Cuộc bầu cử Đức chưa thể tìm ra người kế nhiệm Thủ tướng Merkel
Cập nhật lúc 16:48, Thứ hai, 27/09/2021 (GMT+7)
Đảng Dân chủ Xã hội (SPD) giành được tỷ lệ phiếu bầu lớn nhất trong cuộc bầu cử Đức hôm 26/9 với 25,7% và đánh bại phe bảo thủ, nhưng không bên nào giành được thế đa số.
|
|
Những người ủng hộ đảng Dân chủ Xã hội cổ vũ ứng cử viên Olaf Scholz. Ảnh: New York Times. |
Theo kết quả sơ bộ vào đầu ngày 27/9, trong tổng số 299 khu vực bầu cử, SPD đã giành được 25,7% số phiếu bầu, chiến thắng trước 24,1% số phiếu bầu của Liên minh Dân chủ Cơ Đốc giáo (CDU) của bà Angela Merkel, AFP đưa tin. Angela Merkel sẽ không tiếp tục lãnh đạo CDU, đồng nghĩa với việc không tìm kiếm nhiệm kỳ thủ tướng thứ năm.
Kết quả trên cho thấy sẽ không đảng nào giành được thế đa số trong quốc hội, đồng nghĩa với việc các bên phải tiếp tục tìm kiếm liên minh. Reuters nhận định SPD và CDU sẽ không muốn lặp lại liên minh "kỳ cục" họ từng có với nhau trong 4 năm qua. Vì khoảng cách sít sao, không ai biết liệu đảng nào sẽ lập được chính phủ đa số và ai sẽ là thủ tướng.
Phía các nhà bảo vệ môi trường của đảng Xanh đứng thứ ba với 14,8% số phiếu, tiếp theo là đảng Dân chủ Tự do với 11,5% tỷ lệ phiếu bầu.
Các quan chức cho biết lần đầu tiên kể từ năm 1949, đảng thiểu số Đan Mạch SSW giành được một ghế trong quốc hội.
Theo New York Times, cuộc bầu cử báo hiệu sự kết thúc cho một kỷ nguyên của Đức và của cả châu Âu. Trong hơn một thập kỷ, bà Merkel không chỉ là thủ tướng của Đức mà còn là nhà lãnh đạo thực sự của châu Âu. Bà đã chèo lái đất nước và lục địa vượt qua nhiều cuộc khủng hoảng. Trong quá trình này, bà đã giúp Đức trở thành cường quốc hàng đầu của châu Âu lần đầu tiên kể từ Thế chiến thứ hai.
Trong cuộc bầu cử thủ tướng 2021, hơn 60 triệu người Đức trên 18 tuổi đủ điều kiện bỏ phiếu để bầu ra lãnh đạo của nền kinh tế hùng mạnh nhất châu Âu.
Khác với giai đoạn mà bà Merkel cầm quyền, Đức hiện đứng trước nhu cầu cải cách lớn hơn bao giờ hết. Vì vậy, trọng trách thủ tướng mới phải gánh vác sẽ không hề nhỏ, bao gồm điều hành một đất nước ngày càng đa dạng về sắc tộc, kiểm soát thành công dịch bệnh Covid-19 và ứng phó biến đổi khí hậu.
Tuy nhiên, do nền chính trị Đức không phân cực như chính trị Mỹ, hướng đi chung của nước Đức ít khả năng có sự thay đổi lớn.
Theo zingnews