Người dân thực hiện biện pháp “duy trì khoảng cách xã hội” ở khu vực chờ mua thực phẩm mang về tại một trung tâm mua sắm ở Bangkok, Thái Lan đầu tuần này - Ảnh: AP
Nếu tình hình không cải thiện, sẽ có lệnh phong tỏa toàn bộ. Thủ tướng Thái Lan Prayut Chan-o-cha nói sau khi quyết định phong tỏa Phuket đến 31-3 |
Với số ca nhiễm tăng nhanh, có thể thấy một số nước ở Đông Nam Á đã bắt đầu đẩy mạnh biện pháp chống dịch. Tuy nhiên, những biện pháp mạnh như phong tỏa đang được cân nhắc kỹ lưỡng vì tác động của chúng, chẳng hạn với nền kinh tế. Và vấn đề "đúng biện pháp, đúng thời điểm" đang nhận được sự quan tâm.
"Ở nhà, ngăn virus, cứu nước"
Malaysia hiện là quốc gia có số ca nhiễm nhiều nhất khu vực, với hơn 1.790 ca. Chỉ trong vòng một tuần qua, nước này đã có hơn 670 ca nhiễm mới. Người dân Malaysia đang phải ở lại trong nhà theo lệnh kiểm soát di chuyển (MCO).
MCO có hiệu lực từ ngày 18-3 tới 31-3, cấm người dân rời nhà nếu không có lý do chính đáng, chẳng hạn mua thực phẩm hoặc chăm sóc y tế. Biện pháp này được áp dụng để hạn chế tiếp xúc giữa người dân và ngăn dịch lây lan.
Tuy nhiên, ngày 25-3, Thủ tướng Malaysia Muhyiddin Yassin bất ngờ thông báo gia hạn MCO thêm hai tuần, tới ngày 14-4. Động thái này cho thấy Chính phủ Malaysia dường như nhìn nhận cuộc chiến chống COVID-19 sẽ còn dài và khó khăn.
Tại Indonesia, với tình hình căng thẳng không kém, chính phủ áp dụng nhiều chiến lược như "cách ly xã hội" và tiến hành xét nghiệm nhanh chóng trên quy mô lớn để tăng tốc phát hiện các ca nhiễm.
Biện pháp "cách ly xã hội" cũng đang được khuyến khích tại Thái Lan khi chính phủ nước này thúc đẩy chiến dịch "Ở nhà, ngăn virus, cứu nước". Thủ tướng Thái Lan Prayut Chan-o-cha còn cho biết sẽ ban bố tình trạng khẩn cấp từ ngày 26-3.
Nhìn chung, có nước áp dụng biện pháp mạnh, có nước áp dụng biện pháp nhẹ tùy tình hình dịch ở địa phương.
Trong đó, nhiều biện pháp phổ biến đang được dùng đến như đóng cửa trường học, đóng các địa điểm tụ tập đông người như nhà hàng và khu vui chơi giải trí, cấm nhập cảnh, hạn chế các chuyến bay... nhằm ngăn dịch lây lan.
Indonesia không chọn phong tỏa
Tại Đông Nam Á, Indonesia hiện là quốc gia có số ca tử vong do COVID-19 nhiều nhất khu vực (55 ca) và cũng là nước đang có những tranh cãi về biện pháp chống dịch hợp lý. Trong một bài viết ngày 25-3, báo Jakarta Post đã đặt câu hỏi: "Liệu Indonesia sẽ là nước Ý của Đông Nam Á?".
Đến nay, Tổng thống Indonesia Joko Widodo vẫn giữ vững lập trường không áp dụng bất kỳ hình thức phong tỏa nào ở quốc gia này. Ông giải thích rằng các đặc điểm văn hóa và kỷ luật của người dân Indonesia là hai lý do chính khiến chính phủ quyết định như vậy.
Tuy nhiên, các nhà khoa học kêu gọi chính phủ nước này mạnh tay hơn nữa, chứ không chỉ là chiến dịch "cách ly xã hội". Nhà nghiên cứu Iqbal Ridzi Fahdri Elyazar tại Đơn vị nghiên cứu lâm sàng Eijkman-Oxford ở Indonesia cảnh báo theo tính toán, số ca nhiễm ở Indonesia có thể lên tới 71.000 vào cuối tháng 4.
