leftcenterrightdel
Bà Kamala Harris trong lòng người ủng hộ 

Phá vỡ tình trạng phân biệt giới

40% các quốc gia đã có một nhà lãnh đạo là phụ nữ nhưng việc bà Kamala Harris điều hành một trong những quốc gia hùng mạnh nhất thế giới sẽ gửi một thông điệp mạnh mẽ trên toàn cầu. Theo Chỉ số định kiến giới của Liên hợp quốc năm 2023, có tới 49% người dân trên toàn cầu vẫn tin rằng nam giới là lãnh đạo tốt hơn phụ nữ. Một nhiệm kỳ tổng thống của bà Harris sẽ là cơ hội để xóa bỏ định kiến dai dẳng này và mang lại cho phụ nữ và trẻ em gái ở khắp mọi nơi sự tự tin rằng họ cũng có thể ứng cử và giành được chức vụ cao.

Nếu bà Harris trở thành tổng thống Mỹ, bà sẽ là minh chứng sống cho thấy phụ nữ có thể đảm nhiệm các vai trò lãnh đạo, bao gồm cả việc ra quyết định trong các vấn đề quan trọng như chiến tranh và hòa bình. Khi trở thành tổng thống, bà Harris sẽ có cơ hội chứng minh rằng phụ nữ có thể lãnh đạo một cách quyết đoán mà không cần phải trở thành "người phụ nữ thép". Trong một cuộc thăm dò của Trung tâm nghiên cứu Pew, 35% người Mỹ cho rằng nam giới xử lý các vấn đề an ninh và quốc phòng tốt hơn phụ nữ, so với 6% cho rằng phụ nữ có đủ khả năng hơn nam giới. Bà Harris có thể phá vỡ tình trạng phân biệt giới.

Từ Ủy ban Tình báo Thượng viện đến Phòng Tình hình Nhà Trắng, bà Harris rất quen thuộc với các chi tiết tuyệt mật về các mối đe dọa an ninh quốc gia và cách giải quyết chúng. 4 năm làm phó tổng thống Mỹ đã giúp bà Harris hiểu rõ hơn về các mối quan tâm toàn cầu so với hầu hết các tổng thống mới nhậm chức. Ngoài sự am hiểu các vấn đề của thời đại, bà đã chứng minh được những phẩm chất cần thiết để đưa ra quyết định hiệu quả trong khủng hoảng: sự thận trọng, cách tiếp cận có phương pháp để tìm kiếm bằng chứng, xem xét rủi ro và cân nhắc các lựa chọn.

Chính quyền của bà sẽ không chỉ tập trung vào những vấn đề lớn về an ninh và quan hệ quốc tế, mà còn tiếp tục xây dựng và mở rộng các sáng kiến cải thiện điều kiện sống và trao quyền cho phụ nữ và trẻ em gái. Những vấn đề như sức khỏe sinh sản, bình đẳng kinh tế và bạo lực giới từng được coi là các vấn đề của nữ giới nhưng với bà Harris, chúng sẽ trở thành trọng tâm chính sách. Thông điệp chính của chiến dịch của bà Harris là lời cam kết sẽ điều hành vì tất cả người Mỹ nhằm hàn gắn sự chia rẽ của đất nước. Cam kết này nên bao gồm các biện pháp giải quyết nhu cầu của phụ nữ và trẻ em gái, song cũng nên giải quyết niềm tin ngày càng tăng ở những người đàn ông trẻ tuổi rằng bình đẳng giới mang lại tiến bộ cho xã hội.

Bà Kamala Harris và Thủ tướng Barbados Mia Mottley

Sau khi đắc cử, bà Harriscó thể ủng hộ các đề xuất táo bạo của hai nhà lãnh đạo nữ khác. Sáng kiến Bridgetown 3.0 của Thủ tướng Barbados Mia Mottley là kế hoạch đầy tham vọng nhằm xây dựng khả năng phục hồi khí hậu thông qua cải cách tài chính quốc tế và cho vay dài hạn. Bên cạnh đó, kế hoạch của Đại sứ Mỹ tại Liên hợp quốc Linda Thomas-Greenfield nhằm mở rộng tư cách thành viên Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc để bao gồm hai ghế thường trực cho các quốc gia châu Phi và một ghế được bầu cho một quốc gia đang phát triển là đảo nhỏ. Bằng cách ủng hộ những nỗ lực này, bà Harris sẽ thể hiện rõ ràng ý định cải tổ trật tự thế giới để nó đại diện tốt hơn cho các thành viên và đáp ứng tốt hơn nhu cầu của họ.

