Nhiều nước có chính sách tiêm chủng mới do biến thể Delta lan nhanh
Cập nhật lúc 10:59, Thứ tư, 18/08/2021 (GMT+7)
Mỹ sẽ đưa ra khuyến cáo người dân nước này cần tiêm mũi vaccine tăng cường, trong khi Nhật Bản cũng đặt mục tiêu sẽ hoàn thành tiêm hai mũi cho một nửa dân số vào cuối tháng Tám.
Tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho người dân tại Los Angeles, bang California, Mỹ. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến 8h30 ngày 18/8, thế giới đã ghi nhận 209.332.106 ca nhiễm virus SARS-CoV-2, trong đó 4.393.421 ca tử vong.
Trong vòng 24 giờ qua, toàn thế giới đã ghi nhận thêm 638.374 ca mắc mới và 9.851 ca tử vong. Số ca đang điều trị là 17.315.300, trong đó có 107.823 ca trong tình trạng nguy kịch.
Mỹ vẫn là quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của đại dịch trên thế giới, với 37.892.089 ca nhiễm và 640.077 ca tử vong. Số ca nhiễm mới trong 24 giờ qua của Mỹ cũng ở mức cao nhất thế giới với 133.285 ca. Ấn Độ đứng thứ hai về số ca nhiễm (32.285.101 ca) trong khi Brazil chỉ sau Mỹ về số ca tử vong (570.718 ca).
Mỹ, Uruguay: Tiêm mũi tăng cường
Trước diễn biến dịch trở nên phức tạp với số ca mắc tăng trở lại do biến thể Delta, nhiều nước đã có chính sách tiêm chủng mới.
Dự kiến, Chính phủ Mỹ sẽ đưa ra khuyến cáo người dân nước này cần tiêm mũi vaccine tăng cường trong thời gian tám tháng sau khi hoàn thành hai mũi tiêm đầu. Đây là một nội dung trong một chiến dịch có thể bắt đầu vào trung tuần tháng Chín.
Theo truyền thông Mỹ, những đối tượng ưu được tiêm mũi tăng cường trước tiên là nhân viên chăm sóc y tế và những người trong các viện dưỡng lão, tiếp theo là người cao tuổi.
Các nhà chức trách Mỹ đang xem xét xem liệu mũi tiêm tăng cường có cần phải sử dụng cùng loại vaccine với hai mũi tiêm đầu tiên hay không, trong trường hợp sử dụng vaccine của hai hãng dược phẩm Moderna và Pfizer.
Những người đã được tiêm vaccine một mũi của Johnson & Johnson, vốn chiếm thiểu số tại Mỹ, cũng cần được tiêm bổ sung, tuy nhiên, cần có thêm thông tin để đánh giá vấn đề này.
Hồi tuần trước, Mỹ đã cho phép tiêm mũi tăng cường sử dụng vaccine của các hãng Pfizer và Moderna đối với những người bị suy giảm miễn dịch.
Ngoài ra, Giám đốc Viện Dị ứng và Bệnh truyền nhiễm quốc gia Mỹ (NIAID), Tiến sỹ Anthony Fauci cho rằng, “sớm hay muộn” thì ngay cả những người dân Mỹ khỏe mạnh cũng cần được tiêm chủng nhắc lại để “có khả năng được bảo vệ lâu dài."
Trong ngày 17/8, Chính phủ Uruguay cũng bắt đầu triển khai tiêm mũi tăng cường, sử dụng vaccine của Pfizer/BioNTech cho những người trước đó đã tiêm đủ liều vaccine CoronaVac của hãng Sinovac. Động thái này là nhằm ngăn chặn sự lây lan của biến thể Detla.
Cuba: tăng nguồn cấp oxy
Chính phủ Cuba đã triển khai lực lượng quân đội tham gia vận chuyển và cung cấp nguồn oxy y tế cho bệnh nhân COVID-19 trong bối cảnh làn sóng lây nhiễm mới tại quốc gia này chưa có chiều hướng hạ nhiệt, gây thiếu hụt về lượng oxy tại các bệnh viện.
Do việc hai nhà máy sản xuất oxy lớn của Cuba bị hỏng làm gián đoạn nguồn cung oxy tới các cơ sở y tế, chính quyền Cuba đã chỉ thị tăng cường sản xuất oxy tại các đơn vị của quân đội, cũng như vận chuyển oxy bằng trực thăng tới các tỉnh miền Tây và miền Trung đang thiếu hụt.
Đích thân Chủ tịch Cuba Miguel Diaz-Canel đã tới và đôn đốc hoạt động sản xuất oxy tại các đơn vị sản xuất của quân đội, trong đó có một nhà máy do Chính phủ Nga viện trợ.
Tính đến nay, Cuba ghi nhận tổng cộng 536.609 ca mắc COVID-19, với số ca nhiễm trung bình theo ngày gần 9.000 trường hợp, song vẫn duy trì được tỷ lệ tử vong thấp. Số bệnh nhân không qua khỏi tại nước này kể từ đầu mùa dịch là 4.156 ca.
Nhật Bản: đảm bảo tiêm 2 mũi cho 80% dân số
Tại châu Á, nhằm đối phó với tình hình dịch bệnh chưa có dấu hiệu hạ nhiệt, Chính phủ Nhật Bản xác định sẽ đẩy mạnh ba chính sách trụ cột là củng cố hệ thống y tế, kiểm soát sự lây lan và tiêm chủng vaccine.
Thủ tướng Nhật Bản Suga Yoshihide đã nhấn mạnh chủ trương trên tại cuộc họp báo công bố quyết định mở rộng áp dụng tình trạng khẩn cấp thêm bảy địa phương và áp dụng các biện pháp phòng dịch trọng điểm thêm 10 địa phương, nhằm giảm thiểu sự lây lan của dịch bệnh COVID-19.
Theo Thủ tướng Suga, nguyên nhân chủ yếu của đợt bùng phát dịch bệnh COVID-19 lần này tại Nhật Bản là do biến chủng Delta có khả năng lây lan rất nhanh. Số liệu thống kê cũng cho thấy giới trẻ đang có xu hướng chiếm đa số các ca mắc COVID-19 mới, trong đó có nhiều ca nghiêm trọng và để lại di chứng sau khi được chữa khỏi.
Do đó, để giảm bớt gánh nặng cho các cơ sở y tế, Thủ tướng Nhật Bản kêu gọi người dân, nhất là giới trẻ cần phải nêu cao ý thức bảo vệ cộng đồng, áp dụng triệt để các biện pháp phòng bệnh theo khuyến cáo của các chuyên gia y tế.
Nhật Bản cũng đặt mục tiêu sẽ hoàn thành tiêm hai mũi cho một nửa dân số vào cuối tháng Tám và nâng tỷ lệ này lên 60% vào cuối tháng Chín, tiệm cận với kết quả tiêm vaccine hiện nay của Mỹ và Anh. Chính phủ đã chủ động đảm bảo nguồn cung vaccine đến đầu tháng 10 đủ để tiêm chủng cho 80% dân số.
Theo Vietnamplus