Và theo họ, biện pháp phong tỏa không nên bị gạt sang một bên. Nurul Nadia Luntungan, chuyên gia y tế công tại Trung tâm Các sáng kiến phát triển chiến lược Indonesia, nói rằng với những khu vực xuất hiện lây nhiễm trong cộng đồng rõ ràng như Jakarta, lệnh phong tỏa vẫn cần thiết để ngăn virus lây lan.
Nhà dịch tễ học Panji Fortuna Hadisoemarto tại Đại học Padjajaran cũng cùng quan điểm: "Phải lên kế hoạch cẩn thận, nhưng không thể đợi chờ!".
"Cách ly xã hội" ở Đức Đức đang áp dụng những quy định "cách ly xã hội" chặt chẽ nhất lịch sử. Đài DW đã giải thích các quy tắc "cách ly xã hội" ở Đức, bao gồm các biện pháp sau: Việc tụ tập nhiều hơn 2 người sẽ bị cấm tại Đức. Lệnh cấm này chỉ dành ra ngoại lệ cho gia đình và những người cùng chung sống. Các tương tác giữa người và người được khuyến cáo hạn chế tới mức tối thiểu. Giới chức trách Đức tuyên bố khoảng cách tiếp xúc ở nơi công cộng nên được duy trì ít nhất 1,5m. Các điểm kinh doanh ẩm thực buộc phải đóng cửa, trong khi doanh nghiệp có dịch vụ giao đồ ăn vẫn được phép hoạt động. Những cơ sở cung cấp dịch vụ như làm tóc, trang điểm, massage và xăm mình cũng phải đóng cửa vì không thể đảm bảo quy định cách xa 2m giữa người với người. Các doanh nghiệp và trung tâm khám chữa bệnh vẫn được phép hoạt động. Cảnh sát và các cơ quan thi hành pháp luật khác sẽ xử lý bất cứ hành vi vi phạm nào đối với quy định mới. Ngoài ra, Đức cũng bắt buộc áp dụng các biện pháp giữ vệ sinh đối với nơi làm việc và cho du khách. Các hoạt động đi làm, giúp đỡ người khác và tập thể dục một mình ngoài trời cũng như những hoạt động tuân thủ quy định khác vẫn được phép diễn ra. Theo dự tính, các biện pháp trên sẽ được duy trì trong vòng 2 tuần tới. NGUYÊN HẠNH |
Nhật ký chống dịch COVID-19 ngày 25-3 Hà Lan thông báo sẽ bỏ các bài kiểm tra quan trọng cuối năm 2020 cho các học sinh sắp tốt nghiệp. Ấn Độ cấm xuất khẩu thuốc trị sốt rét hydroxychloroquine, vì loại thuốc này được cho là có hiệu quả trong việc điều trị triệu chứng COVID-19. New Zealand tuyên bố tình trạng khẩn cấp quốc gia và chuẩn bị áp dụng lệnh phong tỏa toàn quốc. Paraguay đóng toàn bộ các cửa khẩu biên giới cho tới hết ngày 29-3 nhằm ngăn chặn dịch COVID-19 lây lan. Panama gia hạn lệnh giới nghiêm, đồng thời yêu cầu tất cả người dân tự cách ly cả ngày trong nhà kể từ ngày 25-3. Guatemala thông qua dự luật gia hạn tình trạng khẩn cấp do dịch COVID-19 thêm 30 ngày. Singapore tuyên bố những người vi phạm quy định không ra đường để tránh virus lây lan sẽ bị kết án tại tòa. Một người đàn ông cầu nguyện tại quảng trường St. Peter, Rome, Ý ngày 25-3 - Ảnh: Reuters Nam Phi chuẩn bị thực hiện lệnh phong tỏa vào ngày 26-3, sau khi số ca nhiễm tại đây lên 709. Ý sẽ phạt người dương tính với SARS-CoV-2 không thực hiện cách ly từ 1-5 năm tù hoặc 430-3.245 USD. Hàn Quốc buộc người đến từ Mỹ cách ly 14 ngày, có hiệu lực kể từ ngày 27-3. Malaysia gia hạn lệnh phong tỏa và hạn chế đi lại toàn quốc thêm 14 ngày, đến hết ngày 14-4. Saudi Arabia siết lệnh giới nghiêm một phần trên toàn quốc, cấm ra vào Riyadh, Mecca và Medina cũng như việc đi lại giữa các tỉnh từ ngày 25-3. Nga yêu cầu quân đội thực hiện tập huấn nhằm nâng cao tinh thần chuẩn bị đối phó với dịch bệnh nếu cần. NGUYÊN HẠNH |
Theo tuoitre