|
|
Các đại biểu bấm nút phát động Tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới năm 2024 |
Tham dự buổi lễ có: ông Đào Ngọc Dung, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Chủ tịch Ủy ban quốc gia Vì sự tiến bộ của phụ nữ Việt Nam; Trung tướng Lê Văn Tuyến, Ủy viên Ban Thường vụ Đảng uỷ Công an Trung ương, Thứ trưởng Bộ Công an; bà Đỗ Thị Thu Thảo, Phó Chủ tịch Thường trực Hội LHPN Việt Nam; bà Pauline Tamesis, Điều phối viên thường trú Liên hợp quốc tại Việt Nam; đại diện lãnh đạo các bộ, ngành cơ quan trung ương và hơn 800 đại biểu thuộc các đơn vị của lực lượng Công an nhân dân.
Phụ nữ và trẻ em cần chủ động hơn nữa trong việc chia sẻ, tìm kiếm sự giúp đỡ để giải quyết vấn đề bạo lực, xâm hại
Phát biểu tại buổi lễ, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung khẳng định, việc tập trung vào phát triển hệ thống an sinh xã hội bao trùm, đa dạng, nâng cao khả năng tiếp cận của các nhóm đối tượng, nhất là người yếu thế, dễ bị tổn thương, phụ nữ và trẻ em, tạo điều kiện, cơ hội để phụ nữ và nam giới tham gia, thụ hưởng bình đẳng trong các lĩnh vực của đời sống xã hội là nhiệm vụ quan trọng của ngành lao động, thương binh và xã hội trong nhiều năm qua và là một trong những ưu tiên trong thời gian tới.
|
|
Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung phát biểu tại buổi lễ. |
Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội mong muốn các bộ, ngành, cơ quan, các cấp ủy Đảng, chính quyền, tổ chức, đoàn thể, các tổ chức quốc tế trong và ngoài nước, các cơ quan truyền thông và mỗi người dân cùng cam kết, tham gia và có hành động cụ thể, thiết thực, hiệu quả đối với công tác bình đẳng giới, vì sự phát triển phồn vinh, hạnh phúc của mỗi cá nhân, gia đình và toàn xã hội.
Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác bình đẳng giới vẫn còn những tồn tại, hạn chế nhất định như: Những định kiến giới trong xã hội vẫn là một trở ngại lớn của công tác bình đẳng giới; tỉ lệ chênh lệch giới tính khi sinh còn ở mức cao; tình trạng tảo hôn và có con sớm vẫn khá phổ biến ở vùng dân tộc thiểu số; tình trạng bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em vẫn còn tồn tại; phụ nữ vẫn phải đảm nhận nhiều hơn công việc nội trợ và chăm sóc gia đình so với nam giới; già hóa dân số và các vấn đề mới như biến đổi khí hậu, thiên tai đã ảnh hưởng nặng nề đến quá trình phát triển kinh tế - xã hội và đời sống nhân dân... Trong đó, phụ nữ, trẻ em là đối tượng chịu nhiều tác động hơn.
Để giải quyết vấn đề này đòi hỏi sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và cộng đồng. Việc ban hành các chính sách, pháp luật phải đi đôi với trách nhiệm và nỗ lực của các cơ quan chức năng trong việc triển khai để pháp luật thực sự đi vào cuộc sống. Bên cạnh đó, phải chú trọng đến vai trò chủ động, tích cực của các cơ quan truyền thông trong việc thay đổi những quan niệm truyền thống, những định kiến giới và bạo lực trên cơ sở giới. Quan trọng hơn, bản thân phụ nữ và trẻ em cũng phải chủ động hơn nữa trong việc chia sẻ, tìm kiếm sự giúp đỡ để giải quyết vấn đề bạo lực, xâm hại, đồng thời cần phải được trang bị các kiến thức, kỹ năng phòng, chống bạo lực, xâm hại.
Công tác bình đẳng giới trong thời gian qua có nhiều kết quả đáng ghi nhận
Phát biểu tại buổi lễ, Trung tướng Lê Văn Tuyến, Thứ trưởng Bộ Công an, nhấn mạnh, trong những năm qua, Bộ Công an luôn quan tâm, chỉ đạo lực lượng công an các cấp chủ động phối hợp với các đơn vị, bộ ngành, cơ quan, tổ chức có liên quan phát hiện sớm, can thiệp và xử lý kịp thời các vụ bạo lực trên cơ sở giới, môi giới hôn nhân bất hợp pháp và bảo vệ nạn nhân; phòng chống tội phạm xâm hại trẻ em, tội phạm mua bán người; phối hợp tổ chức ký kết và thực hiện các quy chế phối hợp liên ngành liên quan đến công tác phòng ngừa bạo lực trên cơ sở giới. Những nhiệm vụ này sẽ tiếp tục được triển khai trong lực lượng Công an nhân dân trong thời gian tới.
