leftcenterrightdel
 “Triều đại Barbie” đã làm thay đổi cách mà các cô gái nhìn nhận bản thân và vai trò của họ trong xã hội - Nguồn ảnh: CBS News

Nhà máy Meining thành lập ở đây vào năm 1967 và đã làm ra hàng triệu búp bê Barbie để xuất khẩu trên toàn cầu. Vào lúc cực thịnh, Meining có khoảng 8.000 nhân viên, chủ yếu là phụ nữ, góp phần làm ra gần 80% số búp bê Barbie cho thế giới. Không những tạo công ăn việc làm cho phụ nữ, búp bê Barbie đóng vai trò quan trọng trong việc định hình danh tính của những cô gái từng làm việc tại đây. Bà Hsu Chu-lien - 70 tuổi, một nông dân ở huyện Miaoli - đã có thể độc lập về tài chính khi còn rất trẻ nhờ trở thành công nhân nhà máy đồ chơi. “Tôi đã từng nghĩ đời mình sẽ chỉ ở nhà, phụ giúp cha mẹ công việc đồng áng. Nhưng khi nghe nói đến Meining, tôi muốn thử liệu mình sẽ có một cuộc sống khác không” - Hsu nói trong lúc dẫn khách đi tham quan bảo tàng, nơi hiện bà đang làm hướng dẫn viên tình nguyện.

Bà nhớ lại: “Người ta trìu mến gọi chúng tôi là những “cô gái Meining”. Tôi chưa bao giờ chơi búp bê và cũng không biết gì về Barbie cùng ngành công nghiệp búp bê nhưng vẫn nhanh chóng tiếp thu các kỹ năng”. Theo bà, lương của công nhân nhà máy cao hơn mức trung bình, được cung cấp chỗ ở, chỉ làm 6 ngày/tuần, 8-9 giờ/ngày. Điều đó giúp chị em có nhiều thời gian vào buổi tối để theo đuổi những sở thích, ước mơ khác. Hsu quyết định sử dụng thời gian rảnh rỗi để đi học kế toán ban đêm. Các bà nội trợ tại Taishan còn được tạo điều kiện làm bán thời gian với công việc may váy búp bê, song song chăm sóc con cái, nhà cửa mà vẫn kiếm được nhiều tiền hơn chồng làm nông.

Các “cô gái Meining” còn nổi tiếng với vẻ đẹp hệt như những búp bê mà họ tạo ra. “Trai trẻ tụ tập gần nhà máy với hy vọng gặp và cưới được một “cô gái Meining”. Đã có rất nhiều cuộc tình nên duyên, đến nỗi Taishan được biết đến như một trong những nơi có tỉ lệ sinh cao nhất Đài Loan (Trung Quốc)” - ông Li - 84 tuổi, người từng là chủ đất cho nhà máy thuê phòng làm ký túc xá cho công nhân - nói.

Dù nhà máy đã đóng cửa vào năm 1987 nhưng bảo tàng đã được chính quyền địa phương thành lập năm 2004 với sự giúp đỡ của các cựu công nhân nhà máy, với hy vọng sẽ bảo tồn di sản Barbie của Đài Loan (Trung Quốc). Năm 2023, bảo tàng đón 7.000 lượt khách tham quan.

Ngay từ đầu, Ruth Handler - người tạo ra Barbie - đã có ý tưởng cách mạng hóa ngành công nghiệp đồ chơi với thương hiệu búp bê là hiện thân của tất cả thế mạnh và cơ hội của phụ nữ. Ngay lúc mới khai sinh cuối thập niên 1950, “triều đại Barbie” đã làm thay đổi cách mà các cô gái nhìn nhận bản thân và vai trò của họ trong xã hội.

“Barbie của Mattel là loại búp bê đầu tiên được thiết kế và làm ra bởi những người phụ nữ tin rằng khát vọng của các bé gái có thể thúc đẩy một ngành công nghiệp vốn do nam giới thống trị trước đó” - Carol Spencer (năm nay đã 90 tuổi) cho biết. Bà đã có 35 năm làm thiết kế thời trang Barbie tại Mattel. Hình ảnh búp bê “Bác sĩ Barbie” xuất hiện đầu tiên vào năm 1973 chính là tầm nhìn sáng tạo của bà khi hầu hết bác sĩ vào thời điểm đó đều là nam giới.

Với các mẫu luôn thay đổi theo từng địa phương, giới tính, ngành nghề và hình dạng, kích cỡ cơ thể của các chủng tộc khác nhau, thậm chí cập nhật cả vấn đề thời sự đang diễn ra, Barbie đã cho trẻ em cơ hội được mơ về tương lai và giúp xác định mục tiêu cần hướng tới. Chơi búp bê của Mattel, các bé gái đã mơ trở thành bác sĩ hay đang bay ngoài không gian với tư cách là nữ phi hành gia vũ trụ… “Chúng tôi đã khai phá nghề nghiệp cho trẻ em gái” - Spencer nói.

Theo phụ nữ TPHCM