Công tác ngoại giao văn hóa: Kinh nghiệm quý ở địa bàn
Đại sứ Phạm Quang Hiệu (thứ hai từ phải) cùng các đại biểu Nhật Bản tại Lễ hội Việt Nam tại Nhật Bản 2024. (Nguồn: TTXVN)

Chia sẻ về những kinh nghiệm nhằm nâng cao hiệu quả công tác NGVH, Đại sứ Việt Nam tại Pháp Đinh Toàn Thắng tin rằng bất cứ Đại sứ nào cũng mong muốn có được những hoạt động văn hóa ấn tượng ở địa bàn, nhưng còn phải đối mặt nhiều thách thức…

Đòn bẩy từ sản phẩm văn hóa

Theo Đại sứ Đinh Toàn Thắng, câu chuyện văn hóa, nhân văn chính là sợi dây gắn kết hai quốc gia Việt - Pháp, nhân dân hai nước từ cả thế kỷ nay.

Bởi vậy, để làm chính trị, làm kinh tế vẫn cần dựa nhiều vào các mối quan hệ nhân văn rộng khắp đó để lan tỏa, bám rễ và thấu hiểu các thông điệp phát triển, đối ngoại, chính trị, kinh tế, thương mại.

Trong thời gian qua, Đại sứ quán Việt Nam tại Pháp đã thực hiện nhiều hoạt động nổi bật trong khuôn khổ kỷ niệm hàng loạt sự kiện lớn, từ 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao, 50 Hiệp định Paris, 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ và Hiệp định Geneva, đến các hoạt động tôn vinh, theo dấu chân Bác Hồ và chiến dịch mang ấn vàng Hoàng đế Chi bảo về Việt Nam…

Mặt khác, Trung tâm Văn hóa Việt Nam tại Pháp sau nhiều năm tu bổ ròng rã đã được đôn đốc để cơ bản hoàn tất, phát huy điểm mạnh của địa bàn.

Đại sứ Việt Nam tại Nam Phi Hoàng Sỹ Cường cho biết Nam Phi là địa bàn xa xôi và hạn hẹp về nguồn lực, Đại sứ quán xác định, trước mắt, cần tập trung nhiều hơn cho việc kết hợp, lồng ghép các hoạt động NGVH trong các sự kiện, hoạt động đối ngoại và triển khai trong các hoạt động thường xuyên của cơ quan đại diện.

Theo Đại sứ, năm 2023, khi hai nước kỷ niệm 30 năm thiết lập quan hệ ngoại giao, việc lần đầu tiên tổ chức Ngày Việt Nam tại Nam Phi đạt kết quả rất tốt và để lại nhiều ấn tượng, gợi mở nhiều ý tưởng về cách làm NGVH.

Đề cập việc lựa chọn các sản phẩm văn hóa, Đại sứ phân loại ra hai nhóm nổi bật: Nhóm sản phẩm văn hóa mang tính chính trị cao, tính hàn lâm như các giá trị về bản sắc văn hóa, những giá trị tốt đẹp của dân tộc và tư tưởng Hồ Chí Minh, các danh nhân lớn của Việt Nam... và nhóm sản phẩm văn hóa mang tính đại chúng như ẩm thực, du lịch, âm nhạc.

Phát huy vai trò cộng đồng

Xác định cộng đồng là trung tâm để triển khai các hoạt động NGVH, Đại sứ quán Việt Nam tại Nhật Bản luôn coi cộng đồng và người dân Nhật Bản vừa là chủ thể, vừa là đối tác tham gia việc triển khai, tổ chức các hoạt động NGVH; coi mỗi cá nhân người Việt là những “sứ giả văn hóa” trong việc quảng bá Việt Nam ở sở tại, làm cầu nối hữu nghị.

Thời gian qua, công tác NGVH tại Nhật Bản được thực hiện bài bản, hình thức đa dạng nhờ các kinh nghiệm: Đầu tư, tổ chức hoạt động NGVH có trọng tâm, trọng điểm; chú trọng tính đa dạng, hài hòa, thích ứng phù hợp với vùng miền và mở rộng độ phủ sóng trên toàn nước Nhật; lồng ghép hiệu quả NGVH với các hoạt động ngoại giao kinh tế, hoạt động nhân đạo, thúc đẩy giao thương kết nối; thúc đẩy sự tham gia hiệu quả của lãnh đạo, các giới, các ngành, địa phương và người dân.

Đại sứ Phạm Quang Hiệu chia sẻ: “Trong suốt quá trình đó, Đại sứ quán luôn đồng hành, định hướng, hỗ trợ tích cực cộng đồng trong việc tổ chức các hoạt động văn hóa. Chúng tôi luôn khuyến khích động viên các cá nhân, tập thể tiêu biểu, xuất sắc đóng góp tích cực cho công tác NGVH; phát huy tính chủ động sáng tạo và khai thác hiệu quả tiềm năng của cộng đồng”.

Bạn bè quốc tế giao lưu tại Ngày Việt Nam tại Nam Phi 2023. (Nguồn: Đại sứ quán Việt Nam tại Nam Phi)

Huy động mọi nguồn lực

Với nhận thức văn hóa là sợi dây kết nối các dân tộc, văn hóa là hồn cốt, Đại sứ quán Việt Nam tại Italy đặc biệt coi trọng triển khai NGVH để củng cố, tăng cường và thắt chặt quan hệ mọi mặt giữa hai nước.

