|
|
Giáo sư Jason Picard (Mỹ), hiện đang giảng dạy bộ môn Lịch Sử tại trường Đại học VinUni (Hà Nội). |
Khuyến khích sinh viên tìm hiểu về Bác Hồ
Giáo sư Jason Picard (Mỹ), hiện đang giảng dạy bộ môn Lịch Sử tại trường Đại học VinUni (Hà Nội), chia sẻ rằng: Dù trên lớp hay ngoài giờ, những chủ đề thảo luận với sinh viên về cuộc đời và con người của Bác Hồ thường vô cùng sôi nổi.
"Những khi thảo luận về chủ đề này, các bạn trẻ thường đặt cho tôi những câu hỏi thú vị, đặc biệt thích nghe một người nước ngoài chia sẻ quan điểm của mình về Bác Hồ. Có một điều tôi luôn khuyến khích với sinh viên rằng: Có rất nhiều điều các bạn có thể học tập được từ Hồ Chí Minh," thầy Jason nói.
Thầy tìm những cuốn sách nổi tiếng do tác giả nước ngoài viết Hồ Chí Minh để giới thiệu cho sinh viên của mình. Theo thầy, những tác phẩm này không khó tìm, có cả bản tiếng Việt được bán rộng rãi, nhưng vì thường dày và khó đọc nên chỉ gợi ý cho sinh viên đọc một số chương sách. Khi các bạn có câu hỏi hay thắc mắc, thầy sẵn sàng dành thời gian lúc giữa tiết học hay giờ nghỉ để trao đổi.
"Sinh viên của tôi hầu hết không học chuyên về lịch sử nên khi tôi khuyên các em tìm hiểu bằng cách liên hệ với ngành học của bản thân như Kinh tế, Kỹ thuật. Càng nên liên hệ vào ngay chính cuộc sống hàng ngày để hiểu được ý nghĩa những bài học từ tấm gương của Bác," thầy giáo người Mỹ chia sẻ.
Điển hình là tinh thần quyết tâm và nghị lực phi thường của Hồ Chí Minh khi ra đi tìm đường cứu nước ở tuổi đôi mươi, tiếp thu tri thức từ khắp nơi thế giới và trở về Việt Nam để lãnh đạo toàn dân trong cuộc kháng chiến giành độc lập.
Từ đó, sinh viên cũng sẽ hiểu được tầm quan trọng của việc khám phá và học hỏi tri thức của nhiều nền văn hoá khác nhau trên thế giới. Thầy cho biết : "Tôi muốn các em hãy hình dung về những điều chính bản thân có thể làm được, như những gì người thanh niên Nguyễn Tất Thành đã quyết tâm làm ngay từ khi còn rất trẻ".
Tìm hiểu sự nghiệp văn thơ của Bác Hồ
Là một người yêu văn học, phóng viên người Mỹ Glen MacDonald thường xuyên tìm hiểu về những tác gia nổi tiếng ở Việt Nam, trong đó có Hồ Chí Minh.
Phóng viên người Mỹ cho biết, anh thấy vừa ngưỡng mộ, vừa xúc động trước vần thơ tuy giản dị nhưng đầy nhân văn của Hồ Chí Minh. Glen nhận thấy sự nghiệp sáng tác của Hồ Chí Minh gắn liền với sự nghiệp lãnh đạo phong trào giải phóng dân tộc.
Glen cho rằng, sự nghiệp sáng tác của Hồ Chí Minh là di sản lớn. Anh tìm đọc bản dịch Việt-Anh của các tác phẩm nổi tiếng, đọc bài cảm nhận, nhận xét được viết bằng tiếng Anh. Glen cho biết, các tác phẩm báo chí mà Nguyễn Ái Quốc cho ra đời trên đất Pháp tuy không xa lạ, nhưng phải chịu khó tìm kiếm tài liệu từ nguồn tin cậy.
Không những thế, anh còn tìm đến giáo viên cũ của mình ở trường học tại Mỹ để có thể cùng họ thảo luận sâu hơn về những tác phẩm do Hồ Chí Minh sáng tác.
"Ngay cả khi rơi vào những thời khắc nguy nan nhất, nhưng có thể thấy qua “Nhật ký trong tù”, Hồ Chí Minh vẫn có thể ghi lại được những tư duy, quan niệm sâu sắc về quyền con người, quyền tự do. Dù bị gông cùm, nhưng Bác vẫn sáng tác," Glen chia sẻ cảm nhận của mình về "Nhật ký trong tù".
"Thông điệp đơn giản phá vỡ ranh giới của chủng tộc, giai cấp và quốc gia, đồng thời nhắc nhở người đọc về khát vọng tự do không chỉ của riêng bất cứ dân tộc nào. Thơ của Hồ Chủ tịch không chỉ là bản trường ca của một nước Việt Nam độc lập mà còn là tiếng kêu gọi chung của người bị áp bức ở khắp nơi trên thế giới," Glen chia sẻ.
Theo thoidai