leftcenterrightdel
 Một cuộc biểu tình ở Islamabad về vụ giết hại một phụ nữ mang thai được chính gia đình cô thực hiện. 3 bệnh viện ở Karachi cho biết tiếp nhận gần 20 nạn nhân bạo lực giới tính mỗi ngày nhưng nhiều nạn nhân khác không được báo cáo.

Khi Sobia Batool Shah và cả nhà đang ngủ say thì 6 gã đàn ông đột nhập vào nhà. Chúng tìm Sobia để thanh toán vì cô dám ly hôn chồng. Một trong số 6 người đàn ông này dùng rìu tấn công, chặt đứt chân tay cô. "Hắn ta đánh tôi không ngừng nghỉ và chắc chắn đã đánh tôi ít nhất 15 lần", cô gái 22 tuổi nhớ lại.

"Tôi hét lên đau đớn và cầu xin mọi người dừng lại, nhưng anh ta vẫn điền cuồng tấn công tôi như một người bị ma ám. Tôi thậm chí còn hứa rằng tôi sẽ không ly hôn nữa" - cô nói thêm.

Sobia Batool Shah bị tấn công bởi chính những người đàn ông trong gia đình cô, bao gồm cha cô - Syed Mustafa Shah - chú cô và những người anh em họ. Nhóm người này đã đột nhập vào nhà cô ở Naushahro Feroze, tỉnh Sindh của Pakistan, như một “hình phạt” vì cô từ chối rút đơn xin ly hôn chồng.

Đang được điều trị tại Đại học Y khoa và Khoa học Sức khỏe dành cho phụ nữ, tại thành phố Nawabshah, Sobia cho biết cô đau đớn tột cùng và cả 2 chân đều phải bó bột. “Các bác sĩ đã nẹp một thanh sắt vào một chân tôi”, cô nói trong tiếng nấc.

Tiến sĩ Summaiya Syed Tariq, bác sĩ phẫu thuật trưởng tại Karachi, thủ phủ của Sindh, cho biết: "Tất cả đều liên quan đến việc kiểm soát quyền lực và chế độ gia trưởng, xem thường phụ nữ".

Syed Tariq, người cũng là người đứng đầu phòng pháp y của cảnh sát Sindh, cho biết đã chứng kiến hàng trăm phụ nữ bị ngược đãi về thể chất và tinh thần, bị hãm hiếp, bị thiêu sống và bị giết hại trong 26 năm qua. “Chúng ta đang nuôi dưỡng những kẻ ngược đãi phụ nữ còn tệ hơn cả động vật", bà nói.

Trung bình mỗi ngày, trung tâm này nhận được ít nhất 6 sáu trường hợp bạo lực tình dục và 10 -15 trường hợp bạo lực gia đình. “Trong trường hợp bạo lực tình dục đối với trẻ vị thành niên, tôi đánh giá rằng cứ 10 trường hợp thì chỉ có 3 vụ được báo cáo. Và tôi không tính đến các xác chết mà chúng tôi tiếp nhận”, Syed Tariq nói thêm.

Sobia Batool Shah đang hồi phục tại bệnh viện sau khi bị một đám người họ hàng nam giới, bao gồm cả cha cô, chặt chân. Ảnh: Tài liệu phát tay
Sobia Batool Shah đang hồi phục tại bệnh viện sau khi bị một đám người họ hàng nam giới, bao gồm cả cha cô, chặt chân

Bất bình đẳng giới là vấn đề toàn cầu, nhưng các chỉ số của Pakistan phản ánh tỉ lệ chênh lệch và bạo lực đặc biệt đáng báo động mà phụ nữ ở nước này phải đối mặt. Theo báo cáo Khoảng cách giới toàn cầu của Diễn đàn Kinh tế Thế giới năm 2024, Pakistan được xếp hạng thứ 2 từ dưới lên trong số 146 quốc gia, chỉ sau Sudan về bình đẳng giới. Nước này xếp hạng 164 trong số 193 quốc gia về chỉ số bất bình đẳng giới của Liên hiệp quốc năm 2023-24.

Abdullah Lakhair, Phó cảnh sát trưởng ở Naushahro Feroze, cho biết cha của nạn nhân đã thừa nhận vụ tấn công và nói với cảnh sát rằng con gái ông đã "làm mất danh dự" gia đình khi đệ đơn ly hôn.

Sobia Batool Shah từng đã yêu cầu chính quyền bảo vệ mình sau khi cha cô đe dọa sẽ giết cô trước đó. "Đầu tháng trước, thẩm phán quận đã giới thiệu cô đến một nơi trú ẩn dành cho phụ nữ. Nhưng cô ấy chỉ ở lại trung tâm 2 tuần thì sau đó quyết định quay về với mẹ cô, vừa về nhà thì sự việc xảy ra ngay sau đó", Lakhair nói.

Shah nói rằng cha cô đã bỏ mẹ cô và cắt đứt mọi quan hệ với mẹ con cô. "Nếu không có ông ngoại và cậu tôi, chúng tôi đã không có mái nhà che đầu trong suốt những năm qua. Làm sao ông ấy dám nói rằng danh dự của ông ấy bị hoen ố vì cuộc ly hôn của tôi", cô nói.

Cảnh sát Lakhair cho biết cha của Shah đang chờ tuyên án và có thể phải đối mặt với mức án lên tới 14 năm tù.

Vụ việc đã gây ra phản ứng giận dữ từ công chúng và các tổ chức xã hội dân sự ở Pakistan. Anis Haroon, một nhà hoạt động vì quyền phụ nữ và cựu Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về Địa vị Phụ nữ, đã đến thăm Shah tại bệnh viện. Bà e rằng vụ việc có thể bị quên lãng và phụ nữ tiếp tục bị bạo hành. "Giống như rất nhiều vụ việc đau lòng trong quá khứ, vụ việc này sẽ sớm bị lãng quên", bà nói.

Mặc dù người cha tàn ác đang ở trong tù chờ tuyên án, nhưng Shah vẫn được cảnh sát bảo vệ 24/7 tại bệnh viện và luôn sống trong lo sợ. “Cha tôi đã bị bắt nhưng chú tôi đã được tại ngoại. Tôi rất sợ”, cô nói.

Theo phụ nữ TPHCM