Trải qua hơn 100 năm, giải thưởng nhiều lần gây tranh cãi vì các nguyên nhân khác nhau.
Viện Hàn lâm Thụy Điển từng chọn một số nhân vật hoạt động trong các lĩnh vực khác, khiến nhiều người trong giới văn chương không hài lòng. Năm 2016, họ vinh danh ca sĩ, nhạc sĩ Bob Dylan, làm nhiều nhà văn, nhà thơ bất mãn. Tiểu thuyết gia Jodi Picoult nói: "Tôi mừng cho Bob Dylan, nhưng điều này đồng nghĩa tôi cũng có thể thắng giải Grammy?".
Những nhân vật "ngoại đạo" khác cũng từng thắng Nobel Văn học là Winston Churchill và Bertrand Russell. Nhà văn A.N. Wilson thể hiện quan điểm trên Telegraph: "Họ đáng trọng ở một lĩnh vực nào đó nhưng khó lòng xứng đáng với một giải thưởng văn chương, bất luận là để cho ban giám khảo nào đánh giá". Cố thủ tướng Anh Winston Churchill có hai cuốn hồi ký liên quan đến chiến tranh thế giới, từng đoạt Nobel Văn học năm 1953. Nhiều chuyên gia nhận định ông phù hợp thắng Nobel Hòa bình. Học giả Anh - Bertrand Russell - có nhiều tác phẩm liên quan triết, logic học, toán học nhưng giành giải Nobel Văn học năm 1950.
Nhiều cây bút không được ủng hộ vì bị cho rằng tên tuổi chưa đủ sức nặng. Khi tác giả người Đức - Herta Mueller - giành giải năm 2009, nhiều nhà nghiên cứu bày tỏ thất vọng vì họ chưa từng nghe thấy tên bà. Cây bút Thom Geier viết trên tờ EW: "Một lần nữa, Viện Hàn lâm Thụy Điển chọn một người vô danh thắng Nobel Văn học. Herta là ai? Bạn sẽ hỏi như vậy và bạn không phải là người duy nhất thắc mắc về điều đó. Mueller ở đưới đáy của danh sách cá cược mà nhà cái Ladbrokes đưa ra. Chỉ vài cuốn của bà từng được dịch sang tiếng Anh...".
Năm 2004, chiến thắng của nữ nhà văn Áo Elfriede Jelinek không thuyết phục bởi tên tuổi bà không vượt ra phạm vi cộng đồng nói tiếng Đức. Knut Ahnlund - một trong 18 thành viên bình chọn giải - đã rời Hội đồng để bày tỏ thái độ phản đối.
Sự kiện đau lòng nhất liên quan đến Nobel Văn học bắt nguồn từ giải thưởng năm 1974. Hai người đồng chiến thắng năm đó - Harry Martinson và Eyvind Johnson - nằm trong hội đồng 18 thành viên bình chọn giải. Độc giả, giới văn sĩ sau đó phản đối vì tác phẩm của hai ông không được phổ biến bằng cả tiếng Anh và tiếng Thụy Điển. Báo chí, các nhà văn Thụy Điển cho rằng Viện Hàn lâm đã thiên vị hai tác giả. Theo danh sách được tiết lộ hàng chục năm sau đó, Graham Greene, Saul Bellow, Vladimir Nabokov là những tên tuổi nổi tiếng hơn cùng được đề cử năm đó.
Năm 1978, Harry Martinson tự tử bằng cách mổ bụng giống các samurai Nhật. Bạn thân của ông - Lars Gyllensten, người từng giữ chức Thư ký Viện Hàn lâm - nói sự ích kỷ của giới văn sĩ Stockholm đã dẫn đến cái chết của Martinson. Tờ Independent nói Harry Martinson chết để giữ gìn danh dự.
Nhiều nhà văn bị phản đối vì quan điểm chính trị của họ. Gần nhất, chủ nhân giải thưởng năm ngoái - ông Peter Handke - bị tẩy chay vì từng công khai bảo vệ nhà chính trị quá cố - Slobodan Milosevic. Cựu Tổng thống Nam Tư Slobodan bị cáo buộc 66 tội danh liên quan đến diệt chủng, tội ác chống loài người và tội phạm chiến tranh trong các cuộc xung đột đẫm máu ở Bosnia, Croatia và Kosovo những năm 1990. Tổ chức nhân quyền PEN America nói họ "chết lặng" khi nghe tin Peter Handke được vinh danh, "thất vọng với quyết định của Ủy ban Nobel về giải thưởng này".
Giải Nobel năm 2012 giành cho Mạc Ngôn bị Hertha Muller - người đoạt giải năm 2009 - gọi là "thảm họa", thậm chí khiến bà bật khóc. Trên tờ agens Nyheter của Thụy Điển, Muller nói một tác giả luôn "dùng văn chương để phục vụ mục đích chính trị như Mạc Ngôn" không xứng đáng với giải thưởng cao quý.
Các tác phẩm của Mạc Ngôn thường chứa đựng những bình luận xã hội, phản biện các chính sách khắc nghiệt, được cho là chịu ảnh hưởng mạnh mẽ quan điểm chính trị của Lỗ Tấn và chủ nghĩa hiện thực huyền ảo của Gabriel Garcia Marquez. Những câu chuyện thường có bối cảnh gần quê hương ông, thành phố Cao Mật, tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc. Một vài cuốn sách của Mạc Ngôn từng bị cấm tại quê nhà vì yếu tố "khêu gợi và thô tục".
Nobel Văn học là một trong sáu hạng mục của giải Nobel, được trao hàng năm cho tác giả từ bất kỳ quốc gia nào, theo di chúc của nhà hóa học Alfred Nobel. Viện Hàn lâm Thụy Điển sẽ lựa chọn người thắng cuộc. Họ không bao giờ hé lộ dấu hiệu về nhân vật có khả năng đoạt giải cho tới khi công bố kết quả. Danh sách rút gọn của các ứng viên sẽ được tiết lộ 50 năm sau đó. Giải lần đầu được trao cho nhà thơ Pháp - Sully Prudhomme - năm 1901.
Theo vnexpress