Nền kinh tế Nhật Bản trở thành tâm điểm chú ý trong năm nay khi lạm phát trở lại lần đầu tiên sau nhiều thập kỷ, người lao động được tăng lương và Ngân hàng Nhật Bản tăng lãi suất lần đầu tiên sau 17 năm. Tuy nhiên, một xu hướng quan trọng khác trong nền kinh tế Nhật Bản là sự gia tăng ổn định tỷ lệ việc làm ở phụ nữ.
Phụ nữ Nhật trong độ tuổi lao động đã tham gia thị trường lao động nhiều năm, và xu hướng này tiếp tục diễn ra mạnh mẽ trong những tháng gần đây khi thị trường lao động thắt chặt buộc các công ty phải tìm kiếm nhân viên mới.
Điều mà Nhật Bản đã làm tốt trong thập kỷ gần đây là cung cấp cơ sở hạ tầng phục vụ việc chăm sóc đối với các bậc cha mẹ đang đi làm.
Nobuko Kobayashi, đối tác của EY-Parthenon ở Nhật Bản
|
Số lượng phụ nữ tham gia lực lượng lao động gia tăng là nhờ vào các nỗ lực và kế hoạch. Kể từ khoảng năm 2013, chính phủ Nhật Bản đã thực hiện chính sách công và văn hóa doanh nghiệp thân thiện hơn với phụ nữ trong lực lượng lao động. Mục tiêu là thu hút nguồn nhân tài mới vào thời điểm nền kinh tế lớn thứ tư thế giới phải đối mặt với thị trường lao động già cỗi và thu hẹp.
Adam Posen, chủ tịch Viện Kinh tế Quốc tế Peterson, thừa nhận rằng ngay cả các chuyên gia tham gia thiết kế các chính sách "nền kinh tế phụ nữ" của Nhật Bản nhằm thúc đẩy sự tham gia của lực lượng lao động nữ cũng đã đánh giá thấp tác động của những sáng kiến này và việc thay đổi các chuẩn mực xã hội. Posen đã dự đoán rằng khoảng 800.000 phụ nữ có thể tham gia thị trường lao động nhờ những chính sách của chính phủ, nhưng con số thực tế xấp xỉ 3 triệu (mặc dù nhiều người trong số họ làm việc bán thời gian).
Sự gia tăng đáng kinh ngạc về tỷ lệ tham gia lực lượng lao động nữ ở Nhật Bản là bài học đáng chú ý cho các nhà kinh tế trên thế giới. Họ thường dựa vào xu hướng lịch sử để dự đoán mức độ mở rộng lực lượng lao động của một quốc gia, giả định rằng có một số người có thể sẽ ở nhà để làm công việc chăm sóc hoặc vì những lý do khác.
Tuy nhiên trong thập kỷ qua, Nhật Bản đã thách thức những điều này, với những thay đổi về chuẩn mực xã hội, tỷ lệ kết hôn và tỷ lệ sinh dẫn đến số lượng phụ nữ tham gia lực lượng lao động cao hơn. Điều này cho thấy phụ nữ có thể trở thành lực lượng lao động tiềm năng lớn hơn những gì các nhà kinh tế thường dự đoán.
|
|
Thay đổi về chuẩn mực xã hội, tỷ lệ kết hôn và tỷ lệ sinh dẫn đến số lượng phụ nữ tham gia lực lượng lao động cao hơn. |
Rõ ràng phụ nữ ở Nhật Bản muốn làm việc. Nó đặt ra câu hỏi về kỳ vọng hợp lý với sự tham gia lực lượng lao động của phụ nữ là gì.
Adam Posen
|
Có thể liên hệ điều này đến Mỹ. Cục Dự trữ Liên bang Mỹ phải đối mặt với một câu hỏi quan trọng về tiềm năng mở rộng hơn nữa thị trường lao động vào năm 2024. Trong năm qua, lạm phát ở Mỹ giảm và áp lực tăng lương ở mức ổn định ngay cả khi tuyển dụng tăng mạnh và nền kinh tế mở rộng nhanh chóng. Kết quả tích cực này là do đất nước mở rộng lực lượng lao động, được thúc đẩy bởi việc tăng nhập cư và sự tham gia của lực lượng lao động, đặc biệt là ở phụ nữ từ 25 đến 54 tuổi.
