"Các hoạt động tìm kiếm vẫn diễn ra kể từ hôm kia, nhưng cơ hội vô cùng thấp. Tới nay chúng tôi chưa tìm thấy gì", George Abou Moussa, giám đốc phụ trách hoạt động của cơ quan phòng vệ dân sự Lebanon, hôm nay cho biết.
Đây là ngày thứ ba liên tiếp các nhóm cứu hộ đào bới đống đổ nát do vụ nổ hóa chất ở thủ đô Beirut của Lebanon đầu tháng trước, sau khi phát hiện nhịp thở và mạch đập, cùng dấu hiệu nguồn nhiệt dưới một tòa nhà trong khu phố Gemmayzeh hôm 3/9, đồng nghĩa với khả năng còn tồn tại sự sống.
"Chúng tôi sẽ không rời khu vực cho tới khi hoàn thành việc tìm kiếm, ngay cả trước nguy cơ có thêm tòa nhà sụp đổ", sĩ quan dân phòng Qassem Khater cho biết. Tuy nhiên, chuyên gia người Chile Walter Munoz đánh giá cơ hội tìm thấy người sống sót chỉ ở mức 2%. Giới chức Lebanon cũng hạ thấp khả năng có người còn sống dưới đống đổ nát sau hơn một tháng.
Bất chấp thực tế đó, người dân Lebanon vẫn nuôi hy vọng mong manh về một phép màu, trong bối cảnh đất nước rơi vào cuộc khủng hoảng kinh tế tồi tệ nhất nhiều thập kỷ, với "thảm họa kép" Covid-19 và vụ nổ kinh hoàng khiến ít nhất 191 người thiệt mạng và hơn 6.000 người bị thương.
"Tôi từng không nhận thức được rằng mình cần một phép màu đến thế. Cầu xin Chúa, hãy trao cho Beirut điều kỳ diệu mà thành phố xứng đáng được nhận", nhà làm phim 32 tuổi Selim Mourad cho biết.
Beirut hôm 4/8 rung chuyển sau khi kho chứa 2.750 tấn amoni nitrat, tương đương 240 tấn TNT, phát nổ tại khu cảng của thành phố. Người dân đổ trách nhiệm cho chính quyền khi cất số lượng lớn amoni nitrat ở cảng Beirut suốt 6 năm mà không có biện pháp an toàn. Các nhà phê bình cũng đổ lỗi cho nạn tham nhũng và sự lãnh đạo kém cỏi của chính phủ Lebanon.
Sau vụ nổ, nhiều quan chức cấp cao Lebanon đã nộp đơn từ chức như Thủ tướng Hassan Diab, Bộ trưởng Môi trường Lebanon Damianos Kattar và Bộ trưởng Thông tin Lebanon Manal Abdel Samad. Tuy nhiên, động thái này không thể xoa dịu lòng dân, khi nhiều người lên tiếng đòi Tổng thống Michel Aoun từ chức.
Theo vnexpress