Sáng 14/7 (giờ địa phương), Minh Thư, 19 tuổi, theo học tại Texas Woman’s University nhận được thông báo hủy bỏ chính sách sẽ tước thị thực của các sinh viên quốc tế có khóa học trực tuyến. Nữ du học sinh thở phào nhẹ nhõm vì "cuối cùng mọi chuyện được giải quyết".
Gần 10 ngày sống trong lo lắng vì vừa phải chờ đợi thông báo cuối cùng của trường, vừa theo dõi các vụ kiện của các trường đại học, Thư gần như không thể chú tâm làm việc. Ngoài thời gian học trực tuyến, khi rảnh nữ sinh lại lên các hội nhóm của du học sinh hoặc đọc báo để cập nhật tin tức và chờ email của trường học. Mỗi ngày trôi qua với Thư đều vô cùng căng thẳng.
"Mọi suy nghĩ trong mình chỉ xoay quanh việc sẽ được học tiếp hay buộc phải trở về nước. Điều này ảnh hưởng rất lớn đến tinh thần của các du học sinh, nhất là khi Covid-19 chưa được kiểm soát", Thư bộc bạch.
Vừa nhận được thông tin, Thư vội vàng gọi điện thoại cho gia đình, dù lệch múi giờ. "Chắc bố mẹ ở Việt Nam cũng sẽ biết tin tức sớm thôi, nhưng mình vẫn muốn gọi điện thoại để gia đình bớt lo lắng. Những ngày qua đã quá mệt mỏi rồi", nữ sinh kể.
Trước đó, Thư cùng du học sinh tại Mỹ đã ký đơn kiến nghị của sinh viên quốc tế gửi lên Nhà Trắng về việc để du học sinh hoàn thành chương trình học tại Mỹ thay vì bị ép về nước. Sau gần 2 ngày, đơn kiến nghị đã có hơn 160.000 người đồng ý ký tên.
Minh Thư cho hay, chỉ còn hơn một tháng nữa sẽ nhập học chính thức, thông tin mới nhất của Nhà Trắng khiến các du học sinh cảm thấy an tâm và có thể tập trung tinh thần cho việc học.
Du học sinh tại Mỹ vui mừng trước quyết định hủy bỏ thông báo của ICE. Ảnh: AFP
Mãi đến 4 giờ chiều 14/7, Nguyễn Thị Thiên Kim, 20 tuổi, sinh viên Sacramento City College, bang California mới nhận được tin. Nữ sinh không kiềm chế được cảm xúc vui sướng.
Những ngày qua, Thiên Kim phải sống trong thấp thỏm, lo âu, đồng thời lên các phương án khác nhau để có thể ở lại Mỹ. Trong thời gian chờ đợi quyết định từ nhà trường, nữ sinh liên tục tìm hiểu về các trường tổ chức học kết hợp trực tiếp và trực tuyến, nhưng chưa vội đăng ký vì đang chờ kết luận cuối cùng.
"Mình chỉ tìm hiểu trước rồi tiếp tục chờ đợi. Trong tình huống xấu nhất sẽ phải chuyển trường vì về Việt Nam trong thời điểm hiện tại không khả thi, nhất là khi vẫn chưa mở lại đường bay từ Mỹ về nước", Kim nói.
Nỗi lo phải chuyển trường hoặc buộc phải về nước được gỡ bỏ, nữ du học sinh tiếp tục đăng ký học trực tuyến môn cuối cùng để hoàn thành hai năm cao đẳng, sau đó học chuyển tiếp đại học trong hai năm tới để lấy bằng cử nhân.
Sắp tới, khi Việt Nam mở lại đường bay quốc tế, Thiên Kim sẽ săn vé giá rẻ và mong có thể trở về quê nhà tại TP HCM để kịp ăn Tết với gia đình. Năm sau, trường cô tiếp tục học trực tuyến.
Chính quyền của Tổng thống Trump đã hủy chính sách tước thị thực của các sinh viên quốc tế có khóa học trực tuyến, hôm 14/7. Động thái này được đưa ra sau khi thông báo của cơ quan Thực thi Di trú và Hải quan Mỹ (ICE) gây hoang mang và tranh cãi lớn trong cộng đồng.
Thẩm phán Allison Burroughs tại quận liên bang ở Boston, người được cho sẽ làm chủ tọa các cuộc tranh luận trong vụ kiện chính quyền Trump của ĐH Harvard và MIT bất ngờ đưa ra thông báo: "Tôi đã nhận được thông báo từ Nhà Trắng. Họ sẽ đưa mọi thứ trở lại nguyên trạng và sẽ hủy áp dụng chỉ thị chính sách tháng 7/2020".