|
|
Phiên chuyên đề thu hút sự tham gia của đông đảo đại biểu. (Ảnh: Tuấn Anh) |
Phiên chuyên đề ghi nhận 16 bài tham luận của kiều bào, trong đó có 7 bài tham luận từ đại diện Bộ Công thương, Bộ Kế hoạch và đầu tư, Bộ Ngoại giao, Liên đoàn Thương mại và công nghiệp Việt Nam, Hiệp hội doanh nhân Việt Nam ở nước ngoài; đại diện doanh nghiệp trong nước và địa phương.
Chia sẻ tại đây, ông Nguyễn Anh Tuấn, Phó cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, chia sẻ rằng đây cơ hội các doanh nghiệp trao đổi về yêu cầu thu hút đầu tư trong tình hình mới.
Theo ông Tuấn, hội nghị lần này là cơ hội để NVNONN có cái nhìn rõ, sâu sắc hơn và tiếp tục tin tưởng, đầu tư vào Việt Nam.
Trong bối cảnh kinh tế thế giới đầy biến động phức tạp, khó lường, cơ hội và thách thức đan xen, kinh tế Việt Nam đã đạt nhiều thành tựu đáng ghi nhận.
Nhờ vậy, Việt Nam tiếp tục đạt nhiều kết quả trong thu hút đầu tư nước ngoài và duy trì là điểm đến hấp dẫn cho các nhà đầu tư trên thế giới.
Các bài phát biểu và tham luận tại sự kiện tập trung vào phát huy nguồn lực kiều bào để thúc đẩy phát triển đất nước, đưa hàng Việt Nam ra thị trường quốc tế thông qua các kênh thương mại, đầu tư và kết nối của doanh nhân kiều bào.
Qua đây, các doanh nhân, doanh nghiệp kiều bào cũng như trong nước nêu các ý kiến đối với các mục tiêu phát triển kinh tế của Việt Nam trong thời gian tới.
Về phát triển thương hiệu quốc gia, các ý kiến nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tăng cường xuất khẩu hàng hóa Việt Nam ra thị trường quốc tế, đặc biệt là các thị trường tiềm năng như Thái Lan, châu Âu, và Mỹ.
Nhiều kiều bào đề xuất cải thiện chính sách, giảm bớt hàng rào kỹ thuật và tăng cường quảng bá thương hiệu quốc gia, trong đó chỉ dẫn địa lý và thương hiệu nông sản được xem là các yếu tố quan trọng giúp nâng cao khả năng cạnh tranh của Việt Nam trên trường quốc tế.
Trong bối cảnh toàn cầu hóa và sự phát triển nhanh chóng của công nghệ, các đại biểu đề xuất cần có chính sách và chiến lược để đưa Việt Nam trở thành một cường quốc về an ninh mạng, đồng thời phát triển các công nghệ tiên tiến như blockchain và trí tuệ nhân tạo (AI), giúp bảo vệ tài sản trí tuệ và nâng cao năng lực cạnh tranh của Việt Nam trên thị trường toàn cầu.
Ông Peter Hồng, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nhân Việt Nam ở nước ngoài, cho rằng NVNONN ngày càng chứng tỏ được trí tuệ và tài năng của mình trên trường quốc tế. Nhiều doanh nhân kiều bào có trình độ, năng lực cao đã thành danh và góp mặt trong danh sách các tỷ phú thế giới.
Ông khẳng định dù sống ở nước ngoài, không ít doanh nhân, trí thức kiều bào sẵn sàng, khao khát trở về đầu tư làm giàu và xây dựng quê hương, đất nước.
Tại phiên họp, các đại biểu nhấn mạnh sự cần thiết của việc phối hợp chặt chẽ giữa các doanh nghiệp Việt kiều và các doanh nghiệp trong nước, cùng với các chính sách của Nhà nước trong thúc đẩy xuất khẩu và đầu tư, đặc biệt là trong việc xây dựng các chiến lược dài hạn nhằm phát triển thương hiệu quốc gia và tăng cường hợp tác thương mại giữa Việt Nam và các quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới.
Theo đó, Nhà nước cần đóng vai trò định hướng các lĩnh vực thế mạnh, hỗ trợ doanh nghiệp và giám sát chất lượng hàng xuất nhập khẩu để xây dựng các thương hiệu có tầm quốc tế.
Việc tận dụng nguồn lực tri thức và kinh nghiệm của kiều bào cũng được nhiều đại biểu quan tâm. Thông qua chuyển giao công nghệ, trao đổi kinh nghiệm đăng ký và bảo hộ tài sản trí tuệ, tư vấn chiến lược phát triển loại tài sản này, doanh nghiệp Việt Nam có thể mở rộng mạng lưới đối tác, nâng cao năng lực quản lý, gia tăng giá trị và uy tín trên thị trường toàn cầu.
Mặc dù đạt nhiều kết quả tích cực trong thu hút đầu tư từ kiều bào, các đại biểu cũng chỉ ra những tồn tại, như công tác tuyên truyền chưa đạt hiệu quả và sự phối hợp chưa chặt chẽ giữa các bộ ngành, kiều bào chưa hiểu đầy đủ về các quy định đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam.
Các giải pháp được đề xuất bao gồm cải thiện công tác truyền thông, tăng cường đối thoại giữa cơ quan quản lý và kiều bào, tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho kiều bào trong quá trình đầu tư vào Việt Nam.
Bà Nguyễn Thảo Hiền, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Âu, châu Mỹ (Bộ Công thương), cho biết Việt Nam đã ban hành nhiều chính sách tạo điều kiện thuận lợi cho NVNONN về đầu tư, kinh doanh và sinh sống ở trong nước như chính sách Luật quốc tịch, chính sách mua nhà, miễn thị thực, ưu đãi đầu tư...
|
|
Việc tận dụng nguồn lực tri thức và kinh nghiệm của kiều bào được nhiều đại biểu quan tâm. (Ảnh: Tuấn Anh) |
Những chính sách này đang ngày càng phát huy hiệu quả và đem lại những tác động tích cực như đầu tư của NVNONN về nước tiếp tục tăng, quy mô của dự án ngày càng mở rộng, lượng kiều hối liên tục tăng...
Hội thảo chuyên đề đã lắng nghe và tiếp thu các kiến nghị và giải pháp của kiều bào đối với những vấn đề phát triển kinh tế đất nước trong tình hình mới.
Đại diện các bộ, ngành, doanh nghiệp trong nước thông tin về các chính sách của Nhà nước đối với sự phát triển của cộng đồng doanh nhân, đồng thời nhấn mạnh vai trò của kiều bào trong việc đưa các sản phẩm Việt Nam ra nước ngoài thông qua các kênh phân phối hàng hóa của họ ở sở tại.
Theo baoquocte