Hà Nội mùa hoa sữa

 

Nhà thơ Bùi Thanh Tuấn có cuộc sống riêng lận đận, không phải chỉ khi thất bại mà sự thành công cũng góp thêm phần lận đận cho anh. Đến thời điểm này, dấu ấn đậm nhất trong sự nghiệp sáng tác của anh chính là bài thơ "Chia tay người Hà Nội", sau đó được nhạc sĩ Trương Quý Hải phổ nhạc, lấy câu thơ đầu tiên trong bài thơ để thành tựa bài hát "Hà Nội mùa vắng những cơn mưa".

Chuyện của
Nhà thơ Bùi Thanh Tuấn

Bùi Thanh Tuấn kể, bài thơ viết ra từ ngẫu hứng tột cùng đã vô tình trở thành bước ngoặt lớn trong cuộc đời anh. Cũng chính vì tác phẩm định mệnh ấy mà đời tác giả đã trải qua nhiều khúc quanh co, có nhiều thứ thay đổi. "Nói không ngoa dường như đó là một sự sắp đặt đầy toan tính của ông Trời. Vì bài hát ấy mà tôi chịu nhiều hệ lụy đắng cay. Và cũng nhờ tác phẩm ấy mà tôi nhận được quá nhiều ưu ái trong cuộc sống này", tác giả chia sẻ.

Bài thơ được Tuấn viết khi anh còn là sinh viên Đại học KHXH & NV TPHCM. Buổi trưa một ngày hè, đại diện sinh viên 2 miền Nam Bắc gặp nhau tại Hội quán sinh viên ở Công viên Tao Đàn. Đoàn Văn nghệ sinh viên Hà Nội, dù "đá sân khách" nhưng ra quân rất hoành tráng. Tuấn lân la hỏi chuyện từng người những câu hỏi tò mò về Hà Nội rồi ghi chép như một phóng viên tập sự. Tối hôm ấy có Dạ vũ sinh viên tổ chức tại Nhà Văn hóa Thanh Niên, Tuấn nảy ý định phải góp một tiết mục nào đó "không đụng hàng" cho cuộc vui chung. Chiều về tới nhà trọ, Tuấn miên man nghĩ về những điều đã nghe kể, cộng với những tưởng tượng bấy lâu về một Hà Nội thơ mộng, cổ kính, anh đã đặt câu chuyện tình lãng mạn trong tưởng tượng vào khung cảnh đó. Và tứ thơ đã bật lên, câu chữ tuôn ra. 

Có một điều tới giờ ít ai biết "bối cảnh" ra đời bài thơ chính là trong... nhà tắm. Sau khi tắm xong, Tuấn vội vàng ghi lại và "tỉa tót" trong khoảng 15 phút rồi vội vàng đến buổi Dạ vũ.

Hôm đó, sau khi Tuấn đọc bài thơ, nhạc sĩ Trương Quý Hải đã đến chỗ anh xin bản thảo viết tay về làm kỷ niệm. Cũng trong buổi tối đó, các cán bộ Đoàn tập trung về khách sạn Công Đoàn liên hoan tới khuya. Nhạc sĩ Trương Quý Hải "lẻn" ra ban-công một lát, sau đó anh trở vào và "tuyên bố" có một ca khúc phổ thơ nóng hổi vừa ra đời. Hợp âm chủ của bài hát được rải ở cung mi thứ. 

"Từ đó tới nay, khi cùng anh Trương Quý Hải đứng trên bất cứ sân khấu nào, chúng tôi cũng hát ở cung mi thứ. Có thể gọi một cách văn hoa, đó là "cung mi thứ kỷ niệm", Bùi Thanh Tuấn chia sẻ. Đây là bài thơ được viết ra nhanh nhất và cũng là bài thơ có đời sống (cho tới khi trở thành ca khúc phổ thơ) ngắn nhất chỉ trong vài tiếng đồng hồ.

Tuấn thích nhất trong bài thơ là đoạn nói về tâm trạng của một kẻ lữ thứ đang có mối tình say đắm trong trẻo và hoài cổ. Đó là lý do bài thơ Tuấn viết: "Quán cóc vẹo xiêu dăm ba tiếng nhạc/ Phía Hồ Tây vọng lại một câu Kiều". Nhạc sĩ Trương Quý Hải đã đúc kết lại thành "Quán cóc liêu xiêu một câu thơ/ Hồ Tây, hồ Tây tím mờ ...". Và câu chữ đó đã trở thành điểm nhấn đáng kể trong ca khúc phổ thơ này.

Là người con của Bảo Lộc, Lâm Đồng, Tuấn lang bạt kỳ hồ "xoay tua" hết Sài Gòn, rồi Hà Nội, Hà Nội lại vào Sài Gòn. Sau đó anh còn có thời gian bỏ phồn hoa của phố thị để lên núi sống thảnh thơi, mở "Hội quán B'lao thi xã" kiếm sống qua ngày và gặp gỡ các tao nhân mặc khách. Nhiều năm nay, Tuấn lại định cư tại Mỹ.

Qua nhiều biến động cuộc đời, mỗi khi nhớ về "Chia tay người Hà Nội", tác giả lại xúc động rưng rưng nhớ một thuở trẻ trai lãng tử và tràn đầy khát vọng. 

 

Bài thơ "Chia tay người Hà Nội" của nhà thơ Bùi Thanh Tuấn:

Hà Nội mùa này vắng những cơn mưa,

Cái rét đầu đông giật mình bật khóc.

Hoa sữa thôi rơi những chiều tan học,

Cổ Ngư xưa lặng lẽ dấu chân buồn.

Trúc Bạch giận hờn phía cuối hoàng hôn,

Để con nước thả trôi câu lục bát.

Quán cóc liêu xiêu dăm ba tiếng nhạc,

Phía Hồ Tây vọng lại một câu Kiều.

Hà Nội trời buồn nhớ mắt người yêu,

Nhớ góc phố nhớ hàng me kỷ niệm.

Nhớ buổi chia tay mắt đầy hoa tím,

Ngõ hoa giờ hút dấu gót hài xưa.

Hà Nội mùa này nhớ những cơn mưa...

Đêm Hội quán - Đông 1992

 


Đinh Thu Hiền