Một cửa hàng tạp hóa ở Kuala Lumpur, Malaysia

Kể từ đầu năm 2021, Đông Nam Á nổi lên như một trong những tâm chấn toàn cầu của đại dịch COVID-19, với nhiều quốc gia như Indonesia, Thái Lan, Malaysia… liên tục ghi nhận số người mắc COVID-19 và tử vong hàng ngày kỷ lục.

ILO báo cáo trong năm 2020, số lao động có việc làm ở các nước ASEAN ít hơn 10,6 triệu (hoặc 3,2%) so với dự kiến. Trong đó, Philippines gánh chịu tỷ lệ mất việc làm với 13,6%, còn Lào, Thái Lan và Brunei dao động khoảng 4%. Trong số các nhóm lao động bị ảnh hưởng nặng nề nhất thì phụ nữ và lao động trẻ dẫn đầu.

"Tác động của đại dịch đối với thị trường việc làm là chưa từng có. Ngay cả trong thời điểm diễn ra các cuộc khủng hoảng kinh tế trước đây như cuộc khủng hoảng tài chính châu Á năm 1997 hay cuộc Đại suy thoái năm 2008-2009, việc làm luôn gia tăng trong khu vực ASEAN" - ILO cho biết.

Trong năm 2021 và 2022, ILO dự báo các nước Đông Nam Á có thể chứng kiến tỷ lệ mất việc làm lên tới 7,9%, xuất phát từ nhiều yếu tố, bao gồm các biện pháp hạn chế gắt gao để kiểm soát sự lây lan của virus, ngành du lịch bị suy thoái nghiêm trọng, giảm tiêu dùng nội địa…

Với số ca nhiễm SARS-CoV-2 gia tăng trong khi việc triển khai tiêm chủng vắc xin tương đối chậm chạp ở hầu hết quốc gia trong khu vực thì những tác động tiêu cực lên kinh tế và thị trường lao động nhiều khả năng sẽ kéo dài.

“Tình hình thị trường lao động có thể sẽ diễn tiến xấu hơn nữa, vì đại dịch tiếp tục lây lan theo cấp số nhân ở nhiều nơi trong khu vực” - theo dự báo của ILO.

Đến nay, tỷ lệ dân số được tiêm đầy đủ hai mũi vắc xin ở các nước Đông Nam Á còn rất thấp như Thái Lan (6,9%), Indonesia (9,4%), Brunei (9,5%), Philippines (11%)…

Theo phunuonline