leftcenterrightdel
 

Vào mùa lễ hội cuối năm ở phương Tây, với hàng loạt dịp lễ như Halloween, Black Friday, Boxing Day, lễ Tạ ơn, Giáng sinh, nhiều nhãn hàng lớn liên tiếp chạy chiến dịch quảng cáo để thúc đẩy doanh số bán hàng.

Ở vị trí nhân viên planner (người lên kế hoạch) tại công ty truyền thông ở Toronto (Canada), công việc của Cẩm Linh (25 tuổi, Hà Nội) bao gồm làm việc với khách hàng, tìm thuê outsource (đơn vị ngoài) phù hợp, tập hợp ý tưởng, phân bổ ngân sách trước khi chốt phương án cuối cùng và lên hợp đồng.

Linh có nhiều đầu việc hơn thông thường vì công ty không đủ nhân sự. Là người đứng giữa, cô ngoài làm việc với phía outsource còn phải thường xuyên tham gia các cuộc họp với khách hàng để nắm được tiến trình tới đâu, trong giai đoạn nào.

“Vào các thời điểm khác trong năm, một khách hàng lớn bên mình chỉ chạy vài chiến dịch quảng cáo. Nhưng vào mùa lễ hội, họ có thể tăng gấp đôi số lượng. Trong lúc đó, mình cũng phải theo dõi sát sao, đảm bảo sản phẩm đúng ý tưởng ban đầu, lên sóng đúng giờ rồi nhập dữ liệu, xem có vấn đề phát sinh không và gửi lại báo cáo khi mọi thứ kết thúc”.

Trước khi bước vào mùa cao điểm, Linh và các đồng nghiệp thường phải lên kế hoạch từ trước 2-3 tháng.

“Như hiện tại, một số bên đã triển khai cho kế hoạch đầu năm 2023. Do đó, thời điểm cuối năm, mình luôn trong trạng thái gấp gáp, khối lượng công việc đổ dồn về nhiều nhất vì vừa phải tăng tốc hoàn thành KPI, vừa lo cho phần việc của năm sau”, cô kể.

Nhiều bạn trẻ hiện sinh sống và làm việc ở nước ngoài cũng không tránh khỏi cảnh chạy deadline cuối năm như Cẩm Linh. Trái lại, tùy văn hóa làm việc của quốc gia hay vị trí công việc, một số không phải chịu áp lực này.

Chạy deadline đến 2h sáng

Ở Việt Nam, giờ làm việc của Linh chuyển qua từ 18h đến 2h sáng hôm sau.

“Cấp trên tạo điều kiện đẩy giờ làm sớm lên so với giờ ở Canada vì sợ nhân viên kiệt sức. Nhưng trong 2 tiếng được nghỉ trước mọi người lại là lúc diễn ra nhiều cuộc họp, mình mang tâm lý sợ bỏ lỡ các thông tin quan trọng. Mình giải quyết bằng cách cố online nhiều nhất có thể và hôm sau đọc lại một lượt báo cáo”, cô nói.

leftcenterrightdel
Khối lượng công việc nhiều cộng làm việc trái múi giờ khiến Cẩm Linh dễ gặp căng thẳng 

Làm việc trái múi giờ, Linh không tránh khỏi những lúc thấy buồn ngủ, mệt mỏi. Cốc cà phê thường xuyên có mặt trên bàn để giữ đầu óc tỉnh táo. Khung giờ dở dang cũng khiến lịch đi chơi, tụ tập bạn bè hầu hết phải lùi xuống cuối tuần.

Lần đầu chạy deadline mùa lễ hội, Linh thừa nhận bản thân gặp nhiều áp lực về việc phải giữ mọi thứ trơn tru, đúng tiến độ.

“Hiện tại, mình vẫn đang xoay xở khá tốt nhưng không chắc tháng tới còn giữ được trạng thái này. Việc càng nhiều hơn, công ty lại có nhân sự nghỉ việc mà không có người thay thế làm bản thân bắt đầu thấy căng thẳng”, cô lo lắng.

Làm việc cho công ty chuyên nhập khẩu sản phẩm thực phẩm chức năng, hàng gia dụng của Đức về Việt Nam, Thiên Yến (25 tuổi, sống tại Berlin) đảm nhận khâu logistic (vận chuyển và lưu trữ hàng hóa) và phụ trách một phần liên quan đến bán hàng.