Lợi ích cho phụ nữ trên toàn cầu

Thách thức các khuôn mẫu và truyền cảm hứng cho thế hệ lãnh đạo nữ mới sẽ là những thành tựu quan trọng của nhiệm kỳ tổng thống của bà Harris. Song, chính quyền của bà có thể làm được nhiều hơn thế nữa. Bà cũng có thể sử dụng kinh nghiệm và hiểu biết sâu sắc để thúc đẩy hòa bình và thịnh vượng trong thời kỳ hỗn loạn, đưa ra tiếng nói và ý tưởng mới, đồng thời khai thác tiềm năng chưa được khai thác của một nửa hành tinh. Từ sức khỏe sinh sản đến tham gia kinh tế, bạo lực trên cơ sở giới, các vấn đề được xác định là vấn đề của phụ nữ thường ít được quan tâm và tài trợ hơn mức họ đáng được hưởng. Việc biến chúng thành một phần không thể thiếu của chính sách có thể góp phần giải quyết nhiều vấn đề kinh tế, chính trị và xã hội cho Mỹ và các quốc gia trên toàn thế giới.

Thay vì coi các vấn đề của phụ nữ là phụ lục cho bất kỳ chính sách nào của chính phủ, chính quyền Harris nhận ra tầm quan trọng cốt lõi của họ trong việc giải quyết các vấn đề toàn cầu. Vì phụ nữ và trẻ em gái chiếm hơn một nửa dân số thế giới, nên những lợi ích rộng lớn hơn của việc nâng cao vị thế của họ hẳn là rất rõ ràng. Bà Harris từng tuyên bố rằng "địa vị của phụ nữ chính là địa vị của nền dân chủ" trong bài phát biểu tại Liên hợp quốc. Báo cáo khoảng cách giới toàn cầu hàng năm của Diễn đàn Kinh tế Thế giới năm 2024 nhấn mạnh rằng, sẽ mất 134 năm để phụ nữ đạt được sự bình đẳng với nam giới.

Các chính sách thiết thực để thu hẹp khoảng cách giới sẽ mang lại lợi ích không chỉ cho phụ nữ và trẻ em gái mà còn cho toàn bộ xã hội. Theo báo cáo "Phụ nữ, Kinh doanh và Luật" của Ngân hàng thế giới năm 2024, việc tạo cơ hội bình đẳng cho phụ nữ có thể giúp tăng GDP toàn cầu hơn 20% và gấp đôi tốc độ tăng trưởng kinh tế toàn cầu trong thập kỷ tới. Bà Harris đã tích cực cải thiện vị thế của phụ nữ trên toàn thế giới. Các sáng kiến mà bà lãnh đạo ở châu Phi, châu Á và những nơi khác bao gồm hơn 2,4 tỷ USD đầu tư vào năm 2023 để hỗ trợ việc làm, thành lập doanh nghiệp và tiếp cận kỹ thuật số của phụ nữ, đồng thời giảm bớt các rào cản khác đối với sự tham gia kinh tế của phụ nữ.

Bà Kamala Harris

Đầu tư vào sức khỏe phụ nữ cũng có thể mang lại lợi ích kinh tế rộng lớn hơn. Theo một nghiên cứu của Viện Y tế McKinsey công bố năm nay, mỗi USD đầu tư vào việc cải thiện chăm sóc sức khỏe phụ nữ sẽ chuyển thành 3 USD tăng thêm vào sản lượng kinh tế, tăng thêm 1 nghìn tỷ USD hàng năm vào GDP toàn cầu. Bà Harris đã đi đầu trong các hoạt động nhằm khôi phục quyền phá thai. Ngoài chăm sóc sức khỏe, các chính sách nghỉ phép gia đình và chăm sóc trẻ em quốc gia cũng cần thiết để cho phép phụ nữ đi làm và gia đình phát triển.

Bà Harris là người dày dạn kinh nghiệm trong xử lý các vấn đề bạo lực giới từ thời còn là công tố viên. Vào giai đoạn đầu sự nghiệp luật sư của mình, bà chuyên truy tố bạo lực giới và tội phạm tình dục, bao gồm tội phạm chống lại trẻ em. Bà đã áp dụng kiến thức này vào vai trò phó tổng thống khi lãnh đạo các sáng kiến nhằm giảm bạo lực đối với phụ nữ. Tỷ lệ bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái trên toàn cầu đang tăng cao, tổn thất mà vấn nạn này gây ra lên đến khoảng 2% GDP toàn cầu. Bằng cách giải quyết những nhu cầu này trong nước, bà Harris có thể đưa Mỹ lên một vị thế mạnh mẽ hơn để bảo vệ quyền của phụ nữ trên toàn cầu.

Bạo lực đối với phụ nữ không chỉ diễn ra ngoài đời thực mà còn lan rộng trên không gian mạng khiến vấn đề này trở nên nghiêm trọng hơn. Bà Harris là người đã đi đầu trong nỗ lực xây dựng các quy tắc an toàn cho trí tuệ nhân tạo (AI), thúc đẩy các công ty lớn cam kết ngăn chặn các hành vi lạm dụng trên mạng. Nếu trở thành tổng thống, bà có thể ủng hộ các đạo luật bảo vệ phụ nữ và trẻ em gái trên mạng, áp dụng những mô hình luật an toàn mạng của các nước như Australia và châu Âu.

Ngự Bình/Nguồn: Foreign Affairs