7h30' sáng 7/2, bác sĩ Thân Mạnh Hùng, phó khoa Cấp cứu, Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương cơ sở Đông Anh, Hà Nội, mặc quần áo phòng hộ vào khám cho bốn bệnh nhân dương tính với virus corona. Sức khoẻ họ ổn định, đa số đã dứt sốt.
Khoa Cấp cứu có 5 bác sĩ, cùng một số y tá đã bị "cấm trại" suốt tám ngày qua để theo dõi, điều trị bốn bệnh nhân đồng thời sẵn sàng ứng phó trước những diễn biến mới của dịch.
|
Bác sĩ Thân Mạnh Hùng. Ảnh:Phan Dương. |
Từ tối 30/1, khi có kết quả hai bệnh nhân Vĩnh Phúc dương tính với nCoV, anh Hùng chỉ kịp về nhà xách vali đã được vợ chuẩn bị, hôn má hai con khi chúng đã ngủ, rồi vào viện. Vợ anh làm cùng ngành y nên không lạ lẫm với việc này nhưng mẹ anh thì lo. "Bà khóc tu tu, không muốn cho đi. Tôi nói: 'Ai cũng chọn việc nhẹ nhàng, gian khổ để dành phần ai", bác sĩ Hùng kể. Ngày nào anh cũng phải gọi cho mẹ một hai lần để bà yên tâm.
Ngồi nói chuyện nhưng chốc chốc bác sĩ Hùng vòng tay ra sau lưng, đấm nhẹ. Tám đêm nằm trên ghế lạnh và cứng của bệnh viện, không quen nên lưng đau ê ẩm. Hôm qua, anh buộc phải mua một tuýp thuốc giảm đau.
"Tôi từng tham gia chống dịch H1N1 năm 2009, chiến đấu với dịch MERS-CoV năm 2012, cùng các dịch cúm, sởi, sốt xuất huyết... Hồi chống dịch H1N1, tôi từng rất lo vì chưa biết khả năng lây lan, độc lực của chủng virus mới này thế nào. Đến khi có kiến thức về bệnh rồi thì yên tâm", bác sĩ Hùng nói và cho biết, ngay khi Trung Quốc báo trường hợp nhiễm nCoV đầu tiên, anh và các đồng nghiệp đã lao vào tìm hiểu cơ chế bệnh sinh của nó.
"Lúc Việt Nam chưa có trường hợp nào mắc, chúng tôi đã biên soạn tài liệu, phổ biến về bệnh, xây dựng kịch bản ứng phó", anh Hùng kể.
Trong căn phòng nhỏ ở khoa, bác sĩ treo mấy chiếc áo len bên ngoài cánh tủ, tận dụng chút gió điều hoà cho khô. Dưới gầm bàn làm việc là chiếc vali chứa tất cả quần áo cho những ngày chống dịch, chưa biết kéo dài tới bao giờ.
|
Bữa trưa 7/2, các y bác sĩ có thêmbánh tro, domột người dân mang tới tặng. Ảnh:Phan Dương. |
Khoảng một tuần nay, Khoa Nội Tổng hợp đón thêm 15 bệnh nhân mới mỗi ngày. Tại khoa luôn có khoảng 30 bệnh nhân nghi nhiễm virus corona. Do tính chất lây truyền của virus và tiết kiệm trang phục phòng hộ nên khoa luôn cố gắng hạn chế tối đa y bác sĩ phải tiếp xúc với người bệnh.
"Mỗi ca có một bác sĩ, hai y tá lo cho khoảng 30 bệnh nhân, nên khối lượng công việc rất nhiều. Đặc biệt, do tính chất lây lan nên bệnh nhân phải cách ly hoàn toàn. Chúng tôi không chỉ phải thăm khám sức khoẻ, còn phải lo cả hậu cần cho họ", bác sĩ Trần Thị Hải Ninh, trưởng khoa Nội tổng hợp, chia sẻ.
