leftcenterrightdel
 Ảnh minh họa

Ấn Độ có các nhà khoa học nữ nổi tiếng trong nước và toàn cầu như Soumya Swaminathan, Tessy Thomas, hay Gagandeep Kang, những người đã phá vỡ rào cản vô hình trong lĩnh vực Khoa học, Công nghệ, Kỹ thuật và Toán học (STEM) ở phụ nữ. Tuy nhiên, hàng triệu phụ nữ và các cô gái Ấn Độ tài năng và đầy khát vọng vẫn chưa có cơ hội đánh thức tiềm năng của họ.

Phụ nữ hiện chỉ chiếm 26% lực lượng lao động trong lĩnh vực STEM của Ấn Độ. Trong khi tỷ lệ các nhà nghiên cứu nữ ở quốc gia Nam Á này cũng thuộc hàng thấp nhất thế giới, chỉ 13,9%. Phụ nữ chiếm 9% nghiên cứu sinh trong 3 học viện khoa học ở Ấn Độ và ít hơn 5% giữ vị trí chủ nhiệm các khoa học thuật.

Cơ hội cố vấn và thăng tiến nghề nghiệp thường không nhiều với phụ nữ hoạt động trong lĩnh vực STEM. Các nhà khoa học nữ thường bị phân biệt đối xử trong việc tuyển dụng, thăng chức, tài trợ nghiên cứu và giữ vị trí cấp thấp. Nhiều người thường phải làm việc trong môi trường thù địch, nơi các hành vi quấy rối tình dục bị phớt lờ. Chưa kể phụ nữ còn phải gánh sức nặng đến từ công việc và gia đình, trong khi kết hôn và mang thai thường khiến họ mất cơ hội thăng tiến trong sự nghiệp.

Đối với 70% phụ nữ Ấn Độ đến từ các gia đình có thu nhập thấp, giáo dục và cơ hội việc làm trong các ngành STEM hầu như không tồn tại. Trẻ em gái ít có cơ hội hoàn thành chương trình trung học và có bằng đại học, do đó ít có khả năng lấy được các chứng chỉ cần thiết cho STEM.

Để khuyến khích phụ nữ tham gia STEM, Ấn Độ cần đầu tư vào giáo dục cho trẻ em gái và phụ nữ thuộc mọi bối cảnh, hỗ trợ giai đoạn chuyển tiếp từ học tập sang làm việc và thăng tiến sự nghiệp, đồng thời mở rộng các mô hình cố vấn, tài trợ cho trẻ em gái từ các gia đình có thu nhập thấp theo đuổi STEM.

Chính phủ Ấn Độ và các cơ quan, tổ chức cần phối hợp triển khai những cách giáo dục và việc làm thu hút phụ nữ tham gia STEM, chứng minh cho các gia đình thấy giá trị của phụ nữ khi tham gia lực lượng lao động và các lĩnh vực khoa học. Cần xây dựng các chiến dịch truyền thông xã hội hướng đến việc công nhận phụ nữ là những người đóng góp chính cho nền kinh tế quốc gia.

Nguyễn Kim (Nguồn: The Print)