leftcenterrightdel
 Nhiều trẻ em, thanh thiếu niên ở châu Á gặp các vấn đề về sức khỏe tâm thần do đại dịch. Ảnh: Shutterstock.

Vào tháng 8, một nữ sinh Singapore được cứu sống kịp thời khi có ý định lao ra đường ray tự sát. Trước đó, một nữ sinh khác ở Tokyo (Nhật Bản) không may mắn như vậy khi nhảy ra trước một đoàn tàu hồi tháng 5. Người lái tàu nhìn thấy cô và nhấn phanh song đã quá muộn.

Cảnh sát cho biết cô gái 16 tuổi để lại một bức thư tuyệt mệnh trong túi xách. Cái chết của nữ sinh nằm trong số hàng trăm vụ trẻ em tự tử xảy ra tại Nhật Bản kể từ khi đại dịch bùng phát, theo South China Morning Post.

Gần 2 năm trôi qua, Covid-19 đã gây ra ảnh hưởng nặng nề trên khắp châu Á. Từ những người kinh doanh nhỏ bị mất kế sinh nhai, đến những người cao tuổi bị cô lập trong các đợt phong tỏa. Tuy nhiên, những người quan tâm đến vấn đề sức khỏe tâm thần nhận định có một nhóm khác ít được chú ý hơn: những người dưới 18 tuổi.

Theo Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi Nhật Bản, năm 2020, nước này ghi nhận 499 vụ trẻ 7-18 tuổi tự tử. Con số này cao hơn 25% so với năm 2019 và hơn 73% so với năm 2016 (289 vụ), trái ngược với tỷ lệ tự sát giảm chậm nhưng ổn định ở đất nước mặt trời mọc trong hơn một thập kỷ qua.

Tại Singapore, tỷ lệ tự tử ở trẻ trong độ tuổi 10-19 đã tăng từ 4/100.000 vào năm 2019 lên 5,5/100.000 vào năm 2020. Ở Malaysia, 1/4 trong số 266 vụ tự tử được ghi nhận từ giữa tháng 3 năm ngoái - khi bắt đầu phong tỏa - tới tháng 10, liên quan đến thanh thiếu niên 15-18 tuổi.

Cuộc khảo sát gần 2.400 thanh niên 18-24 tuổi vào tháng 5, tháng 6 tại Indonesia cho thấy khoảng một nửa trong số người được hỏi từng nghĩ đến việc tự làm hại bản thân hay tự sát.

Bộ Y tế Thái Lan cũng ghi nhận 141 vụ tự tử ở những người từ 10-19 tuổi vào năm 2020, tăng 30% so với năm 2019.

Varoth Chotpitayasunondh, Giám đốc Trung tâm Sức khỏe Tâm thần Quốc tế thuộc Cục Sức khỏe Tâm thần Thái Lan, cảnh báo tình hình có thể còn tồi tệ hơn nữa, vì những số liệu hiện tại thể hiện “những tác động ngắn hạn từ đại dịch lên người trẻ” nhưng “về lâu dài, chúng ta đối mặt với những điều chưa rõ ràng và phải chuẩn bị cho điều đó", ông nhận định.

Khoảng cách tuổi tác

Theo các chuyên gia sức khỏe tâm thần, những người trẻ tuổi thường phải vật lộn nhiều hơn so với người lớn để thích nghi với cuộc sống đại dịch.

Lim Boon Leng, bác sĩ tâm thần ở Singapore, cho biết đại dịch không chỉ khiến việc học ở trường và đôi khi là cuộc sống gia đình trở nên khó khăn và căng thẳng hơn, việc giãn cách xã hội cũng khiến giới trẻ không thể tiếp cận với mạng lưới hỗ trợ như bạn bè hay các hoạt động xã hội.

Lim nhận xét những người trẻ tuổi có xu hướng bốc đồng hơn người lớn và có nhiều khả năng hiểu sai thông điệp, nhìn mọi thứ một cách tiêu cực, vội vàng kết luận rồi gây xung đột với bạn bè và gia đình.

leftcenterrightdel
 Trong đại dịch, nhiều người trẻ phải vật lộn với các khó khăn về tài chính, tình cảm. Ảnh: AFP.