Những y bác sĩ hay đùa đang phải làm "nhân viên khách sạn" vì phải lo từ từng bữa ăn, vệ sinh, bàn chải đánh răng cho người bệnh. Có những bệnh nhân thèm đồ ăn vặt, các y tá phải nhờ người lặn lội đi mua rồi mang vào cho họ.
Chiều 7/2, bác sĩ Ninh đi khảo sát một địa điểm trong khoa để lắp một đường mạng Internet mới. Khu vực cách ly trước đây là phòng dành cho nhân viên y tế. Khi dịch bùng phát, bệnh nhân được đưa vào đó nên phải trang bị wifi để họ có thể cập nhật thông tin và giải trí, giảm buồn chán. "Bệnh viện cố gắng tạo mọi điều kiện tốt nhất để hạn chế bệnh nhân trốn về", chị Ninh cho biết.
Bác sĩ Ninh trực ở viện liên tục từ tối 30/1. Chồng chị làm tại Viện vệ sinh dịch tễ, cũng quay cuồng chống dịch. Hai con nhỏ phải nhờ ông bà chăm. Những cuộc điện thoại ngắn ngủi gọi về, chị chỉ kịp dặn con không được nghịch và hạn chế ra ngoài.
"Ban ngày bận tới nỗi, hai đứa nhỏ mà gọi là tôi dập máy, chỉ dám nghe điện thoại của ông bà vì sợ chẳng may có việc gì. Tới 9h tối mới gọi cho hai đứa trước lúc chúng ngủ", chị Ninh chia sẻ.
|
Bác sĩ Ninh cùng nhân viên kỹ thuật của bệnh viện khảo sát lắp đường mạng Internet mới phục vụ bệnh nhân bị cách ly.Ảnh:P.Dương. |
Bệnh viện có bốn khoa tiếp xúc với với bệnh nhân liên quan virus corona, là Khám bệnh, Cấp Cứu, Virus - Kí sinh trùng và khoa Nội. Luôn có hơn 60 y bác sĩ túc trực ở viện. Quy trình cách ly tại viện nghiêm ngặt và chính bản thân các y bác sĩ cũng luôn ý thức bảo vệ mình. Tuy nhiên, không ít người trong số họ bị kỳ thị.
Một điều dưỡng tại khoa Virus - Kí sinh trùng bị chủ nhà trọ doạ đuổi. Thạc sĩ Phạm Thị Nguyệt Quyên, phụ trách Phòng Công tác xã hội kể: "Chủ nhà rải vôi khắp nơi sợ lây nhiễm bệnh. Chồng cô ấy phải giải thích vợ đã cách ly và tuyệt đối không về nhà nữa thì mới được yên".
Một nam điều dưỡng của khoa Cấp cứu bị trạm y tế xã phát tán thông tin có tiếp xúc với người dương tính với virus coroa khiến anh cũng bị chủ trọ đòi đuổi khỏi nhà. Bác sĩ Thân Mạnh Hùng phải gọi đến trạm y tế can thiệp. Những ngày qua, nhiều y bác sĩ chuyển vào bệnh viện sống dù không thuộc diện được huy động cách ly. Nguyên nhân cũng vì "không được chào đón ở nơi trọ".
"Tôi gọi điện cho trạm trưởng y tế phường và nói: 'Em là người làm chuyên môn, có kiến thức phòng dịch. Nếu có gì cần trao đổi thì gọi chứ đừng làm gì xáo trộn cuộc sống gia đình em'. Thú thật tôi rất sợ khi vợ con ở nhà bị kỳ thị", bác sĩ Hùng bộc bạch.
Sáng 7/2, đọc tin bác sĩ Lý Văn Lượng, một trong những người đầu tiên cảnh báo về dịch nCoV ở Vũ Hán, qua đời sau gần một tháng lây nhiễm từ bệnh nhân, anh Hùng, cũng như nhiều bác sĩ hiểu tình cảnh bác sĩ Lý đã phải trải qua.
Theo vnexpress