leftcenterrightdel
 Hawra Al Jufairi, nữ thuyền trưởng thương mại đầu tiên của Bahrain

Động lực cho nhiều phụ nữ Bahrain theo đuổi ước mơ

Là người có tình yêu mãnh liệt với biển cả, khao khát chinh phục các con sóng, Hawar đã vượt qua các rào cản của định kiến xã hội để theo đuổi đam mê. Được làm thuyền trưởng và điều khiển con thuyền của chính mình là ước mơ của cô. 

Hawar chia sẻ: "Ban đầu mẹ tôi rất sợ, mẹ khuyên tôi không nên theo đuổi nghề lái tàu biển vì nó rất nguy hiểm. Thấy tôi vẫn quyết tâm, mẹ đã ủng hộ và tin rằng tôi sẽ làm được. Bố tôi lúc đầu cũng không đồng ý nhưng rồi bố đã thay đổi khi biết tôi thích, ông khuyên tôi hãy làm điều mình muốn. Gia đình là chỗ dựa lớn nhất, đặc biệt là mẹ và chị gái rất tự hào về tôi".

Để có thể sống cùng đam mê, Hawra luôn kiên trì, nỗ lực trau dồi kiến thức, tham gia các khóa đào tạo để trở thành thủy thủ chuyên nghiệp. Hai năm trước, Hawra trở thành người Bahrain đầu tiên có giấy phép lái thuyền thương mại. 

Tháng 4/2021, cô nhận được chứng chỉ từ Vụ Hàng hải, Bộ Giao thông Vận tải và Viễn thông Bahrain sau khi hoàn thành xuất sắc khóa đào tạo Cấp 1 của Hiệp hội Du thuyền Hoàng gia Vương quốc Anh tại Delma Marine ở Hidd. Hawra cho biết: "Toàn bộ trải nghiệm và thành công đã thúc đẩy tôi tiếp tục sự nghiệp của mình bằng cách thi lấy Giấy phép thương mại Cấp độ 2".

leftcenterrightdel
Chiếc tàu mà Hawra Al Jufairi thường chỉ huy 

 

Hawra cho biết, việc trở thành người phụ nữ Bahrain đầu tiên trong lĩnh vực hàng hải đặt ra một số thách thức, bao gồm cả những kỳ vọng của xã hội về khả năng lãnh đạo và quản lý của phụ nữ. Với tư cách là thuyền trưởng, công việc của cô là giám sát hoạt động điều hành, điều hướng, an toàn và phục vụ hành khách.

Ông Yousif al Madaa, Tổng Giám đốc Công ty du lịch Southern (Bahrain), nhận xét: "Hawra từng làm việc trong một công ty nhỏ hơn nhưng chúng tôi nhận thấy cô ấy có năng lực cũng như có tiềm năng để trở thành thuyền trưởng giỏi trong tương lai. Vì vậy, chúng tôi đã tuyển dụng cô ấy và lập một nhóm để đào tạo, hỗ trợ cô ấy có được trình độ chuyên môn và những chứng chỉ cần thiết.

 Trong vòng 3 tháng, chúng tôi đã thành công trong việc đưa cô ấy trở thành nữ thuyền trưởng đầu tiên ở Bahrain. Ngay sau khi Hawra trở thành thuyền trưởng, chúng tôi đã nhận được nhiều đơn đăng ký của phụ nữ. Một số muốn trở thành thuyền trưởng như cô ấy, số khác thì muốn trở thành thủy thủ hoặc trợ lý thuyền trưởng".

Trong một lĩnh vực truyền thống do nam giới thống trị, thành công của Hawra cho thấy tiềm năng to lớn đối với các nữ thủy thủ. Câu chuyện của Hawra đã truyền cảm hứng và khơi nguồn cho các cô gái ở các nước Arab có thể tự tin làm bất cứ ngành gì. 

leftcenterrightdel
Phụ nữ Bahrain 

Hawra nói: "Thật vinh dự khi được trở thành hình mẫu cho phụ nữ Bahrain, những người đang làm việc chăm chỉ và theo đuổi ước mơ của mình, đồng thời mở đường cho những người khác tiếp bước tôi".

