|
|
Theo UNESCO, ít nhất 1,4 triệu trẻ em gái ở Afghanistan đã bị từ chối quyền tiếp cận giáo dục trung học kể từ khi Taliban trở lại nắm quyền vào năm 2021 |
Trong khi chính quyền Taliban kỷ niệm 3 năm ngày chiếm lại Afghanistan vào ngày 15/8 thì UNESCO cho biết trong một tuyên bố khi rằng khả năng tiếp cận giáo dục tiểu học của trẻ em gái ở đây cũng giảm mạnh, với số trẻ em gái và trẻ em trai đến trường ít hơn 1,1 triệu trẻ em.
“UNESCO đang lo ngại về những hậu quả có hại của tỉ lệ bỏ học ngày càng gia tăng này, có thể dẫn đến gia tăng tình trạng lao động trẻ em và tảo hôn“. Chỉ trong 3 năm, chính quyền thực tế đã gần như xóa bỏ 2 thập niên tiến bộ ổn định về giáo dục ở Afghanistan, và tương lai của cả một thế hệ hiện đang bị đe dọa" - cơ quan này cho biết.
UNESCO cho biết, hiện nay có gần 2,5 triệu trẻ em gái bị tước quyền được giáo dục, chiếm 80% số trẻ em gái trong độ tuổi đi học ở Afghanistan.
Chính quyền Taliban đã áp đặt những hạn chế đối với phụ nữ mà Liên hiệp quốc mô tả là “phân biệt giới tính”.
Afghanistan là quốc gia duy nhất trên thế giới cấm trẻ em gái và phụ nữ theo học trung học và đại học. "Do lệnh cấm của chính quyền thực tế áp đặt, ít nhất 1,4 triệu trẻ em gái đã bị cố tình từ chối quyền tiếp cận giáo dục trung học kể từ năm 2021" - UNESCO cho biết.
Con số này tăng 300.000 so với số liệu trước đó do cơ quan Liên hiệp quốc thực hiện vào tháng 4/2023.
Tổng giám đốc UNESCO Audrey Azoulay kêu gọi cộng đồng quốc tế tiếp tục hành động để mở cửa lại trường học và trường đại học vô điều kiện cho trẻ em gái và phụ nữ Afghanistan.
Số lượng học sinh tiểu học cũng giảm. UNESCO cho biết Afghanistan chỉ có 5,7 triệu trẻ em gái và trẻ em trai học tiểu học vào năm 2022, so với 6,8 triệu vào năm 2019.
UNESCO đổ lỗi cho sự sụt giảm này là do quyết định của chính quyền cấm giáo viên nữ dạy học sinh nam cũng như việc thiếu động lực để phụ huynh cho con đến trường.
Tuyên bố cho biết, tình trạng tuyển sinh vào giáo dục đại học cũng đáng lo ngại không kém, đồng thời nói thêm rằng số lượng sinh viên đại học đã giảm 53% kể từ năm 2021.
“Kết quả là, đất nước sẽ nhanh chóng phải đối mặt với tình trạng thiếu hụt sinh viên tốt nghiệp được đào tạo cho những công việc đòi hỏi kỹ năng cao nhất, điều này sẽ chỉ làm trầm trọng thêm các vấn đề phát triển” - UNESCO cho biết.
Theo phụ nữ TPHCM