Bên trong khu hẻm nhỏ ngoằn ngoèo của Meerganj, phố đèn đỏ khét tiếng ở thành phố Allahbad (bang bắc Ấn, Uttar Pradesh), một người đàn ông mặc sơ mi đơn giản, mang balô bước ngang dãy nhà thổ đổ nát liên tục rao “bán son môi giá tốt”.
Ông bán mỹ phẩm chất lượng, giá rẻ và còn cho phép những cô gái bán hoa trả góp nên khá được lòng họ.
|
|
Một nhóm nạn nhân bị buôn bán tình dục và các con của họ được Guria India giải cứu |
Ajeet Singh không phải một người bán hàng rong bình thường. Ông là giám đốc tổ chức xã hội Guria India. “Vỏ bọc” trên giúp Singh lẩn mình vào hang ổ một nhóm buôn người, nhằm giải cứu phụ nữ và trẻ em gái bị đẩy vào con đường mại dâm.
“Ngàn cân treo sợi tóc”
Singh đã bí mật điều tra về hành tung của đám buôn người tại phố Meerganj. Nhờ cải trang thành người bán mỹ phẩm, ông âm thầm thu thập bằng chứng tố cáo hành vi buôn người và cưỡng ép mại dâm. Rất nhiều nạn nhân thậm chí chưa thành niên, họ bị bắt cóc khỏi nhà cách đó hàng trăm cây số.
“Tình thế quả thật "ngàn cân treo sợi tóc" - Singh nói - “Không có cơ hội để chần chừ. Một sai lầm nhỏ có thể đánh đổi bằng mạng sống của tôi”.
Nạn buôn người đang diễn biến phức tạp, ghê rợn và khó lường hơn. Điều này đồng nghĩa, các nhà hoạt động nhân quyền như Singh phải sáng tạo để đương đầu bọn tội phạm.
“Tôi nảy ra ý tưởng giả trang làm người bán mỹ phẩm sau vài lần để những kẻ đứng sau nhà thổ "vượt mặt" - ông giải thích. Ông nói thêm: “Luôn rất khó truy lùng tung tích nạn nhân vì khi ai đó trông thấy tôi, một người lạ có vẻ khả nghi, họ lập tức báo cho quản lý nhà thổ. Nhóm ma cô sẽ nhanh chóng dời địa bàn hoạt động. Cảnh sát không ưu tiên giải cứu nạn nhân vì gái bán hoa thuộc tầng chót trong hệ thống hoạt động của một nhóm tội phạm. Thế nên chúng tôi nghĩ cách chủ động tìm chứng cứ”.
|
|
Singh trò chuyện cùng nhóm trẻ em được giải cứu khỏi bọn buôn người, các em đang sinh hoạt trong trung tâm phúc lợi, bảo trợ bởi tổ chức xã hội của ông |
Sử dụng thiết bị điện tử thô sơ như máy quay mini giấu trong bút máy, Singh bắt đầu chiến dịch truy vết tội phạm trên mọi ngả đường lớn nhỏ ở phố đèn đỏ suốt 1 năm qua với "vỏ bọc an toàn" là người bán mỹ phẩm.
“Gái bán hoa bị ma cô kiểm soát rất chặt. Bạn không thể trực tiếp hỏi họ điều gì. Nhưng nhờ liên tục qua lại khu đèn đỏ, tôi nghe và nhìn thấy rất nhiều thứ” - Singh kể.
Trong văn phòng làm việc của ông tại Guria India, dãy hồ sơ chất chồng chiếm chỗ cả sàn nhà. Trong đó là thông tin về hàng ngàn thiếu nữ đã được các nhà hoạt động nhân quyền giải cứu. Có ít nhất 4.000 hồ sơ, tổng kết từ nhiều năm qua.
Sau một chiến dịch kéo dài 11 tháng, Guria India giúp giải cứu 136 nạn nhân tuổi vị thành niên bị ép bán dâm. Nhờ đó, 61 nhà thổ bị buộc phải đóng cửa.
Internet là công cụ đắc lực của bọn buôn người
Thời điểm thu thập đủ bằng chứng, nhóm 10 thành viên của Guria India phối hợp cùng cảnh sát địa phương đột kích nhà thổ lúc rạng sáng, giải thoát các nạn nhân bị giam giữ.
|
|
Trẻ em tại trung tâm phúc lợi Guria India được dạy các kỹ năng cần thiết để bắt đầu cuộc sống mới |
Ước tính tại Ấn Độ, có đến 1,2 triệu trẻ em dưới 18 tuổi đang làm việc ở nhà thổ. Phần lớn chúng bị bọn buôn người mang tới. Số liệu điều tra từ Guria India cho thấy, khoảng 75% nạn nhân vẫn chưa thành niên.
Thời gian gần đây, công nghệ và mạng xã hội trở thành công cụ giúp bọn buôn người lừa gạt trẻ em nghèo, thông qua quảng cáo công việc hấp dẫn hoặc hứa hẹn về tình yêu - hôn nhân.
"Internet đang tiếp tay cho tội phạm hành động dễ dàng hơn” - Bharti Ali, một nhà hoạt động vì quyền trẻ em - nhận xét. Ông nói: “Thường cảnh sát không tìm người mất tích ngay nếu họ nhận định trẻ chủ động bỏ trốn khỏi nhà. Vì điều này, gia đình có thể không muốn nỗ lực tìm đứa trẻ nữa. Nhiều trẻ em gái bị lừa gạt và buôn bán tình dục bởi người các em tin tưởng. Hoặc tội phạm cố tình tiếp cận, dụ dỗ nạn nhân với ý đồ xấu từ trước. Một khi bị bắt đến nơi khác, bị giám sát chặt, các em gần như không còn cơ hội tự thoát thân”.
Đến phòng giam ở nhà thổ, trẻ em phải chịu đựng tình cảnh bị đe dọa, xâm hại và bóc lột mỗi ngày.
Trong số nạn nhân vừa được nhóm của Singh giải cứu có Sarita. Cô bé bị anh trai ruột bán cho bọn buôn người khi mới 12 tuổi. “Anh trai em là một con nghiện. Một ngày anh ta nói sẽ dẫn em đến Mumbai thăm mẹ khi mẹ đang làm việc ở đó, rồi anh ta bán em cho một người đàn ông" - em kể.
Bị đưa đến một nhà thổ cách quê hơn 700km, Sarita bị hành hạ và xâm hại bởi nhóm tội phạm. Sau đó, em may mắn tìm được cách liên lạc với gia đình.
Mẹ Sarita đã đưa con đến vùng khác sinh sống. Không phải nạn nhân nào cũng may mắn có cơ hội quay về với người thân như Sarita.
Ấn Độ vẫn gây tranh cãi như một quốc gia tương đối bảo thủ trên phương diện xã hội. Nạn nhân bị bóc lột tình dục thường phải hứng chịu thái độ bài xích, kỳ thị từ cộng đồng, thậm chí chính gia đình họ.
“Có lẽ tôi không thể chờ đến lúc được chứng kiến nạn mại dâm trẻ em bị xóa bỏ hoàn toàn, nhưng tôi tin chúng ta đang có những bước tiến đầu tiên để bảo vệ các em tốt hơn” - Singh lạc quan.
Theo phụ nữ TPHCM