Phụ nữ Ấn Độ ít có cơ hội trở lại công việc sau đại dịch COVID-19 hơn nam giới
Cập nhật lúc 10:03, Thứ ba, 02/03/2021 (GMT+7)
Một nghiên cứu mới đây đã chỉ ra rằng trong giai đoạn giãn cách xã hội do tác động của đại dịch COVID-19 nữ giới ở Ấn Độ có khả năng bị mất việc làm cao hơn nam giới gấp 7 lần nhưng cơ hội tìm lại việc làm sau đó của họ lại thấp hơn nam giới đến 11 lần.
Cơ hội tìm việc làm sau đại dịch COVID-19 của phụ nữ Ấn Độ thấp hơn nam giới đến 11 lần
Nghiên cứu “Tác động của đại dịch COVID-19 đối với các giới tính khác nhau ở thị trường lao động Ấn Độ”, do các nhà nghiên cứu và giáo sư của Đại học Azim Premji, gồm Rosa Abraham, Amit Basole và Surbhi Kesar, thực hiện. Họ đã sử dụng các nguồn dữ liệu từ cuộc Khảo sát Đời sống của các hộ gia đình ở Ấn Độ do Trung tâm Theo dõi kinh tế Ấn Độ thực hiện để xây dựng các kịch bản về tình hình việc làm do tác động của dịch COVID-19, liên quan đến nhiều nhóm cá nhân khác nhau trong 3 giai đoạn: trước phong tỏa (từ tháng 12/2019 đến tháng 1/2020), phong tỏa (tháng 4-5/2020) và sau phong tỏa (tháng 8-9/2020).
Theo nghiên cứu này, việc dỡ bỏ các hạn chế phong tỏa đã đem đến cơ hội để người lao động quay trở lại làm việc, nhưng cơ hội này không như nhau đối với nam giới và nữ giới. Cụ thể, trước đại dịch COVID-19, khoảng 70% nam giới Ấn Độ trong độ tuổi lao động có việc làm. Trong giai đoạn sau phong tỏa, 88% lực lượng này vẫn có thể quay lại công việc. Trong khi đó, trong số 10% phụ nữ Ấn Độ ở độ tuổi lao động có việc làm trước khi xảy ra đại dịch thì chỉ có 53% được sử dụng trở lại trong cùng giai đoạn tháng 8-9/2020.
Điều đó có nghĩa là khoảng một nửa lao động nữ Ấn Độ trước đại dịch đã mất việc làm trong thời gian nước này bị phong tỏa và không thể quay lại công việc cũ hay tìm việc làm mới. Nghiên cứu cũng cho biết, trong số những người lao động không làm lại được các công việc cũ sau phong tỏa có một tỷ lệ lớn nam giới chuyển sang làm việc tự do (tự làm chủ) hoặc làm lao động công nhật trong các lĩnh vực nông nghiệp, thương mại hay xây dựng. Nhưng nữ giới lại có rất ít cơ hội để dịch chuyển công việc theo hướng này.
“Điều này cho thấy khả năng chọn lựa một công việc thay thế công việc cũ của phụ nữ là rất thấp. Khi khủng hoảng xảy ra, phụ nữ buộc phải rời khỏi lực lượng lao động trong khi nam giới vẫn còn có thể thu xếp tìm việc làm mới ở đâu đó”, các tác giả kết luận.
Phụ nữ Ấn Độ chịu ảnh hưởng nặng nề hơn so với nam giới
Nghiên cứu cũng cho biết những người làm việc lãnh lương hàng ngày và lao động trẻ là thành phần dễ bị mất việc làm nhất do ảnh hưởng của đại dịch. Điều đáng ngạc nhiên là trình độ giáo dục vốn là “lá chắn” bảo vệ nam giới rất tốt đối với tình trạng thất nghiệp thì yếu tố này lại làm cho nữ giới khó tìm việc hơn khi khủng hoảng xảy ra. Các nhà nghiên cứu lý giải rằng có thể là vì nam giới học cao thường có những công việc ổn định hơn.
Tình trạng hôn nhân cũng có những ảnh hưởng trái chiều nhau đối lao động nam và nữ. Khi đại dịch COVID-19 xảy ra, phụ nữ có gia đình ít có hội quay lại làm việc như nửa kia của họ, nhất là đối với những hộ gia đình có nhiều nhân khẩu. “Điều này có thể là do người phụ nữ luôn phải đảm nhiệm nhiều trách nhiệm chăm sóc gia đình hơn”, nghiên cứu nhận định.
Tự làm chủ cũng là một lối ra sáng sủa hơn mặc dù công việc có thể bấp bênh hơn so với việc làm công nhận lương. Nhưng ở chọn lựa này, tỷ lệ phụ nữ tìm có thể làm việc tự do sau đại dịch cũng thấp hơn nam giới. Cụ thể, 37% nam giới có việc làm nhận lương ổn định trước tháng 1/2020 có thể chuyển sang hình thức làm việc tự do trong giai đoạn tháng 8-9/2020, nhưng tỷ lệ này ở nữ giới chỉ là 2%.
“Trong tình nhu cầu lao động nói chung sụt giảm mạnh, các chuẩn mực, quan niệm về giới rõ ràng đã làm cho nam giới dễ nắm bắt các cơ hội việc làm hơn nữ giới. Điều này khiến cho phụ nữ khó có khả năng quay lại thị trường lao động sau đại dịch COVID-19 hơn”, các nhà nghiên cứu giải thích.
Theo phunuonline