Khi tan trường, các học sinh chạy xuống các hành lang và trò chuyện trong sân, dường như không để ý đến tình trạng hỗn loạn đã nhấn chìm đất nước trong 2 tuần qua, AFP đưa tin.

Ở Herat, các nữ sinh tới trường với áo trùm đen và khăn hijab trắng sau khi Taliban tiếp quản Afghanistan. Taliban nói rằng vẫn cho phép trẻ em gái được đi học. Ảnh: AFP.


Những hoạt động từng bị cấm dưới thời Taliban trước đây, đang được báo giới ghi hình lại trong tuần này, chỉ vài ngày sau khi các chiến binh Taliban tràn vào thành phố Kabul sau sự sụp đổ của lực lượng chính phủ và dân quân địa phương.

“Chúng tôi muốn tiến bộ như các quốc gia khác. Hy vọng Taliban sẽ duy trì an ninh. Chúng tôi không muốn chiến tranh và chỉ mong hòa bình trên đất nước", một nữ sinh phát biểu.

Với vị trí gần với biên giới Iran, Herat từ lâu đã là một ngoại lệ đối với các trung tâm bảo thủ.

Phụ nữ và trẻ em gái được đi lại tự do trên phố, đi học tại các trường học và cao đẳng ở một thành phố nổi tiếng về thơ ca và nghệ thuật.

Tuy nhiên, tương lai của họ vẫn còn bấp bênh. Theo luật Sharia hà khắc mà Taliban từng áp đặt vào những năm 1990, phụ nữ và trẻ em gái bị cấm đi học và đi làm.

Mạng che kín mặt đã trở thành thứ bắt buộc ở nơi công cộng và phụ nữ không thể rời khỏi nhà mà không có nam giới đi cùng.

Các vụ hành quyết và trừng phạt công khai - kể cả ném đá vì tội ngoại tình - được thực hiện tại các quảng trường và sân vận động thành phố.

Tương lai của phụ nữ Afghanistan sau khi Taliban trở lại nắm quyền vẫn còn mờ mịt.


                                                   Các cô gái ngồi học bên ngoài trường học ở Herat, sau khi Taliban chiếm được Kabul. Ảnh: AFP.


Đối với công chúng, Taliban đang xây dựng hình ảnh bớt cực đoan hơn trong quá khứ, khi họ thông báo ân xá chính thức cho "những ai" tham gia cuộc chiến vào cuối hôm 17/8.

Trong cuộc họp báo chính thức đầu tiên ở Kabul, ông Zabihullah Mujahid, phát ngôn viên của Taliban, cho biết họ đã "cam kết để phụ nữ làm việc nhưng phải phù hợp với các nguyên tắc của đạo Hồi".

Khi được hỏi về sự khác biệt giữa phong trào bị lật đổ 20 năm trước và Taliban ngày nay, ông nói: "Nếu là về ý thức hệ và niềm tin, thì không có sự khác biệt, nhưng nếu là những kinh nghiệm, sự trưởng thành và cái nhìn thấu đáo, chắc chắn có nhiều điểm khác nhau".

"Các bước tiến của hôm nay sẽ tích cực so với các bước trong quá khứ," ông nói thêm.

Tuy nhiên, mọi người đã trở nên thận trọng hơn, phụ nữ hầu như vắng bóng trên đường phố Kabul, còn đàn ông thì bán lại quần áo kiểu Âu của họ để đổi lại trang phục truyền thống của Afghanistan.

Vấn đề nhân quyền của Taliban đối với người dân vẫn còn tạo ra tranh cãi quốc tế. Còn lúc này, hàng chục nghìn người Afghanistan vẫn đang cố gắng chạy trốn khỏi đất nước.

Chỉ sau vài ngày cầm quyền, vẫn chưa rõ liệu Taliban có chính sách giáo dục mới hoặc tổ chức cuộc đàm phán với các trường học hay không.

Trong cuộc phỏng vấn với kênh Sky News của Anh, một phát ngôn viên khác của Taliban là Suhail Shaheen đã đưa ra những lời đảm bảo về quyền phụ nữ: “Phụ nữ có thể được đi học từ tiểu học đến đại học”.

Hiện nay, hàng nghìn trường học ở những khu vực bị Taliban chiếm giữ vẫn đang hoạt động.

Theo Zing