Các đối tác thường xuyên tiếp xúc, làm việc cùng bao gồm bên cung cấp tại Đức, khách hàng ở Việt Nam và nhà vận chuyển ở cả 2 phía.

“Cuối năm, nhiều nhà phân phối tung hàng loạt khuyến mãi, kích cầu mua sắm. Do đó, số lượng hàng nhập khẩu về sẽ tăng lên để đáp ứng đủ nhu cầu mua bán”, cô kể.

Nhiệm vụ của Yến là đảm bảo nguồn cung từ phía Đức đáp ứng đủ đơn đặt hàng. Khi xong xuôi các phần kiểm hàng, đóng gói, thủ tục hải quan, cô cần nhanh chóng cho hàng xuất kho, đảm bảo hàng về Việt Nam và đến tay nhà phân phối đúng thời hạn, trước khi họ chạy chương trình.

Căng thẳng ở vị trí công việc hiện tại của Yến là phải bằng mọi cách để dòng hàng ra - vào đúng kế hoạch.

“Sang đầu năm mới, rất nhiều hãng ở Đức ngay lập tức tăng giá, vì vậy cuối năm là lúc phải liên tục nhập hàng về trước khi giá thay đổi”, cô giải thích.

leftcenterrightdel
Chưa bước vào giai đoạn “căng” nhất, Thiên Yến vẫn cần khoảng 10 tiếng/ngày để hoàn thành các đầu việc 

Từ cuối tháng 8, Yến họp bàn kế hoạch với cấp trên và nói chuyện với phía khách hàng ở nhà, xem xét thứ tự ưu tiên nhập sản phẩm nào trước. Cô cho hay tháng 10 chỉ là khởi động, 2 tháng tiếp theo mới là giai đoạn vất vả nhất.

Tuy nhiên, Yến vẫn phải làm thêm giờ để kịp deadline. Trung bình, cô ở công ty khoảng 10 tiếng/ngày.

“Mình thuộc tuýp người không muốn mang công việc về nhà nên chấp nhận ở lại công ty muộn, về đến nhà lúc 21-22h”.

Ngoài ra, tâm lý sợ sai xuất hiện nhiều hơn trong thời gian này bởi một lỗi nhỏ trong việc nhập thông tin sản phẩm trên hệ thống hoặc giấy tờ cũng dẫn đến các khâu khác như đóng hàng, làm hợp đồng phải làm lại.

“Nhiều lúc, mình mất 30-45 phút kiểm tra một chỗ nhiều lần, không phải vì làm không cẩn thận mà vì sợ khiến mọi thứ chệch nhịp, người khác thêm việc”, cô gái 25 tuổi nói.

Ban đầu, Yến định về Hà Nội đón Tết Âm lịch sau 3 năm xa nhà. Nhưng vì thời điểm đó công việc vẫn chưa hết guồng quay, chỉ nghỉ được 2 tuần, cô đành lùi kế hoạch sang mùa hè.

Bù lại, Yến vẫn có khoảng thời gian cuối tuần nghỉ ngơi, rủ bạn bè đi ăn uống, xem triển lãm.

“Hiệu suất làm việc ở Đức rất cao, không hề có cảm giác thảnh thơi nhưng mọi thứ rạch ròi, không lo cảnh bị sếp gọi giao việc vào ngày nghỉ. Mình vẫn đang cân bằng được giữa công việc và cuộc sống cá nhân”, cô nói.

Chủ động tăng ca để nghỉ ngơi cuối năm

Vào dịp cuối năm cũng như Giáng sinh tại Đức, Thu Hoài (29 tuổi), nhân viên công ty về chất bán dẫn của Mỹ, thấy hơi khác ở Việt Nam do mọi người nghỉ ngơi khá nhiều. Một phần tùy vào tính chất công việc.

Năm ngoái, khi làm ở phòng tài chính, công việc cuối năm của Hoài khá bận rộn do phải đóng sổ. Tuy nhiên, năm nay, cô chuyển sang bộ phận khách hàng thì ngược lại.

Bản thân Hoài đặt lịch nghỉ một tuần vào những ngày cuối năm để về tụ họp với gia đình. Trước đó, cuối tháng 10, cô cũng có kỳ nghỉ kéo dài 3 tuần.

