple.
Như bữa ăn của những nhà thám hiểm, khung cảnh nhìn ra từ cabin cũng vô cùng đáng nhớ. "Đại dương sống động trường tồn. Ngay cả khi bạn đi xuống những tầng nước thấp hơn, sự sống vẫn tồn tại. Không gian rộng lớn và sự sống đa dạng trong lòng đại dương thực sự là lối vào và mê hoặc tôi. Tất nhiên, dưới đáy biển cũng có những đặc điểm địa chất hấp dẫn", Kathy kể lại.
Khoảng 4 giờ sau, cuối cùng họ cũng chạm đến đáy của rãnh, và có khoảng 15 phút thông tin với tàu trên mặt nước, tự xác định phương hướng, kiểm tra hệ thống hỗ trợ... và tận hưởng khoảnh khắc vô giá.
"Chúng tôi khẽ khúc khích, mỉm cười và bắt tay ăn mừng một khoảnh khắc tuyệt vời. Tôi cảm thấy như mình đang bay trên mặt trăng khi chúng tôi lướt đi trên đáy biển. Tôi nghĩ chắc hẳn tâm trí mình đang nhớ lại những bức ảnh từ tàu Apollo. Nhưng khung cảnh như trên mặt trăng này lại ở chính đáy sâu thẳm dưới lòng đại dương trên ngôi nhà chung của chúng ta", cựu phi hành gia NASA bày tỏ.
Khi con tàu lặn bắt đầu khám phá rãnh Mariana, một hình ảnh khác về vũ trụ lại lóe lên trong đầu Kathy. "Cuối cùng khi tàu dừng lại, cảm giác như thể tôi là một phi hành gia trên sao hỏa, và tôi phát hiện vài dấu vết của những cuộc thăm dò trước đó. Chúng hiện ra từ bóng tối, thật siêu thực", bà nói.
Hơn 1,5 giờ trôi qua dưới đáy biển, Kathy và Victor bắt đầu nổi lên. Như bất kỳ lữ khách dày dặn kinh nghiệm nào chuẩn bị cho một chuyến đi dài, Victor mở bộ phim thám hiểm "The man who would be king" rất hợp hoàn cảnh trên điện thoại để ông cùng đồng nghiệp xem trong thời gian trở lại mặt nước.
"Đó là một chuyến đi bình yên. Phải đến khi cách mặt nước vài trăm mét, bạn mới bắt đầu thấy khoảng tối đen đặc bao quanh mình mất hàng giờ mới chuyển thành một màu xanh nhẹ hơn. Khoảng 10 mét cuối cùng, làn nước xanh của Thái Bình Dương hiện ra, bạn nổi hẳn lên mặt nước nhưng tầm nhìn vẫn còn thấp bên dưới như thể người vẫn còn nửa trong nửa ngoài đại dương", Kathy cho biết.
Trở về tàu lớn, Kathy có một cuộc gọi bất ngờ. Với sự trợ giúp của một phi hành gia, bà đã thu xếp để nói chuyện với Bob Behnken và Doug Hurley, hai phi hành gia đang trên tàu Crew Dragon của SpaceX trong chuyến bay đầu tiên lên quỹ đạo từ đất Mỹ vào 30/5. Họ bay trên quỹ đạo cách trái đất khoảng 400 km, kể về hành trình của mình với Kathy, và nghe bà nói về chuyến lặn thám hiểm nơi sâu nhất hành tinh.
Bắt đầu làm việc tại NASA vào năm 1978, Kathy trở thành người phụ nữ Mỹ đầu tiên đi bộ ngoài không gian vào ngày 11/10/1984. Còn giờ đây bà đã đến nơi sâu nhất trong lòng đại dương.
"Don Walsh và Jacques Piccard lần đầu tiên khám phá vực thẳm Challenger vào năm 1960. Phải mất 52 năm mới có người quay lại đó. Và chúng tôi đang ở đây, lặn xuống đó ba lần trong 10 ngày. Đó là một thay đổi lớn lao", Kathy bày tỏ.
Theo bà, đại dương vẫn còn khá xa lạ với con người, như vũ trụ và những thiên hà xa xôi. Bà nói: "Quan trọng là phải tin tưởng và tôn vinh bản năng thám hiểm của con người. Khám phá không chỉ là những nhà thám hiểm leo núi hay làm những điều kỳ lạ. Khám phá là thăm dò những điều chúng ta chưa biết hoặc hiểu, và để có cái nhìn sâu sắc hơn, toàn diện hơn, khôn ngoan hơn, có giá trị hơn để biết chúng ta là ai, đang ở đâu, làm thế nào để sống, phát triển và tồn tại".
Theo vnexpress