Bước tiến về bình đẳng giới ở Bahrain

Hiện Hawra ở Salmabad cùng cha mẹ và các anh chị em của mình. Cô tin vào tương lai tươi sáng của phụ nữ trong lĩnh vực hàng hải ở Bahrain. "Phụ nữ đang phục vụ trong Quốc hội và các vị trí lãnh đạo. Luật pháp đang được cải cách để thúc đẩy bình đẳng giới. Tôi tin tưởng rằng, những phụ nữ trẻ đang mang lại kiến thức mới cho ngành hàng hải. Thành công sẽ dẫn đến thành công và chúng ta sẽ thấy nhiều phụ nữ hơn trong lĩnh vực hàng hải", Hawra nhận định.

Phụ nữ Bahrain từ lâu đã được hưởng các quyền dân sự và chính trị. Trong những năm 1960, phụ nữ có việc làm trong các lĩnh vực đô thị, ngân hàng và y tế. Trong những năm 1970, họ đã tham gia các lĩnh vực ngoại giao, cảnh sát, quân sự và thể thao. Thúc đẩy quyền của phụ nữ đã trở thành một trụ cột chính của các sáng kiến quốc gia ở Bahrain. 

Năm 2001, Vua Hamad bin Isa Al Khalifa đã khởi xướng một dự án cải cách nhằm củng cố quyền con người và cơ hội bình đẳng cho mọi công dân mà không có sự phân biệt đối xử dựa trên giới tính, tôn giáo, nguồn gốc. 

Ngoài ra, phụ nữ còn tham gia soạn thảo Hiến chương Hành động Quốc gia, một tài liệu do Nhà vua đưa ra năm 2001 cho quy tắc hiến định. Họ thực hiện quyền bầu cử và ứng cử lần đầu tiên trong cuộc bầu cử Quốc hội được tổ chức vào năm 2002.

Một điểm đáng chú ý trong dự án cải cách của Nhà vua là việc thành lập Hội đồng Phụ nữ Tối cao (SCW), đứng đầu là Đệ nhất phu nhân Bahrain, Công nương Sabeeka bint Ebrahim Al Khalifa. 

Hội đồng cam kết hỗ trợ tất cả các tổ chức và thực thể nhà nước trong việc thực hiện Kế hoạch quốc gia vì sự tiến bộ của phụ nữ Bahrain, phù hợp với Tầm nhìn kinh tế Bahrain 2030 và tập trung vào tính bền vững về sự tiến bộ của phụ nữ Bahrain.

Phụ nữ Bahrain cũng đóng một vai trò nổi bật trong sự phát triển kinh tế và là một phần không thể tách rời trong Tầm nhìn kinh tế 2030. Khoảng 43% doanh nghiệp thuộc sở hữu của phụ nữ, 17% ghế hội đồng quản trị trong các công ty tư nhân do phụ nữ nắm giữ. Phụ nữ chiếm 35% tổng lực lượng lao động trong khu vực tư nhân cũng như nắm giữ 35% các vị trí quản lý.

Bahrain vừa thông qua Kế hoạch thị trường lao động quốc gia giai đoạn 2023-2026 nhằm thu hút đầu tư vào Bahrain, cung cấp cơ cấu làm việc từ xa và bán thời gian. Bộ Lao động nước này sẽ làm việc để phát triển các chương trình giúp phụ nữ hòa nhập hơn nữa vào thị trường lao động và tạo ra nhiều lựa chọn tuyển dụng hơn cho họ.

Phụ nữ Bahrain cũng có đại diện trong các tổ chức quốc tế như Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO), Nhóm Doanh nghiệp Tây Á nhiệm kỳ 3 năm (2021-2024). Điều này phản ánh vị thế của phụ nữ Bahrain trên trường quốc tế và năng lực của phụ nữ khi đảm nhận các vị trí lãnh đạo.

Nhu Thụy/Nguồn: bahrainthisweek.com, arabianbusiness.com