Để công việc không bị dồn lại, Hoài chủ động tăng ca, làm thêm giờ.

leftcenterrightdel
Năm sau, khi quay trở lại bộ phận tài chính, Thu Hoài sẽ phải chạy deadline cuối năm để hoàn thành công việc 

“Công ty mình rất thoải mái, sếp không bao giờ hỏi làm đến đâu mà nhân viên phải tự sắp xếp và ưu tiên công việc quan trọng hơn. Bởi vậy, nếu không có gì quá khẩn cấp, rất ít khi mình thấy mọi người tăng ca. Tất nhiên, có những khoảng thời gian trong năm khi lượng công việc tăng, mọi người cũng sẽ làm trễ hơn. Nhưng tất cả dựa trên tính tự giác và không bị ép buộc”, cô kể.

Với Hoài, cuối năm vừa là lúc xả hơi, vừa là lúc để hoàn thành những gì còn dang dở, nhất là khoảng một tháng trước Giáng sinh.

“Mình luôn lên kế hoạch cụ thể và hoàn thành trong thời gian nhất định nên sẽ tránh được trường hợp để nhiều việc đọng lại. Mình cũng không thích cảm giác làm việc gì đó dang dở. Do đó, dịp cuối năm, mình cũng sẽ như mọi người, cố gắng hoàn thành mọi thứ. Tuy nhiên, nếu có kế hoạch tốt từ trước và giữ bản thân kỷ luật, không có quá nhiều thứ phải ‘chạy KPI’”.

Tương tự Thu Hoài, Min (tên thật Minh Hiếu, 28 tuổi), nhân viên marketing ở Dubai (UAE), cũng không phải chịu áp lực chạy deadline cuối năm.

Trước đây, khi còn làm việc ở Việt Nam, do đặc thù của ngành marketing, hầu hết nhãn hàng đều có chương trình giảm giá, quảng cáo rầm rộ cho kịp không khí Tết, mùa cuối năm, Min có ít nhất 4-5 chiến dịch marketing, sự kiện lớn nhỏ cho nhãn hàng mình phụ trách. Bởi vậy, cô luôn trong trạng thái chạy dự án tất bật.

Mọi thứ thay đổi khi Min ra nước ngoài làm việc.

Cô gái 28 tuổi cho biết 80% dân số Dubai là người Hồi giáo. Theo quy định nghiêm ngặt, họ không đón những lễ, Tết không thuộc về tôn giáo của mình và không có ngày nghỉ kéo dài vào dịp năm mới.

“Không có lễ lớn, đương nhiên cũng không có chiến dịch đặc biệt nên không có cảnh chạy KPI hay chạy deadline. Cuối năm chỉ là những ngày đi làm bình thường như các thời điểm khác. Bởi vậy, mình muốn nghỉ phép hay đi du lịch thì chủ động thông báo và sắp xếp với cấp trên là được”, cô nói.

leftcenterrightdel
Min làm việc như bình thường trong những tháng cuối năm 

Lúc mới gia nhập công ty, Min vẫn mang phong cách làm việc gấp gáp như khi còn ở Việt Nam. Sau một thời gian, cô được đồng nghiệp nhắc khéo là mọi người ở đây không có phong cách làm việc như vậy nên cứ từ từ.

Dù là thời điểm nào trong năm, nhân sự công ty Min cũng sẽ về đúng 18h hoặc chỉ tới 18h30. Cô cũng gặp trường hợp một số sự việc có thể trì hoãn, sếp vẫn sẽ đồng ý.

“Người Hồi giáo ở Dubai không uống rượu bia và cầu nguyện 5 lần/ngày. Họ không có những thói quen làm việc giống người Việt như karaoke, đi nhậu để bàn hợp đồng, dự án. Dịp cuối năm, không có nhiều sự kiện, tiệc tùng. Công ty mình sẽ ăn buffet, uống nước trái cây ở khách sạn 5 sao rồi ra về lúc khoảng 21-22h”, Min cho hay.

Do phong cách chung của người Dubai là nhẹ nhàng, việc thúc giục, gấp rút, đè áp lực sẽ khiến họ khó chấp nhận và đi tìm công ty khác, thậm chí có thể kiện tụng.

“Bên này, cãi nhau ngoài đường cũng có thể bị trục xuất vĩnh viễn khỏi đất nước. Tình trạng ép buộc nhân viên tăng ca không lương sẽ rất hiếm vì khi bị kiện tụng, có thể buộc cả doanh nghiệp đóng cửa”, cô nói.

Theo Zingnews