Haresa (18 tuổi) đã lênh đênh trên chiếc tàu đánh cá hàng tháng trời. Cô bị nhồi nhét trong một không gian chật hẹp đến mức không thể duỗi được thẳng chân.

Những người tị nạn khác cũng lâm vào hoàn cảnh tương tự. Họ sống chật vật như những chú cá mắc cạn, cho đến một ngày qua đời do chết đói hoặc bị đánh đập tàn bạo. Thi thể của họ bị ném xuống biển, trong đó có cô ruột và em trai của Haresa.

Haresa (thứ hai, từ phải sang) trong lễ chôn cất chị gái - người không may qua đời sau 2 ngày cập bến Indonesia. Ảnh: AFP.

Haresa là một trong số hàng trăm nghìn người Hồi giáo Rohingya ở Myanmar chạy sang tị nạn ở Bangladesh.

Sáu tháng trước, khi rời Bangladesh trên con tàu đánh cá, Haresa hy vọng những kẻ buôn người sẽ chở cô đến được Malaysia - nơi có một cuộc hôn nhân sắp đặt đang chờ đợi.

Hầu hết người thực hiện chuyến đi này là các thiếu nữ như Haresa. Họ được bố mẹ hứa hẹn cho kết hôn một người đàn ông Rohingya ở Malaysia. Thế nhưng, không phải ai cũng hoàn thành được chuyến đi. Hàng trăm người đã mất mạng dọc đường.

Vượt biển để lấy chồng
Là đứa thứ 4 trong gia đình 9 anh chị em, Amira Bibi biết thân phận của mình. Cô không muốn trở thành gánh nặng của bố mẹ.

Thông qua mai mối của một người họ hàng làm nghề cắt cỏ ở Malaysia, bố mẹ của Amira tìm được cho cô một vị hôn phu. Cô hỏi thêm chi tiết về người đàn ông sắp trở thành chồng mình, nhưng không ai cung cấp thêm thông tin cho cô ngoại trừ cái tên.

Sau sáu tháng sống sót trên biển, Amira đặt chân lên đất liền. Tại đây, cô có thể gọi điện cho vị hôn phu ngoại quốc của mình trong 2 phút ngắn ngủi. “Anh ấy có vẻ trẻ trung”, Amira nhận xét.

Tảo hôn là tập tục phổ biến trong cộng đồng người Rohingya. Ảnh: New York Times.

Ban đầu, Amira khai báo với các nhân viên thuộc cơ quan tị nạn của Liên Hợp Quốc rằng cô 15 tuổi. Nhưng lúc sau, cô sửa thành 18 để không bị ảnh hưởng đến hôn sự. Tảo hôn vốn phổ biến trong cộng đồng người Rohingya, đặc biệt là ở khu vực nông thôn.

Shamsun Nahar (17 tuổi) mong mỏi được rời khỏi trại tị nạn dù cô đã được nghe kể hành trình vượt biển nguy hiểm nhường nào.

Cha của Shamsun, một giáo sĩ, đã tìm được cho cô một người chồng. Đó là một người đàn ông làm nghề thợ mộc ở Malaysia, trước đây sống cùng làng với gia đình cô.

“Tôi đã trò chuyện với hôn phu thông qua gọi điện video. Tôi thích anh ấy ở mọi góc độ. Anh ấy không quá to cũng không quá nhỏ, trông rất ổn”, cô gái cho biết.

Theo Shamsun, chồng sắp cưới phải trả tới 4.500 USD cho chuyến vượt biển của cô. Tuy nhiên, cô vẫn không được đối xử khá hơn những người khác.

Shamsun phải ngồi gần động cơ thuyền trong nhiều tháng, ồn ào đến mức không thể nghe được giọng người khác. Thức ăn được phục vụ trên một tấm nhựa dơ dáy, còn nguyên cặn bẩn từ nhiều tuần trước. Cô cũng chứng kiến nhiều người bị đánh đập bởi những kẻ buôn người.

Những người đàn ông Rohingya ngủ trên đống quần áo được quyên góp tại một trại trung chuyển ở Indonesia. Ảnh: AFP.

“Tôi được an toàn rồi nhưng phải xa cách gia đình và hôn phu. Chuyện gì sẽ xảy tới tiếp đây? Tôi không biết nữa”, Shamsun nói sau khi đặt chân lên đất liền.

Hầu hết người Rohingya đổ bộ xuống Indonesia đều tìm đường tới Malaysia. Tuy nhiên, chỉ một số ít được đoàn tụ với gia đình hoặc chồng tương lai của họ trong năm nay.

Do đại dịch Covid-19 bùng phát, nhiều quốc gia đóng cửa biên giới, khiến hành trình vượt biển của những người tị nạn càng trở nên khó khăn hơn. Kể từ đầu năm nay, một số con thuyền chứa hàng trăm người Rohingya lênh đênh ngoài khơi vì không được cập bến.

Khao khát được đoàn tụ gia đình


Khi Maemot Shah cưới vợ mình là Majuma Bibi, anh ấy mới 14, còn cô 12 tuổi. Họ vốn là hàng xóm thân thiết của nhau ở Rakhine (Myanmar).

Năm 2014, Maemot trả tiền cho những kẻ buôn người để đưa anh vượt biển từ quê nhà đến Malaysia làm công nhân xây dựng. Hành trình 28 ngày ngoài khơi đã suýt giết chết anh. Con gái anh mới chỉ 6 tháng tuổi khi Maemot rời đi.

Năm 2017, gia đình Maemot chạy sang Bangladesh tị nạn. Tại đây, Majuma cầu xin chồng trả tiền để cô ấy và con gái được đoàn tụ với anh ở Malaysia. Tuy nhiên, anh thẳng thừng từ chối do biết chuyến đi nguy hiểm nhường nào.

Bất chấp hiểm nguy, nhiều gia đình Rohingya vẫn vượt biển từ Bangladesh đến Malaysia. Ảnh: UNHCR.

Thế nhưng, Majuma quyết không từ bỏ ý định. Cô lặng lẽ tiết kiệm tiền lương chồng gửi về hàng tháng. Cuối tháng 3 vừa qua, cô đưa con gái lên một chiếc tàu đánh cá và hy vọng sẽ gặp được Maemot.

Khi hàng loạt vụ chết đuối, đắm thuyền ngoài khơi liên tiếp được đăng tải trên các phương tiện truyền thông, Maemot cho rằng gia đình mình đã chết trên biển.

Tuy nhiên vào tháng 6, anh nghe nói một con tàu mới cập cảng Indonesia. Người bố trẻ tuổi vui mừng khôn xiết khi nhận ra gương mặt của hai mẹ con trong video quay đám đông rời thuyền.

“Tôi hạnh phúc vô cùng khi biết gia đình của tôi còn sống”, anh nói.

Những người Rohingya khác khi sang Malaysia đều đã lấy vợ hai, thậm chí là vợ ba. Nhưng Maemot kiên quyết không làm vậy. Thay vào đó, anh di chuyển tới Indonesia để được đoàn tụ với vợ con.

“Tôi sẽ chỉ lấy một vợ thôi. Cô ấy đã vượt bao sóng gió và chịu đựng bao gian khổ để đến đây chỉ vì tôi”, anh khẳng định.

Theo  Zing