Vickie Skorji, giám đốc kênh tư vấn sức khỏe tâm thần TELL Lifeline tại Tokyo (Nhật Bản), cho biết những người trẻ tuổi mà tổ chức của cô làm việc cùng lo lắng về trường học, gia đình, bạn bè, môi trường và thậm chí cả biến đổi khí hậu.

“Họ thắc mắc liệu cuộc sống của họ có tốt đẹp như của thế hệ cha mẹ hay không và kết luận họ đi tới thường là 'không'".

Tại Thái Lan, cuộc khảo sát do Unicef điều phối thực hiện cho thấy cứ 10 trẻ em và thanh niên thì có 7 người gặp vấn đề về sức khỏe tâm thần do đại dịch gây ra, đối mặt khó khăn do tài chính của gia đình không ổn định, cũng như lo sợ về việc học và tương lai của mình.

Theo bác sĩ Lim, những người trẻ tuổi "chưa đủ sự chín chắn để chấp nhận mọi thứ như chúng vốn có. Vì vậy, đối với họ, đại dịch gây ra tác động đặc biệt nặng nề".

Đương đầu với mất mát

Doreen Kho (sống tại Singapore) cảm thấy khó khăn trong việc nuôi dạy 3 đứa con còn lại kể từ khi một con trai của cô tự tử.

Bà mẹ 47 tuổi không còn biết mình có nên la rầy các con hay không vì lo rằng lời nói của mình có thể làm tổn thương chúng.

Evan Low (11 tuổi) con trai của Kho, tự kết liễu đời mình vào tháng 11/2017. Cậu bé được chẩn đoán mắc chứng trầm cảm vào đầu năm, được chỉ định uống thuốc 2 tháng trước khi chết. Trước đó, Low viết một bài văn về việc nhảy khỏi tòa nhà cao tầng.

leftcenterrightdel
 Kho tự trách sau khi cậu con trai 11 tuổi tự sát. Ảnh: Handout.

Đứa con út của Kho năm nay 8 tuổi, thỉnh thoảng về nhà khóc, nói nhớ anh trai. Cô con gái lớn, 13 tuổi, tự trách rằng Low có thể vẫn còn sống nếu cô nói ra ý định tự sát trước đó của em mình.

Bản thân Kho cũng luôn mang cảm giác tội lỗi và đau buồn, cố gắng gượng để chăm sóc những đứa con còn lại. Cô cũng tham gia PleaseStay Movement, một nhóm ngăn chặn nạn tự tử và hỗ trợ người trẻ ở Singapore.

Tìm kiếm sự trợ giúp

Đối với Kho, tư vấn bắt buộc trong trường học sẽ giúp xác định, điều trị sớm các vấn đề sức khỏe tâm thần và “có thể cứu một mạng sống ngay từ đầu”.

Theo cô, mong đợi người trẻ tự đi tìm sự giúp đỡ là không đủ, vì ngay cả người lớn cũng thường không làm vậy. Bản thân cô từng không muốn tiếp nhận tư vấn sau khi con trai tự sát.

"Chúng ta cũng phải chấm dứt tư tưởng rằng trẻ em chỉ cần im lặng và lắng nghe. Chúng ta cần bắt đầu nghe và thừa nhận cảm xúc của con cái mình, nếu không, vòng luẩn quẩn này sẽ chẳng bao giờ kết thúc".

Bác sĩ Lim cho biết trẻ em nên được dạy cách quản lý những suy nghĩ tiêu cực của mình, giúp giảm bớt lo lắng và kiểm soát tâm trạng.

Benny Prawira Siauw, người sáng lập tổ chức phi lợi nhuận ngăn chặn tự tử Into The Light Indonesia, cho rằng điều quan trọng là phải bình thường hóa các cuộc trò chuyện về sức khỏe tâm thần và chấm dứt “sự kỳ thị xã hội về tự tử”.

Jinda Chaipon thuộc Tổ chức Childline Thái Lan, điều hành đường dây trợ giúp 24/24 cho trẻ em dưới 18 tuổi, cho biết đôi khi mọi người chỉ cần một đôi tai biết lắng nghe, cảm thông.

“Thế giới của trẻ em rất nhỏ, chúng chỉ cần bạn bè và gia đình. Chẳng có gì là quá đáng để người lớn sắp xếp thời gian, ngồi lắng nghe trẻ nhỏ".

Theo zingnews