leftcenterrightdel
 Một phụ nữ đi ngang qua bức tranh tường ở Ajmer, lên án vụ cưỡng hiếp và giết hại một bác sĩ ở bang Tây Bengal, Ấn Độ

Phẫn nộ từ cái chết của nữ bác sĩ

Chữa bệnh cứu người là ước mơ thời thơ ấu của nữ bác sĩ 28 tuổi người Ấn Độ Radhika, nhưng sau vụ một nữ đồng nghiệp bị cưỡng hiếp và giết hại dã man, thì sự an toàn của chính cô ngày càng trở thành mối quan tâm hàng đầu chứ không phải là sức khỏe bệnh nhân.

Đầu tháng này, tại Bệnh viện và Cao đẳng Y khoa RG Kar do nhà nước quản lý ở thành phố phía đông Kolkata, người ta phát hiện thi thể đầy máu và bị đánh đập của một nữ bác sĩ 31 tuổi, gây nên sự phẫn nộ.

Một người đàn ông đã bị bắt giữ, nhưng vụ tấn công này đã làm bùng lên sự tức giận chưa từng có về việc thiếu các biện pháp để các bác sĩ nữ có thể làm việc mà không sợ hãi, và gây ra các cuộc đình công y tế những ngày qua.

Radhika, đang làm tại Bệnh viện và Cao đẳng Y khoa RG Kar, cho biết: "Tôi trực đêm chỉ 2 ngày trước khi xảy ra vụ việc. Và những gì diễn ra với đồng nghiệp khiến tôi sợ hãi vô cùng. Chúng tôi trực liên tục và tranh thủ nghỉ ngơi bất cứ khi nào, ở đâu có thể”.

Nữ bác sĩ bị sát hại được tìm thấy trong hội trường của bệnh viện, điều này cho thấy cô đã đến đó để nghỉ ngơi sau một ca làm việc dài.

Radhika cho biết các bác sĩ phải làm việc với giờ làm rất dài - hầu như không có thời gian để ăn hoặc nghỉ ngơi - không phải là điều bất thường và việc nữ bác sĩ bị hãm hiếp và giết hại khiến cho tất cả nhân viên nữ trong các bệnh viện khiếp sợ. Bởi họ luôn nghĩ, bệnh viện là nơi an toàn.

Các cuộc tấn công tình dục quá phổ biến

Hàng chục ngàn người dân Ấn Độ đã tham gia các cuộc biểu tình, thể hiện sự tức giận không chỉ về nạn bạo lực dai dẳng đối với phụ nữ mà còn về việc không cung cấp điều kiện làm việc an toàn cho họ.

Các nhân viên y tế cầm áp phích trong cuộc biểu tình ở Bengaluru phản đối vụ cưỡng hiếp và giết hại nữ bác sĩ trẻ
Các nhân viên y tế cầm áp phích trong cuộc biểu tình ở Bengaluru phản đối vụ cưỡng hiếp và giết hại nữ bác sĩ trẻ

 

Theo tổ chức từ thiện Dasra, phụ nữ chiếm gần 30% số bác sĩ ở Ấn Độ và 80% số nhân viên điều dưỡng. Các vụ tấn công vào nữ bác sĩ diễn ra rất thường xuyên.

Ngày 20/8, Tòa án tối cao Ấn Độ đã ra lệnh cho lực lượng đặc nhiệm quốc gia xem xét cách tăng cường an ninh cho nhân viên y tế, cho biết mức độ tàn bạo của vụ giết người đã làm chấn động lương tâm của cả nước.

Các nhân viên y tế cầm áp phích trong cuộc biểu tình ở Bengaluru phản đối vụ cưỡng hiếp và giết hại nữ bác sĩ trẻ. “Việc thiếu các chuẩn mực an toàn của tổ chức tại các cơ sở y tế, chống lại cả bạo lực và bạo lực tình dục đối với các chuyên gia y tế, là vấn đề đáng lo ngại nghiêm trọng” - lệnh của tòa án nêu rõ.

