leftcenterrightdel
 Thành viên Taliban trước bức tranh tường vẽ hình ảnh người phụ nữ sau hàng rào thép gai ở Kabul, Afghanistan. Ảnh: Felipe Dana/ AP

Khi cha mẹ qua đời, Zari mới 7 tuổi, cô buộc phải chuyển đến sống với chú. Sau khi chú mất, Zari sống với hai người vợ của chú, họ đánh đập cô, bắt cô phải dệt thảm trong nhiều giờ. Trong những năm tháng tuổi thành niên, Zari đã cố gắng tự tử.

Zari, hiện 28 tuổi, đã chuyển đến nơi trú ẩn dành cho phụ nữ bị lạm dụng. Trong tám năm qua, cô đã giữ vững niềm tin rằng mọi thứ sẽ tốt hơn. Cô kết bạn, học may quần áo, và dạy mọi người may đồ. Nhưng với việc Taliban hiện đang kiểm soát Afghanistan, cô có nguy cơ mất tất cả một lần nữa.

Tương lai vô định của những phụ nữ ở nơi trú ẩn

Ngay sau khi Taliban lên nắm quyền vào giữa tháng 8, những nơi trú ẩn nhỏ đã trả cư dân về nhà. Zari và bốn người phụ nữ khác không có gia đình là những người duy nhất còn ở lại.

Nơi Zari ở là một trong gần 30 khu trú ẩn ở Afghanistan. Được thành lập trong hơn 20 năm qua, những nơi này hoạt động nhằm thúc đẩy quyền của phụ nữ Afghanistan. Hầu hết các trường hợp phụ nữ chỉ sống trong vòng vài tháng, nhưng một số người đã dành nhiều năm ở đây, học các kỹ năng mới để có thể tái hòa nhập xã hội.

Trong sáu tuần qua, huyết mạch quan trọng này đã biến mất. Hầu hết các nơi trú ẩn đã đóng cửa theo yêu cầu của Taliban, điều đó có nghĩa là phụ nữ có thể đã được đưa về nhà sống với những kẻ lạm dụng họ, chuyển đến các địa điểm bí mật hay nhà tù. Đối với những nơi trú ẩn vẫn còn mở cửa như khu của Zari, không biết chắc chắn điều gì sẽ đến trong tương lai.

leftcenterrightdel
Một người mẹ và các con trong nhà tù Pul-e-Charkhi ở Kabul tuần trước. Ảnh: Felipe Dana/ AP 

Số phận của những nơi trú ẩn tượng trưng cho cuộc đấu tranh vì bình đẳng giới và khả năng giải quyết bạo lực đối với phụ nữ ở Afghanistan dưới thời Taliban kiểm soát. Nhóm Hồi giáo đã đóng cửa bộ phụ nữ, thành lập chính phủ toàn nam giới và cấm nữ sinh học trung học. Theo Tổ chức Theo dõi Nhân quyền, Taliban đã tìm kiếm những phụ nữ có địa vị cao, bắt buộc phụ nữ phải ăn mặc theo quy định và từ chối quyền tự do đi lại bên ngoài của phụ nữ kể từ khi nắm quyền.

Mahbooba Seraj, 73 tuổi, một nhà hoạt động vì quyền phụ nữ và là người quản lý một nơi trú ẩn cho 30 phụ nữ ở Kabul, cho biết Taliban vẫn đang tìm hiểu xem phải làm gì đối với những phụ nữ ở đây. "Họ sợ rằng phụ nữ ở nơi trú ẩn sẽ rời đi, ra đường và tham gia hoạt động mại dâm. Họ không muốn điều đó".

Hai tuần trước, 15 cảnh sát Taliban, bao gồm cả cảnh sát mật đã đến nơi trú ẩn của Seraj trong nhiều ngày, ghi nhận tên của cư dân và rình mò xung quanh. Seraj đã nói những người phụ nữ mạng khăn che mặt nên Taliban không thể xác định được danh tính. Giờ đây, Seraj đang rất muốn biết Taliban lên kế hoạch gì cho những phụ nữ bị lạm dụng sống ở nơi trú ẩn.

Bảo vệ phụ nữ ở Afghanistan

Ngay cả trước khi Taliban lên nắm quyền, Afghanistan thường xuyên đứng đầu danh sách các quốc gia có chế độ bảo vệ phụ nữ kém nhất. "Những vấn đề của phụ nữ Afghanistan cũng giống như trước khi Taliban lên nắm quyền. Phụ nữ vẫn bị bạo hành, vẫn bị gia đình ngược đãi và vẫn là những người nghiện ma túy", Seraj nhà hoạt động vì quyền phụ nữ cho biết.

Theo đó, bất chấp đạo luật mang tính bước ngoặt năm 2009 về xóa bỏ bạo lực đối với phụ nữ, vẫn có hơn một nửa phụ nữ Afghanistan bị lạm dụng thể chất. Chưa kể đến, trong số những người đã kết hôn, 59% bị cưỡng bức trong các công đoàn, theo các nghiên cứu của chính phủ.

Kevin Schumacher, phó giám đốc điều hành của "Women for Afghanistan Women", một tổ chức phi lợi nhuận có trụ sở tại Washington cho biết, 20 năm qua đã chứng minh các dịch vụ bảo vệ vô giá đối với xã hội Afghanistan như thế nào. Schumacher băn khoăn, nếu xảy ra vi phạm nghiêm trọng về nhân quyền và nạn nhân là một phụ nữ, cô ấy sẽ đi đâu? Bà nói rằng nếu Taliban muốn điều hành một quốc gia, họ cần có câu trả lời cho những nhu cầu xã hội rất thực tế này.

leftcenterrightdel
Kể từ khi Taliban tiếp quản, hình ảnh phụ nữ trên các cơ sở thẩm mỹ bị xóa bỏ hoặc che lại. Ảnh: Bernat Armangué/ AP 

Khi Taliban tiếp quản đất nước, một nơi trú ẩn từng là nơi ở của 80 phụ nữ tại Kabul đóng cửa, vì vậy đầu bếp ở đây bị mất thu nhập, không thể chu cấp cho gia đình. "Mẹ tôi và tôi là trụ cột gia đình, nhưng giờ cả hai chúng tôi đều ở nhà, không biết mình sẽ sống tiếp như thế nào", người phụ nữ 30 tuổi giấu tên nói.

Kể từ năm ngoái, cô nấu ăn hai lần một ngày ở nơi trú ẩn với tiền lương 190 bảng Anh (hơn 5,8 triệu đồng) một tháng và sống độc lập với người chồng bạo hành nghiện ma túy. Mẹ của cô, người nấu ăn tại một nơi trú ẩn khác cũng mất việc. "Giờ tôi bị nhốt trong nhà, đau khổ cả về tinh thần và tài chính", cô nói.

Ngoài ra, người phụ nữ cũng lo lắng cho hai cô con gái của mình, những bé gái chuẩn bị học cấp hai vào năm sau. "Là một phụ nữ Afghanistan mù chữ, tôi đã làm việc để giúp hai con gái của mình đi học nhưng giờ chúng thậm chí không được học hành", người mẹ nói.

Kim Ngọc (Nguồn: The Guardian)