Với sự chung tay, phối hợp của các bộ, ngành, cơ quan ở trung ương và địa phương, công tác bình đẳng giới trong thời gian qua đã có nhiều kết quả đáng ghi nhận. Tỷ lệ nữ tham gia cấp uỷ Đảng các cấp trong các nhiệm kỳ đều tăng. Có 59% các bộ, cơ quan ngang bộ có lãnh đạo chủ chốt là nữ. 74,6% chính quyền địa phương cấp tỉnh có lãnh đạo chủ chốt là nữ.
Tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội khóa XV đạt 30,26% cao hơn mức trung bình của thế giới và khu vực. Khoảng cách giới trong tất cả các cấp giáo dục được thu hẹp; hệ thống dịch vụ hỗ trợ người bị bạo lực giới được mở rộng và nâng cao chất lượng; vai trò, vị thế của phụ nữ trong lĩnh vực kinh tế được nâng cao, ngày càng có nhiều gương mặt nữ doanh nhân và nữ giám đốc điều hành tiêu biểu của Việt Nam được các diễn đàn kinh tế thế giới ghi nhận và tôn vinh.
|
|
Khẩu hiệu truyền thông Tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới. |
Nhiều nữ sĩ quan đã tham gia Lực lượng Gìn giữ hoà bình Liên hợp quốc đã chứng tỏ năng lực tiềm tàng của phụ nữ và khi phụ nữ được phát huy vai trò, họ có thể đáp ứng được bất kỳ nhiệm vụ nào.
Theo Báo cáo khoảng cách giới toàn cầu năm 2024 do Diễn đàn kinh tế thế giới công bố, chỉ số xếp hạng về bình đẳng giới của Việt Nam năm 2024 đứng thứ 72/146 quốc gia, tăng 11 bậc so với năm 2022. Ngày 9/4/2024, Hội đồng Kinh tế Xã hội Liên Hợp Quốc đã bầu Việt Nam vào Hội đồng Chấp hành Cơ quan Liên hợp quốc về Bình đẳng giới và Trao quyền cho phụ nữ (UN Women) nhiệm kỳ 2025-2027, khẳng định vị thế và uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế.
Thay mặt các tổ chức Liên hợp quốc tại Việt Nam, bà Paulines Tamasis, Điều phối viên thường trú của Liên hợp quốc, cho biết Liên hợp quốc đang hỗ trợ nâng cao năng lực của lực lượng Công an Việt Nam trong việc xử lý các vụ việc hiệu quả, đảm bảo quy trình điều tra thân thiện với trẻ em, thân thiện với nạn nhân, nhạy cảm về giới và đáp ứng giới.
"Thông qua các hoạt động hợp tác, chúng tôi mong muốn lực lượng công an được trang bị đầy đủ và được đào tạo để mang lại sự tự tin, an toàn cho phụ nữ và trẻ em khi trình báo và tìm kiếm trợ giúp từ các cơ quan chức năng", bà Paulines Tamasis nhấn mạnh.
Tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới được tổ chức từ ngày 15/11 đến ngày 15/12 hằng năm. 100% các địa phương và nhiều bộ ngành, cơ quan trung ương đã xây dựng kế hoạch và triển khai các hoạt động hưởng ứng Tháng hành động. Chỉ tính riêng năm 2023, các bộ, ngành, địa phương đã triển khai hơn 6.000 hoạt động truyền thông với hơn 950.000 người tham gia (trong đó nam giới chiếm khoảng 30%); gần 480.000 sản phẩm truyền thông được phát hành; gần 3.800 cuộc hội nghị, hội thảo, tọa đàm,, nói chuyện chuyên đề được tổ chức; 57.683 lượt tin, bài được sản xuất, truyền thông trên các phương tiện thông tin đại chúng; hơn 1,4 triệu tờ rơi, sản phẩm truyền thông được sản xuất. Ước tính có hơn 10 triệu lượt người tham gia, tiếp cận với các thông điệp truyền thông. |
Văn Long