Lệnh cũng nhấn mạnh đến việc thiếu camera giám sát và không kiểm tra vũ khí đối với những người đến bệnh viện.

Giám đốc Bệnh viện đa khoa KC ở thành phố Bengaluru, - Indira Kabade - cho biết bà lo ngại nhân viên của mình không thể về nhà an toàn. "Chúng tôi không bao giờ biết liệu có ai theo dõi họ từ bệnh viện hay không" - Kabade cho biết đồng thời nói thêm rằng nhiều đồng nghiệp nữ muốn có an ninh giống như ở sân bay, bao gồm cả việc bố trí cảnh sát bên trong khuôn viên bệnh viện.

“Mặc dù chúng ta đang làm việc không ngừng nghỉ để cứu sống con người, nhưng vẫn cần phải xem xét lại vấn đề an toàn tại nơi làm việc” - Kabade cho biết.

Bản chất ghê rợn của vụ giết nữ bác sĩ đã gợi lên sự so sánh với vụ một phụ nữ trẻ bị hiếp dâm tập thể và giết chết kinh hoàng trên xe buýt ở Delhi năm 2012. Năm 2022, theo thống kê chính thức của chính phủ, mỗi ngày có gần 90 vụ hiếp dâm được báo cáo tại quốc gia 1,4 tỉ dân này.

Nhà vệ sinh hôi thối - Lạm dụng xảy ra mỗi ngày

Vì làm việc liên tục, áp lực cao nên các bác sĩ thường kiệt sức. Họ ngủ bất cứ nơi nào có thể, tranh thủ nghỉ ngơi trên ghế hoặc sàn nhà. “Chúng tôi hoàn toàn mệt mỏi và cơ thể không thể tiếp tục hoạt động được nữa sau mỗi ca trực”, Radhika nói.

Nhưng điều kiện ở nhiều bệnh viện rất tồi tệ. Tại bệnh viện có nhà vệ sinh dành cho bác sĩ - nhưng nam và nữ phải dùng chung, và một số phòng không có khóa.

Cô kể lại khoảnh khắc kinh hoàng khi 2 người đàn ông xông vào phòng khi cô đang nghỉ ngơi. “Tôi thực sự sợ hãi”, cô nhớ lại.

Các chuyên gia y tế và sinh viên hô vang khẩu hiệu trong cuộc biểu tình ở New Delhi
Các chuyên gia y tế và sinh viên hô vang khẩu hiệu trong cuộc biểu tình ở New Delhi

 

 Tình trạng vệ sinh kém - thường chỉ có một nhà vệ sinh dành cho nhân viên y tế nam và nữ - cho thấy sự thất bại của chính quyền trong việc cung cấp cơ sở hạ tầng cơ bản cho nhân viên y tế. Radhika cho biết, tình hình đặc biệt đáng lo ngại khi những người phụ nữ đang trong thời kỳ kinh nguyệt.

Tại vùng Kashmir thuộc dãy Himalaya, bác sĩ Rubeena Bhat cho biết một số nhân viên y tế muốn sử dụng nhà vệ sinh ở những ngôi nhà gần bệnh viện hơn là trong bệnh viện. “Tệ đến thế đấy” - cô nói.

Một nữ bác sĩ ở Thiruvananthapuram, một thành phố ở bang Kerala, cho biết cô và các đồng nghiệp phải đối mặt với sự ngược đãi hàng ngày, từ lời nói lăng mạ đến xâm hại thân thể. “Chuyện này không có hồi kết,” cô nói.

Để tự bảo vệ mình, các bác sĩ nữ được khuyến khích tham gia các lớp học tự vệ do hiệp hội y khoa tổ chức. "Một số người gọi bác sĩ là thiên thần. Vì vậy, chúng ta thường nghĩ rằng sẽ không có ai đụng đến họ. Nhưng khi một tội ác như vậy xảy ra ở một nơi được coi là nơi an toàn nhất, tất cả chúng ta đều sợ hãi" - vị bác sĩ ở Kerala nói.

Theo phụ nữ TPHCM