Nước sông Mê Kông về trễ vì hạn hán, thủy điện khiến Biển Hồ thiếu nước
Cập nhật lúc 16:01, Thứ năm, 23/07/2020 (GMT+7)
Hạn hán và các con đập thủy điện ở thượng nguồn sông Mê Kông đang khiến dòng nước chảy vào Biển Hồ (Campuchia) bị chậm trễ trong năm thứ 2 liên tiếp, ảnh hưởng đời sống của cả triệu người.
Làng Kampong Khleang, nằm trên một nhánh sông nối với Biển Hồ - REUTERS
Vào mùa mưa hằng năm, sông Mê Kông đoạn hợp lưu với sông Tonle Sap ở Campuchia thường bị tràn bờ, tạo dòng nước chảy ngược lên đổ vào Biển Hồ (hồ Tonle Sap), mang lại nguồn thủy sản lớn cho hồ nước là nơi sinh sống của nhiều người.
Tuy nhiên, dựa vào dữ liệu dự báo lượng mưa, Phó tổng thư ký Ủy ban Mê Kông quốc gia Campuchia Long Saravuth cho biết dòng nước ngược năm nay sẽ chảy đến trễ so với thông thường, có thể vào tháng 8.
Ngư dân tại làng Kampong Khleang, nằm trên một nhánh sông nối với Biển Hồ - REUTERS
Reuters dẫn báo cáo của Ủy hội sông Mê Kông (MRC) cho biết nguyên nhân của vấn đề là do lượng mưa năm 2019 thấp và hoạt động của các đập thủy điện ở thượng nguồn sông Mê Kông, trong đó Trung Quốc có 11 đập và Lào có 2 đập.
Đây là năm thứ 2 liên tiếp dòng nước từ sông Mê Kông chảy ngược lên Biển Hồ về trễ và MRC dự báo điều này có thể sẽ diễn ra thường xuyên.
Việc Biển Hồ thiếu nước gây nhiều khó khăn cho người dân sống phụ thuộc vào hồ nước này. Ngư dân Khon Kheak tại ngôi làng nổi Kampong Khleang nằm trên một nhánh sông nối với Biển Hồ cho biết thu nhập bị ảnh hưởng nhiều, do tôm cá không nhiều như những năm trước. Năm ngoái ông kiếm được 12-25 USD/ngày nhưng sau 2 đêm thả lưới mới đây, ông chỉ kiếm được 3 USD.
Nhiều con thuyền nằm phơi mình trên đáy song - REUTERS
“Chúng tôi chẳng bắt được gì. Không có nước nên cá cũng không có”, ngư dân San Savuth nói với Reuters.
Sông hồ khô cạn khiến cho hoạt động du lịch cũng không thể hoạt động. Người dân địa phương mọi năm chở được 600 khách mỗi ngày nhưng hiện tại, các văn phòng du lịch bị đóng cửa trong khi hàng trăm tàu du lịch nằm phơi mình trên lòng sông.
Theo thanhnien