Ngày càng nhiều phụ nữ có xu hướng tận hưởng cuộc sống. Ảnh: GETTY
Phụ nữ không muốn sinh con
Lily, 31 tuổi, đến từ Bắc Kinh cho biết, mặc dù bị thúc ép từ phía gia đình rất nhiều nhưng cô không hề có ý định sinh con. Cô muốn sống "cuộc sống của chính mình" mà không phải mang nỗi lo "thường trực" về vấn đề nuôi con. "Rất ít bạn bè đồng trang lứa của tôi có con. Nếu có thì họ phải tìm được bảo mẫu thật tốt và đăng ký cho con vào những trường "top" của thành phố. Điều này thật sự rất mệt mỏi", Lily chia sẻ.
Kết quả điều tra được công bố vào đầu tháng 5/2021 cho thấy, có khoảng 12 triệu trẻ em sơ sinh được sinh ra vào năm 2020 tại Trung Quốc. Con số này giảm đáng kể so với 16 triệu trẻ ghi nhận vào năm 2016 và là số liệu thấp nhất được ghi nhận kể từ những năm 1960.
Trong khi tình hình dân số Trung Quốc có xu hướng già hóa thì tỷ lệ sinh giảm đang dấy lên mối lo về nhân khẩu học của quốc gia đông dân số nhất thế giới này. Các chuyên gia cho rằng, tình trạng suy giảm dân số sớm hơn dự kiến có thể kéo theo đảo ngược cấu trúc tuổi với số lượng dân số già nhiều hơn dân số trẻ. Nếu điều này xảy ra, số lượng lao động trong tương lai sẽ không đủ để hỗ trợ người cao tuổi và nhu cầu phúc lợi xã hội phải tăng theo.
Ngày càng nhiều phụ nữ không muốn sinh con vì con đường phát triển sự nghiệp. Ảnh: BBC
Định hướng cá nhân thay đối
Ngoài vấn đề chi phí gia tăng là nguyên nhân khiến nhiều người không muốn sinh con, sự thay đổi trong quan điểm thành công của người dân Trung Quốc cũng là nguyên nhân khiến tỷ lệ sinh ngày càng giảm.
"Thành công" đối với nhiều người dân Trung Quốc hiện không phải là "lấy chồng - sinh con" mà nó đã được ngầm chuyển sang những định hướng phát triển bản thân. Nhiều phụ nữ Trung Quốc không muốn sinh con nếu như điều này ảnh hưởng đến quá trình thăng tiến trong công việc của họ.
Mất cân bằng giới tính nghiêm trọng
Phát biểu tại buổi báo cáo của chính phủ, ông Ning Jizhe, người đứng đầu Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc cho biết, tỷ lệ sinh giảm là kết quả tự nhiên của quá trình phát triển kinh tế và xã hội. Khi các quốc gia phát triển hơn, tỷ lệ sinh có xu hướng giảm do giáo dục hoặc các ưu tiên khác chẳng hạn như nghề nghiệp. Ông Ning Jizhe cho biết hiện tượng này đã xảy ra ở các nước láng giềng như Nhật Bản và Hàn Quốc. Những quốc gia phát triển này cũng ghi nhận tỷ lệ sinh giảm xuống mức thấp kỉ lục trong những năm gần đây mặc dù chính phủ đã và đang thực hiện các chính sác khuyến khích các cặp vợ chồng sinh thêm con.
Mặt khác, các chuyên gia cho rằng vấn đề dân số ở Trung Quốc có thể nghiêm trọng hơn vì liên quan đến tình trạng mất cân bằng giới tính. Đặc biệt, đàn ông Trung Quốc đang gặp khó khăn trong việc lấy vợ.
Theo số liệu thống kê ghi nhận được, năm 2020, số lượng nam giới nhiều hơn nữ giới ở quốc gia này ở mức 34,9 triệu người. Thực tế này có thể làm ảnh hưởng xấu đến tình trạng dân số Trung Quốc trong những năm tới.
Nguyên nhân của sự mất cân bằng giới tính được cho là bởi "chính sách một con" nghiêm ngặt và xã hội Trung Quốc "trọng nam khinh nữ". Báo cáo cũng cho thấy, kể từ năm 1980, đã có sự gia tăng trong số lượng trẻ em trai. Do ảnh hưởng từ xã hội, các trường hợp phá thai khi mang thai con gái đã gia tăng nhanh chóng kể từ thời điểm đó.
Biểu đồ cho thấy tỉ lệ sinh của Trung Quốc đang có xu hướng giảm mạnh. Ảnh: BBC
Kích hoạt "tự do sinh sản"
Năm 2016, chính phủ Trung Quốc kết thúc chính sách một con và cho phép các cặp vợ chồng sinh hai con. Tuy nhiên, điều này cũng không thể làm gia tăng tỷ lệ sinh chung của đất nước.
Nhiều ý kiến cho rằng cần kích hoạt ngay chính sách "tự do sinh sản", cho phép các cặp vợ chồng sinh con mà không bị ràng buộc về số lượng con như chính sách hiện hành đang áp dụng. Tuy nhiên, điều này cần được cân nhắc vì liên quan đến tình hình kinh tế và các khoản chi phí khác.
Ngoài ra, nhiều chuyên gia đề xuất ý kiến cần làm giảm khoảng cách giữa người dân thành thị và nông thôn, đặc biệt thu hẹp khoảng cách giữa phụ nữ thành thị và đàn ông nông thôn. Điều này sẽ giúp giải quyết vấn đề kết hôn cho một số lượng lớn đàn ông sống tại các vùng quê.
Mặc dù dường như không có giải pháp chung cho tất cả, Tiến sĩ Jiang Quanbao từ Đại hcoj Xi'an Jiaotong (Trung Quốc) cho biết, đất nước vẫn có thể thay đổi. Tuy nhiên, cần hỗ trợ để phát triển các nguồn lực hỗ trợ gia đình trong việc chăm sóc và giáo dục trẻ em. Điều này sẽ giúp làm giảm áp lực về mặt tinh thần và thúc đẩy xu hướng tăng trở lại của tỷ lệ sinh.
Phương Thanh (Theo BBC)