Các nhà kinh tế không chắc chắn liệu việc mở rộng lực lượng lao động ở Mỹ có thể duy trì hay không, đặc biệt là liên quan đến xu hướng nhập cư. Do dân số đang già đi và người già làm việc ít hơn, nhiều người cho rằng con số tổng thể có thể ổn định và thậm chí giảm theo thời gian. Và vì vậy, những điều chỉnh trong tương lai sẽ cần đến từ tốc độ tăng trưởng nhu cầu lao động chậm hơn thay vì tiếp tục tăng trưởng nhanh chóng về nguồn cung lao động. Điều này gợi nhớ đến những bất ngờ trước đây vào cuối những năm 2010 khi các nhà kinh tế đánh giá thấp tiềm năng tăng trưởng của thị trường lao động Mỹ.
Lý do cho những thay đổi này là do chính phủ Nhật Bản đã thực hiện một số chính sách quan trọng, chẳng hạn như tăng công năng của các trung tâm chăm sóc trẻ em. Thái độ đang thay đổi của quốc gia với gia đình cũng đóng một vai trò trong việc giải phóng phụ nữ để làm việc. Độ tuổi trung bình của những người kết hôn lần đầu tiên đang tăng lên đều đặn và tỷ lệ sinh đang ở mức thấp kỷ lục. Nhà kinh tế học Paul Sheard cho biết trì hoãn kết hôn, trì hoãn thời gian sinh con hay không muốn lập gia đình chính là bối cảnh xã hội lớn.
Tuy nhiên, vẫn có những thách thức và hạn chế đáng kể cản trở sự tiến bộ hơn nữa. Chúng bao gồm các vấn đề như phạt tiền thuế với người có thu nhập thứ hai, chất lượng công việc của phụ nữ không cao với mức lương thấp và số giờ làm việc hạn chế hay tình trạng thiếu đại diện phụ nữ ở vị trí lãnh đạo trong các công ty Nhật Bản.
Kathy Matsui, cựu Phó chủ tịch chi nhánh Nhật Bản của Tập đoàn Goldman Sach, cho biết các nỗ lực này cần được tiếp tục thực hiện. Trường hợp của Nhật Bản có thể cung cấp những hiểu biết sâu sắc cho Mỹ, vì tỷ lệ sinh và kết hôn giảm có thể thúc đẩy phụ nữ tham gia lực lượng lao động, mặc dù điều này có thể dẫn đến những thách thức về dân số và kinh tế trong tương lai. Các lựa chọn làm việc từ xa và các chính sách thân thiện với gia đình từ Nhật Bản có thể giúp ích cho Mỹ, nhưng Nhật Bản cũng có thể học hỏi từ văn hóa làm việc linh hoạt của Mỹ để hỗ trợ phụ nữ duy trì sự nghiệp trong khi chăm sóc con cái.
Mỹ từng có tỷ lệ phụ nữ trong độ tuổi lao động tham gia lực lượng lao động cao hơn so với các nền kinh tế tiên tiến khác, nhưng hiện đã bị nhiều nước vượt qua, bao gồm cả Nhật Bản tính đến năm 2015.
Hiện nay, khoảng 77% phụ nữ tuổi trưởng thành ở Mỹ có việc làm hoặc đang tìm việc làm. Ở Nhật Bản, con số này là khoảng 83%, tăng từ khoảng 74% một thập kỷ trước và khoảng 65% vào đầu những năm 1990. Phụ nữ Nhật Bản hiện có tỷ lệ làm việc ngang bằng với Úc, mặc dù một số quốc gia như Canada có tỷ lệ tham gia lực lượng lao động nữ ở độ tuổi lao động cao hơn.
|
Kim Ngọc/Nguồn: New York Times