|
|
Họa sỹ truyện tranh người Pháp Jean-Charles Sarrazin ký tặng sách cho thiếu nhi Việt Nam. (Ảnh: PV/Vietnam+) |
Với họa sỹ truyện tranh người Pháp Jean-Charles Sarrazin, duyên nợ của ông với Việt Nam bắt đầu vào năm 1987 khi là người đầu tiên được Chính phủ Pháp cấp học bổng sang học tại Việt Nam sau khi chiến tranh kết thúc.
Để rồi gần 40 năm qua, họa sỹ Sarrazin vẫn luôn dành tình cảm cho Việt Nam và sẵn sàng đến Việt Nam để tìm cảm hứng sáng tác, cũng như giao lưu với độc giả, đồng nghiệp bất cứ lúc nào.
Chàng sinh viên Pháp học mỹ thuật tại Việt Nam
Năm 1986, khi chuẩn bị tốt nghiệp Trường Đại học Mỹ thuật Công Nghiệp Olivier de Serres, Sarrazin có dịp gặp nhà thơ Cù Huy Cận, khi ấy là Bộ trưởng đặc trách Văn hóa tại Văn phòng Hội đồng Bộ trưởng, nhân chuyến công tác của ông tại Paris.
Sarrazin chia sẻ với ông mong muốn được học tập tại nước ngoài và ngay lập tức, Bộ trưởng Cù Huy Cận nói: “Sao không đến Việt Nam?”
|
|
Phong cảnh Hà Nội dưới nét vẽ của họa sỹ truyện tranh người Pháp Jean-Charles Sarrazin. |
Rồi cũng chính nhà thơ Huy Cận đã giúp chàng thanh niên Pháp liên lạc với các trường mỹ thuật tại Việt Nam. Sarrazin lên một dự án về trao đổi tri thức nghệ thuật rồi gửi tới Trường Đại học Mỹ thuật Công nghiệp Hà Nội. Chàng sinh viên Pháp cũng bày tỏ mong muốn được tham dự các lớp học về nghệ thuật truyền thống của Việt Nam như sơn mài, điêu khắc gỗ, tranh lụa... Bên cạnh đó, Sarrazin đề nghị được tổ chức và giảng dạy cho sinh viên tại trường bộ môn “Nghệ thuật truyền thống của châu Âu.”
“Dự án đã thuyết phục lãnh đạo Trường Đại học Mỹ thuật Công nghiệp Hà Nội và tôi được tiếp nhận. Khi đó, Bộ Ngoại giao Pháp quyết định lập ra một học bổng cho dự án này và cấp cho tôi. Đây là suất học bổng đầu tiên dành cho một sinh viên Pháp theo học tại Việt Nam kể từ sau chiến tranh,” họa sỹ Sarrazin nhớ lại.
|
|
Họa sỹ Jean-Charles Sarrazin đã xuất bản hơn 40 tác phẩm cho thiếu nhi và giành nhiều giải thưởng quốc tế. (Ảnh: PV/Vietnam+) |
Mặc dù thời gian học tại Việt Nam chỉ một năm nhưng ông Sarrazin đã có cơ hội gặp một số họa sỹ nổi tiếng như Bùi Xuân Phái, Bửu Chi…, những giảng viên mỹ thuật như Trịnh Tuân (Trường Đại học Mỹ thuật Công nghiệp) và Trần Trọng Vũ (Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam).
“Tôi đã theo họ rong ruổi đạp xe đi thực tế ở nông thôn, thăm những ngôi đền, các lễ hội truyền thống, cùng vẽ và chụp ảnh với họ,” họa sỹ Pháp kể.
Điểm đến ấn tượng với ông nhất là Mai Châu (Hòa Bình) với cảnh sắc vùng quê thanh bình, thưởng thức các món ăn dân tộc và nghỉ ngơi tại nhà sàn của bà con dân tộc Mường. Bên cạnh đó, những motif trang trí mỹ thuật tại chùa Tây Phương, chùa Thầy cũng để lại ấn tượng sâu đậm trong mắt họa sỹ người Pháp.
Kể từ đó, ông thường xuyên trở lại Việt Nam để giới thiệu sáng tác của mình thông qua các hội thảo, workshop, triển lãm, giao lưu với độc giả.
Cảm hứng sáng tác từ văn hóa Việt
Cho đến nay, Jean-Charles Sarrazin vẫn trung thành với lối làm sách truyền thống, từ chối sử dụng công nghệ dành cho các hoạ sỹ thiết kế đồ hoạ. Ông quan niệm: “Trẻ em với tâm hồn ngây thơ, sẽ dễ hiểu những gì gần gũi, trong sáng, thân thương nhất.”
|
|
Họa sỹ Jean-Charles Sarrazin trong triển lãm mới đây tại Viện Pháp, Hà Nội. (Ảnh: PV/Vietnam+) |
Họa sỹ Sarrazin nhìn nhận rằng quãng thời gian học tập, nghiên cứu tại Việt Nam đã thay đổi cuộc đời ông.
“Trong thời gian ở Việt Nam, tôi được tiếp cận với một nền văn hóa khác với văn hóa Pháp; có cái nhìn gần gũi hơn với nền văn hóa phương Đông và thấy được sự giao thoa giữa phương Đông và phương Tây. Tôi được gặp nhiều nghệ sỹ tên tuổi của Việt Nam và được truyền cảm hứng từ nghệ thuật Việt Nam,” họa sỹ chia sẻ
Các sáng tác của ông ít nhiều đều mang chút ảnh hưởng của văn hóa nghệ thuật Việt Nam, như tranh khắc gỗ, tranh sơn mài, tranh lụa …. đó là những điều ông tìm hiểu được khi học tập tại đây.
|
|
'Trí khôn của ta đây' qua nét vẽ họa sỹ Jean-Charles Sarrazin. |
Đặc biệt, ông có một cuốn sách lấy cảm hứng từ truyện cổ tích “Trí khôn của ta đây.”
Sarrazin kể lại câu chuyện giữa con trâu và con hổ trong câu chuyện, tuy nhiên, ông thay đổi nhân vật chủ con trâu từ người lớn thành một cậu bé để trẻ em thấy gần gũi hơn với lứa tuổi của mình.
Qua lời thoại trong truyện, họa sỹ muốn gửi đến thông điệp là ai cũng thông minh theo cách của riêng mình, chỉ cần biết vận dụng một cách đúng đắn. Và đây cũng là mục tiêu trong mỗi sáng tác của ông để giúp trẻ em hình thành nhân cách ngay từ nhỏ.
“Tôi thấy rất vui khi cuốn sách này được trẻ em Việt Nam yêu thích và đặc biệt là tôi đã từng được xem các em học sinh diễn lại thành vở kịch,” ông chia sẻ.
Trong năm nay, Sarrazin sẽ có các hoạt động triển lãm, giao lưu, workshop giới thiệu công việc, quá trình sáng tác của mình tại Hà Nội, Huế, Đà Nẵng và Thành phố Hồ Chí Minh theo lời mời của Viện Pháp tại Việt Nam.
“Với tôi, đất nước này đã trở nên thân thương và gắn bó. Hành trình của tôi với Việt Nam vẫn tiếp tục, xin cảm ơn vì tất cả những điều tốt đẹp mà Việt Nam đã mang tới cho tôi,” họa sỹ bày tỏ./.
Theo vietnamplus