leftcenterrightdel
Olympic Paris 2024 là kỳ Thế vận hội đầu tiên có số lượng nam và nữ tham gia thi đấu gần ngang nhau. 

Dịch vụ Phát sóng Olympic (OBS) đã kêu gọi các nhà quay phim ghi hình vận động viên nam và nữ theo cùng một cách để tránh "khuôn mẫu và phân biệt giới tính" xâm nhập vào nội dung đưa tin, theo The Guardian.

Giám đốc điều hành OBS Yiannis Exarchos cho biết tổ chức này đã cập nhật hướng dẫn cho người quay phim, phần lớn là nam giới. OBS chịu trách nhiệm đưa tin về Thế vận hội trên truyền hình, với hình ảnh được chia sẻ cho các đơn vị nắm giữ bản quyền trên toàn thế giới.

"Thật không may, trong một số sự kiện, phụ nữ vẫn bị quay phim theo cách mà bạn có thể nhận thấy rằng định kiến và phân biệt giới tính vẫn còn tồn tại, ngay cả qua cách một số người quay phim định hình các vận động viên nam và nữ theo hướng khác nhau", ông Exarchos cho biết.

Thay đổi

Người đứng đầu OBS nhấn mạnh các vận động viên nữ không có mặt tại Olympic vì họ hấp dẫn hơn hay gợi cảm hơn, mà tham gia với tư cách là những vận động viên ưu tú.

Ông cho biết vấn đề chủ yếu là do "thành kiến vô thức", khi người quay phim và biên tập viên truyền hình có xu hướng quay và chiếu nhiều cảnh cận về phụ nữ hơn nam giới.

"Sự tham gia bình đẳng của phụ nữ ở Olympic với chúng tôi vẫn là chưa đủ. Chúng tôi muốn đảm bảo rằng nội dung thể thao thực tế cũng phản ánh sự bình đẳng này", ông Exarchos nói. 

Lịch thi đấu cũng đã được ban tổ chức Olympic Paris điều chỉnh để thúc đẩy thể thao nữ. Marathon nữ sẽ là sự kiện cuối cùng của Olympic năm nay thay vì cuộc đua dành cho nam.

"Lịch trình của các sự kiện thể thao theo truyền thống thiên về việc nhấn mạnh các sự kiện của nam giới", ông Exarchos cho biết.

Trước đây, trong các môn thể thao đồng đội, trận chung kết của nữ diễn ra trước, sau đó là trận chung kết của nam. Còn với các môn thể thao thiên về sức mạnh hay có tính đối kháng, theo truyền thống, các cuộc thi của nữ diễn ra vào buổi sáng và các cuộc thi cho nam được tổ chức vào buổi chiều.

"Trong những năm qua, chúng tôi đã làm việc cùng với các đối tác trong liên đoàn và các đài truyền hình để tạo ra lịch trình, chương trình thi đấu của Thế vận hội Paris sao cho bình đẳng nhất có thể", ông Exarchos nói.

Những khoảnh khắc mang tính biểu tượng

Ủy ban Olympic Quốc tế (IOC) đã ghi nhận Olympic Paris là kỳ Thế vận hội đầu tiên đạt được sự bình đẳng giữa các vận động viên nam và nữ, với 5.630 vận động viên nam so với 5.416 vận động viên nữ tham gia.

Marie Sallois, Giám đốc phụ trách bình đẳng giới của IOC, cho biết Olympic Paris "trên thực tế là sự kiện lớn nhất thế giới để thúc đẩy bình đẳng giới trong và thông qua thể thao".

"Olympic Paris sẽ là Thế vận hội đầu tiên có sự bình đẳng giới hoàn toàn trên sân chơi. Điều đó không xảy ra một cách ngẫu nhiên. Đó là kết quả của nhiều nỗ lực, định hướng, lộ trình chiến lược. Đó cũng nỗ lực chung của IOC, toàn bộ phong trào Olympic, cả nam và nữ", bà Sallois nói.

leftcenterrightdel
 Các vận động viên nam và nữ sẽ được quay phim theo cùng một cách tại Olympic Paris. 

Bà chỉ ra "những khoảnh khắc mang tính biểu tượng" trong lễ khai mạc hôm 26/7 như hầu hết đoàn thể thao đều có một nam và một nữ vận động viên cầm cờ hay chương trình nghệ thuật tôn vinh cả những người phụ nữ có ảnh hưởng trong lịch sử nước Pháp.

Khi khái niệm Olympic Hy Lạp cổ đại được nhà quý tộc người Pháp Pierre de Coubertin hồi sinh vào cuối thế kỷ 19, ông coi đó là sự tôn vinh tinh thần thể thao của quý ông "với phần thưởng là tiếng vỗ tay của phụ nữ".

Vào năm 1924, lần gần nhất Olympic được tổ chức tại Paris, chỉ có 4% số vận động viên là phụ nữ và họ bị giới hạn ở các môn thể thao được coi là "phù hợp" chẳng hạn như bơi lội, quần vợt và chơi croquet.

Theo lifestyle.znews