Qua thực tiễn tại địa bàn, Đại sứ Dương Hải Hưng cho biết: “Chúng tôi đã tìm tòi, khơi dậy những giá trị tinh thần, tình cảm sâu sắc kết nối hai dân tộc, làm nhân dân hai nước xích lại gần nhau, như tổ chức hai hội thảo và xuất bản sách về thời gian lưu lại của Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Italy, triển lãm ảnh tỏ lòng biết ơn nhân dịp kỷ niệm 50 năm tàu Australe mang 3.000 tấn nhu yếu phẩm, thuốc men do người Italy giúp đỡ nhân dân Việt Nam trong chiến tranh…”.

Ngoài các hoạt động hướng tới các cấp, các kênh trung ương, Đại sứ quán đã triển khai NGVH như một cấu phần chính trong thúc đẩy quan hệ toàn diện với các địa phương Italy trong khuôn khổ Năm Việt Nam - Italy 2023 thông qua hoạt động đa dạng như giới thiệu điện ảnh Việt Nam, triển lãm ảnh đất nước con người, giới thiệu nhạc cổ truyền Việt Nam…

Bên cạnh đó, Đại sứ quán chủ động, linh hoạt, sáng tạo huy động mọi nguồn lực cùng triển khai NGVH như vận động chính quyền hỗ trợ địa điểm tổ chức miễn phí; mời các nhà thiết kế, nghệ sĩ trong nước tự túc kinh phí sang biểu diễn thời trang, triển lãm hội họa, kết hợp sáng tác tranh tặng Tổng thống Italy.

Bài học từ nước bạn

Khẳng định thành tố văn hóa ngày càng có vai trò quan trọng đối với công tác đối ngoại của Trung Quốc, Đại sứ Phạm Sao Mai đưa ra một số gợi ý chính sách đối với Việt Nam như: Tăng cường vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng trong công tác NGVH; coi văn hóa là thành tố xuyên suốt trong công tác đối ngoại; tích cực lồng ghép các giá trị văn hóa đặc trưng, đậm đà bản sắc dân tộc của Việt Nam, giá trị tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh như hòa hiếu, yêu chuộng hòa bình, hữu nghị, nhân văn, công lý tại các diễn đàn...

Đại sứ Nguyễn Quốc Dũng cho biết, ở Mỹ các cơ quan đại diện nước ngoài đều chú trọng hoạt động NGVH; giới chức chính quyền, nghị sĩ, nghệ sĩ, báo chí và người dân nói chung đều rất quan tâm, hưởng ứng các hoạt động này.

Những năm qua, các hoạt động tổ chức kỷ niệm Quốc khánh và Tết cổ truyền Việt Nam luôn có sự sự tham dự đông đảo của các quan chức chính quyền, các nghị sĩ, các đối tác bạn bè Mỹ và bà con người Việt.

Đại sứ quán tích cực tham gia, tổ chức góc trưng bày hay gian hàng Việt Nam tại các lễ hội do chính quyền hoặc các tổ chức xã hội, doanh nghiệp tổ chức... Hội phu nhân/phu quân Đại sứ quán chủ động tổ chức nhiều hoạt động như: Quảng bá áo dài, ẩm thực, biểu diễn quan họ, thi hướng dẫn gói bánh chưng, làm nem, thi làm bánh...

Đại sứ Nguyễn Quốc Dũng chia sẻ: “Thông qua các hoạt động này, chúng ta giành được thiện cảm và có thêm nhiều bạn bè. Tuy nhiên, để thực hiện NGVH hiệu quả hơn nữa, cần có kế hoạch và sự chuẩn bị kỹ lưỡng, có sự phối hợp chặt chẽ trong, ngoài nước và các cơ quan, tổ chức sở tại, quan trọng là có nguồn lực và các sản phẩm đặc sắc”.

Chúng tôi rất vui mừng vì kể từ năm 2021 đến nay, trong gần ba năm qua, công tác NGVH thực sự trở thành nhiệm vụ chung của cả hệ thống chính trị, triển khai bài bản, rộng khắp, đạt kết quả ý nghĩa.

NGVH trở thành bộ phận quan trọng của ngoại giao toàn diện, hiện đại, vũ khí tâm công sắc bén, góp phần lan tỏa các giá trị, vẻ đẹp văn hóa, con người Việt Nam; thiết thực phát huy vai trò của văn hóa là nền tảng tinh thần, nguồn lực nội sinh và động lực đột phá cho phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và hội nhập quốc tế.

Đóng góp vào nỗ lực chung đó phải kể đến sự chung sức, đồng lòng, vào cuộc quyết liệt của 94 cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài và các đơn vị trong Bộ Ngoại giao với các sáng kiến thiết thực, triển khai hiệu quả chỉ đạo của Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ, trực tiếp là Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam Hà Kim Ngọc, với sự đồng hành, phối hợp hiệu quả của các bộ, ban, ngành, địa phương, doanh nghiệp.

Lê Thị Hồng Vân Quyền Vụ trưởng Vụ NGVH và UNESCO, Bộ Ngoại giao 

Theo baoquocte