Hiệp ước Marrakesh: Hỗ trợ tiếp cận tác phẩm cho người khuyết tật
Cập nhật lúc 16:12, Thứ tư, 13/09/2023 (GMT+7)
Hội nghị tuyên truyền phổ biến nội dung Hiệp ước Marrakesh do Cục Bản quyền Tác giả và Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch diễn ra vào sáng ngày 12/9.
Hiệp ước Marrakesh (được thông qua vào tháng 6/2013, đến nay có 93 quốc gia thành viên) chính thức có hiệu lực tại Việt Nam từ ngày 6/3/2023. Đây là hiệp ước quốc tế nhằm tạo ra môi trường pháp lý với mục đích cải thiện khả năng tiếp cận các tác phẩm đã công bố cho người khuyết tật - những người không có khả năng tiếp cận tác phẩm để đọc theo cách thông thường - tạo ra sự cân bằng hợp lý giữa việc bảo vệ quyền tác giả và lợi ích chung.
Nội dung chính của Hiệp ước Marrakesh là tạo ra và phân phối các bản sao dễ tiếp cận (thể hiện bằng phương thức hay định dạng phù hợp với người khuyết tật), truyền đạt và biểu diễn tác phẩm trước công chúng, xuất khẩu và nhập khẩu các bản sao dễ tiếp cận, các trường hợp ngoại lệ liên quan đến các biện pháp công nghệ mà không cần phải xin phép chủ thể bản quyền.
|
Bà Phạm Thị Kim Oanh, Phó Cục trưởng Cục Bản quyền: "Hiệp ước Marrakesh không yêu cầu giới hạn xuất khẩu trong các trường hợp không có định dạng dễ tiếp cận dưới hình thức thương mại". Ảnh: Hàn Giang |
Luật Sửa đổi, bổ sung của Luật Sở hữu trí tuệ số 07/2022/QH15 đã có quy định ở điều 25a, về các trường hợp ngoại lệ không xâm phạm Quyền Tác giả dành cho người khuyết tật. Theo đó, người khuyết tật, người nuôi dưỡng, chăm sóc cho người khuyết tật, tổ chức đáp ứng điều kiện theo quy định của Chính phủ được thực hiện sao chép, phân phối, biểu diễn, truyền đạt tác phẩm xuyên biên giới dưới định dạng bản sao dễ tiếp cận bản gốc hoặc bản sao tác phẩm.
Phát biểu tại Hội nghị, bà Phạm Thị Kim Oanh, Phó Cục trưởng Cục Bản nhấn mạnh việc gia nhập Hiệp ước Marrakesh và các đơn vị trong nước cùng nhau hợp tác thực hiện sẽ giúp ích rất nhiều cho cộng đồng người khuyết tật trong việc tiếp cận tác phẩm với nguồn đa dạng, phong phú hơn.
|
Thư viện sách nói Hướng Dương cung cấp nguồn sách nói phong phú cho người khiếm thị nhiều năm qua |
"Việc tạo ra các định dạng dễ tiếp cận của các tác phẩm đã công bố như chữ Braille, audio, văn bản điện tử, ngôn ngữ ký hiệu... ngày càng trở nên cần thiết, quan trọng ở Việt Nam, nhằm bảo đảm cho người khuyết tật không có khả năng đọc chữ in thực hiện quyền bình đẳng, vươn lên hòa nhập với cộng đồng" - bà Phạm Thị Kim Oanh nói.
Theo bà, những điều cần làm trong thời gian tới là đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến quy định của Hiệp ước Marrakesh, tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật về quyền tác giả, quyền liên quan và chuẩn bị cơ sở vật chất cùng các điều kiện cần thiết cho việc chuyển định dạng, trao đổi, xuất nhập khẩu bản sao dưới định dạng dễ tiếp cận.
Theo phụ nữ TPHCM