Trịnh Hữu Ngọc (1912-1997) là tên tuổi đặc biệt trong làng mỹ thuật Đông Dương. Ông không chỉ ghi dấu ấn với tranh mà còn gặt hái được nhiều thành công với xưởng gỗ MÉMO Ébénisterie, minh họa Sách Hoa Xuân, Báo Tri Tân...
Cuốn sách Họa sĩ Trịnh Hữu Ngọc - Di sản đặc biệt của Mỹ thuật Đông Dương do con trai ông - họa sĩ Trịnh Lữ - viết đã khái quát phần nào cuộc đời và di sản của ông. Sách dày 388 trang, hơn 600 hình ảnh và tranh vẽ, trình bày song ngữ Việt - Anh, chia làm 3 phần: Cuộc đời và sự nghiệp; Di sản đặc biệt và Bình luận, tưởng niệm.
Được đào tạo về hội họa ở Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương nhưng Trịnh Hữu Ngọc đã vận dụng kiến thức và sức sáng tạo cá nhân không chỉ vào hội họa mà cả các lĩnh vực mỹ thuật khác.
Trong thiết kế nội thất, Trịnh Hữu Ngọc đã tích hợp được những dấu ấn của cả phương Đông và phương Tây. Động lực để ông theo đuổi nghệ thuật đều khởi nguồn từ thực tiễn: sống trong căn nhà chật, ý tưởng thiết kế nội thất chính là để bài trí lại cuộc sống, thích nghi với thực tại. Trịnh Hữu Ngọc bắt tay thực hiện một dự án về đồ gỗ để ai cũng có thể dùng bởi ông không muốn thiết kế nội thất chỉ để người giàu khoe của.
Trịnh Lữ từng chia sẻ cha ông muốn làm nghệ thuật một cách hoàn toàn tự do. “Tức là ông muốn có một cái nghề gì đấy cũng làm nghệ thuật của mình nhưng rất thực tế để phục vụ đời sống, cho nên ông mới chọn nghề thiết kế nội thất, làm đồ gỗ để nuôi sống mình và nuôi sống gia đình” - Trịnh Lữ giải thích.
Trịnh Hữu Ngọc thực hành mỹ thuật trên nhiều chất liệu. Đặc biệt, với tranh sơn mài, ông đã có những đóng góp được nâng lên thành di sản. Trịnh Hữu Ngọc muốn dùng sơn ta cho lối vẽ trực họa ấn tượng, thay thế toàn bộ các chất liệu sơn dầu cổ điển Tây phương. Sau nhiều thử nghiệm từ cuối những năm 1940, ông bắt đầu trực họa phong cảnh trong năm 1953 với sơn ta do ông tự chế. Nền vẽ là những tấm vóc mỏng nhẹ bó bằng sơn ta và bột đá. Màu vẽ pha trực tiếp bằng các sắc tố nguyên chất với dầu pha chế từ nhựa cây sơn Phú Thọ, chấp nhận mọi sắc tố khác nhau chứ không chỉ một vài sắc thâm trầm như sơn mài truyền thống.
“Qua việc tìm tòi sáng tạo với sơn ta, họa sĩ Trịnh Hữu Ngọc như là một chứng nhân, người tham gia đầu tiên, đưa chất liệu sơn ta vào nền hội họa mới. Ông nắm rất vững về tư tưởng sáng tác, không bị câu nệ vào chất liệu, quá đặc biệt hay quá khắt khe, mạnh dạn nghĩ ra chất liệu mới, vật liệu mới để đưa vào phương tiện mới của mình” - nhà nghiên cứu Phạm Long nhận định
Quan niệm của Trịnh Hữu Ngọc khi vẽ tranh là “không cần lạ, chỉ cần đẹp”. Do đó, ông luôn lựa chọn những đề tài mộc mạc, gần gũi như: khung cảnh làng mạc với người lao động bình dị; hoa cỏ, cây cối… Nhà nghiên cứu Trần Hậu Yên Thế cho rằng, thiên nhiên có lẽ là nơi Trịnh Hữu Ngọc tìm về để rũ bỏ những phiền muộn, ngổn ngang trong cuộc sống. Ở nơi chốn đó, ông đã tìm thấy sự hòa điệu giữa không gian với tâm hồn.
Di sản của Trịnh Hữu Ngọc không chỉ là các tác phẩm trong hội họa, thiết kế nội thất mà còn là di sản về tinh thần ông trao truyền cho các thế hệ sau trong gia đình cũng như học trò. Ông có nhiều quan niệm rộng mở về nghệ thuật trong lòng cuộc sống, rằng “Thành người tự do rồi mới thành nghệ sĩ", “Nghệ thuật là lao động điêu luyện”, rằng “mắt nhìn tay vẽ” là để thực hiện “hòa bình nội tâm” và “thiết kế nội thất là để xây dựng một nếp sống”…
Trần Hậu Yên Thế cho rằng những tư tưởng này thuộc về vấn đề giáo dục khai phóng và có ý nghĩa cho đến hôm nay, hướng con người đến việc phát huy các tiềm năng và tự do bên trong.
Theo phụ nữ TPHCM