Khi Taliban tiến vào thủ đô Kabul của Afghanistan vào hôm 15/8, giảng viên đại học đã tập trung nhóm sinh viên nữ nói lời chào tạm biệt. Cùng với câu “chúng ta có thể sẽ không gặp lại nhau”, giảng viên đại học, cùng với nhiều người khác tại Afghanistan, phải đi sơ tán. Trường học, văn phòng, cửa hàng, tất cả đều đóng cửa, theo Bloomberg.

Giống như hàng nghìn người khác, giấc mơ của Aisha Khurram, 22 tuổi, hiện dang dở. Cô học kỳ cuối ngành quan hệ quốc tế ở Đại học Kabul. Chỉ còn hai tháng nữa là tốt nghiệp, nhưng bây giờ “có vẻ như tôi sẽ không bao giờ tốt nghiệp được nữa”, cô nói.

Tại Herat, thành phố lớn thứ ba của Afghanistan, nơi rơi vào tay Taliban hôm 12/8, trường học đã quay lưng với các cô gái. “Hệ thống giáo dục đang sụp đổ”, Khurram nói.

Tuy nhiên, một lĩnh vực kinh doanh khác lại đang bùng nổ. Ở các tỉnh, cửa hàng bán burqa (khăn trùm đầu) đang mở cửa trở lại. Những bộ quần áo dày, màu xanh lam, bao phủ cơ thể phụ nữ từ đầu đến chân - biểu tượng cho sự đàn áp của Taliban trước đây - đang trở thành một mặt hàng đắt tiền, phải xuất hiện trong tủ đồ.

“Nhiều phụ nữ không sống dưới thời kỳ của Taliban trước đây tuyên bố: ‘Tôi sẽ không theo đuổi kiểu ăn mặc áp bức này’”, cô Khurram, người từng Đại diện Thanh niên Afghanistan tại Liên Hợp Quốc năm 2019, cho biết. “Tôi không biết điều gì sẽ xảy ra với thế hệ phụ nữ trẻ tại Afghanistan. Họ xuất chúng. Nhưng bây giờ phải ngồi nhà và tự hỏi điều gì sẽ xảy ra. Thế hệ này đã hình thành nên đất nước Afghanistan hiện đại”.

                                                             Buôn bán burqa bùng nổ ở Afghanistan. Ảnh: Guardian.


Cuộc họp giữa lãnh đạo Taliban và Afghanistan sẽ diễn ra vào ngày 16/8 để chuyển giao quyền lực trong hòa bình. Tất cả những gì người dân Afghanistan có thể làm là chờ đợi và lo lắng. Ngày 15/8 chứng kiến hàng chục chuyến trực thăng bay qua Kabul, khi Mỹ và các quốc gia khác vội vã sơ tán công dân của họ, để lại số phận người Afghanistan.

Taliban hiện nắm giữ gần như toàn bộ đất nước, từ tỉnh đến thủ phủ, cửa khẩu biên giới và thủ đô. Nhóm điều quân tới khu vực xung quanh Kabul cho tới khi cuộc đàm phán kết thúc.

Đó như là niềm an ủi với người Afghanistan. Hàng nghìn người tràn vào thủ đô hy vọng thoát khỏi sự cai trị hà khắc của Taliban, từ giết người trả thù, chèn ép phụ nữ, đàn ông phải nuôi râu, trẻ em gái bị cấm đi học. Nhiều thanh niên trẻ ép gia nhập hàng ngũ Taliban, ước mơ về một tương lai tốt đẹp tan thành mây khói. Họ như quay trở lại những năm 1990.

Bất chấp rủi ro, nhiều người Afghanistan vẫn tiếp tục lên tiếng, trong đó có Muska Dastageer - giảng viên tại đại học Mỹ ở Afghanistan - người trực tiếp tương tác với Taliban trên mạng xã hội Twitter.

“Người Afghanistan sẽ không còn là nạn nhân nữa. Phụ nữ Afghanistan sẽ không trốn chạy. Chúng tôi sẽ không sợ hãi”, Dastageer đã tweet cho Suhail Shaheen, một thành viên trong ủy ban đàm phán của Taliban. “Ánh mắt cả thế giới đang đổ dồn về Afghanistan, Kabul, Taliban và những gì họ làm”.

Hiện tại, mọi người vẫn còn sốc. Nước mắt đã khô lại, không ai còn cảm xúc gì nữa. Giao thông tại thủ đô tắc nghẽn. Người dân hoảng loạn chạy về nhà. Điện mất từ sáng ngày 15/8. Chỉ những ai có quyền mới có thể xem tin tức về hành động tiếp theo của Taliban.

Mọi người muốn rời đi nhưng biên giới đã đóng lại.

Theo Zing